Ý KIẾN ĐBQH TP.HÀ NỘI: VỀ VẤN ĐỀ XỬ LÝ CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC LÀM ĂN THUA LỖ

15/05/2018

Bộ Trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội về vấn đề xử lý các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ và trách nhiệm của cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng sai sót, làm ăn thua lỗ tại các doanh nghiệp nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội

Ngày 16/12/2016, Bộ Trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội về vấn đề xử lý các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ và trách nhiệm của cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng sai sót, làm ăn thua lỗ tại các doanh nghiệp nhà nước.

Toàn bộ nội dung câu hỏi chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội như sau:

Cử tri của chúng tôi bảo cứ đưa cho các doanh nghiệp nhà nước triển khai dự án là thua lỗ, không thành công, mất mát rất nhiều, rất phổ biến. Vậy có lẽ đang có chỗ chưa ổn, sai trong cách thức tổ chức thực hiện dự án. Có nên thay đổi không và Bộ trưởng có dám thay giám đốc ban quản lý dự án, hay nói là "trảm tướng" ngay để cải thiện tình hình không?
Câu hỏi thứ hai, rồi đây, sau khi phân tích, kiểm điểm quá trình sai sót, quá trình thực hiện các dự án đã bị thua lỗ mà chúng ta đề cập, rất mong Bộ trưởng đặc biệt lưu ý trả lời bằng văn bản về trách nhiệm cá nhân và tập thể gây ra sai sót. Tôi xin nói thêm, tôi hài lòng và thấy thú vị với trả lời của các Bộ trưởng sáng nay?

Bộ Công Thương xin được trả lời Đại biểu về vấn đề này như sau:

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Đối với các doanh nghiệp có dự án thua lỗ, hiện nay các cơ quan thanh tra, bảo vệ pháp luật đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Theo phân cấp quản lý, đối với các cá nhân, tổ chức trực tiếp liên quan đến một số dự án thua lỗ thuộc thẩm quyền quản lý của doanh nghiệp thì các doanh nghiệp đã có xem xét, xử lý theo thẩm quyền, một số trường hợp đã bị cơ quan pháp luật khởi tố và xử lý theo quy định của pháp luật.

Riêng về phía Bộ Công Thương, đối với một số doanh nghiệp để xảy ra tình trạng thua lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giai đoạn từ năm 2011- 2015, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét xử lý một số lãnh đạo doanh nghiệp, cụ thể như sau:
+ Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam: Do để Công ty EVN Telecom thua lỗ, ông Đào Văn Hưng bị buộc cho thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn và chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo; ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám V đốc Tập đoàn bị kỷ luật với hình thức khiển trách.
+ Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP: Do để thua lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Lê Phú Hưng bị cho thôi giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty.
Đối với một số Dự án đầu tư cụ thể, tới thời điểm này, Bộ Công Thương xin báo cáo với Đại biểu như sau:

Theo báo cáo của các Tập đoàn và Tổng công ty thì đối với các cán bộ thuộc thẩm quyền của Tập đoàn, Tổng công ty, các đơn vị đã tiến hành xem xét, xử lý những trường hợp gồm:
+ Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên: Năm 2015, Kiểm toán đã có kết luận đề nghị Tổng công ty Thép kiểm điểm đối với người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại Cty Gang thép Thái Nguyên, Tổng công ty đã tổ chức kiểm điểm, tuy nhiên chưa xử lý kỷ luật cá nhân và tập thể
+ Dự án Đạm Ninh Bình: Thanh tra Bộ Công Thương đang trong quá trình thanh tra Dự án, sau khi có kết luận Thanh tra, Bộ Công Thương sẽ xử lý nghiêm đối với các cá nhân và tập thể nếu để xảy ra sai phạm.
+ Các Dự án của PVC: Tập thể lãnh đạo Tập đoàn đã có đánh giá xếp loại “Chưa hoàn thành chức trách nhiệm vụ” năm 2012 đối với ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Đức Thuận; quyết nghị thôi làm người đại diện vốn của Tập đoàn, thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị - Bí thư Đảng ủy PVC đối với ông Trịnh Xuân Thanh và quyết nghị thôi làm người đại diện vốn của Tập đoàn, thôi giữ chức Uỷ viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy PVC đối với ông Vũ Đức Thuận và kịp thời kiện toàn nhân sự thay thế các chức danh người đứng đầu Chủ tịch Hội đồng quản trị - Bí thư Đảng ủy PVC và Uỷ viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc PVC để nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, khắc phục tồn tại, khó khăn của đơn vị. Đến nay, cơ quan Công an đã có lệnh bắt đối với các đối tượng trên.
+ Dự án Sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ: ngày 27 tháng 01 năm 2014, Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn đã làm thủ tục cho thôi giữ chức vụ đối với ông Vũ Đình Duy (thôi tham gia Hội đồng quản trị, thôi giữ chức Tổng giám đốc để giữ chức Phó Tổng giám đốc PVTex phụ trách Dự án Xây dựng nhà máy Sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ); về trách nhiệm của ông Duy liên quan đến thua lỗ của PVTex: Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận sau khi xem xét về việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, trong đó có trách nhiệm của Bộ Công Thương, PVN và một số cá nhân liên quan. Bộ Công Thương sẽ thực hiện nghiêm túc kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ tăng cường công tác quản lý cán bộ, đặc biệt đối với các trường hợp có liên quan đến các Dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xác minh để bảo đảm phục vụ tốt công tác đánh giá, làm rõ trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện Dự án. Sau khi có kết luận chính thức, Bộ Công Thương sẽ báo cáo tới Đại biểu cụ thể về trách nhiệm và hình thức xử lý đối với các cá nhân, tập thể có liên quan để xảy ra sai sót, vi phạm ở các Dự án này.

Toàn bộ văn bản trả lời chất vấn xin xem tại file đính kèm./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Các bài viết khác