ĐBQH NGUYỄN THÀNH CÔNG – NINH BÌNH: ĐỀ NGHỊ KÉO DÀI NHIỆM KỲ CỦA CHỦ TỊCH VÀ CÁC THÀNH VIÊN KHÁC CỦA ỦY BAN CẠNH TRANH QUỐC GIA LÊN 7 NĂM

25/05/2018

Chiều 24/5, tại phiên thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Công - Ninh Bình đề nghị kéo dài nhiệm kỳ của Chủ tịch và các thành viên khác của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia lên 7 năm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Công - Ninh Bình phát biểu tại Hội trường 

Thứ nhất, về địa vị pháp lý của Ủy ban cạnh tranh quốc gia, theo quy định tại khoản 1 Điều 48 dự thảo Luật Cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương, cách xác định địa vị pháp lý của Ủy ban như vậy vẫn không phù hợp với tính chất quốc gia như tên gọi của Ủy ban đã ngụ ý. Đây là cơ quan có trách nhiệm trực tiếp xử lý, quyết định các vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế một cách khách quan, công bằng và chỉ tuân theo luật trong quá trình hoạt động.

Kinh nghiệm của các quốc gia có hiệu lực cao trong thực thi Luật Cạnh tranh đều cho thấy bảo đảm tính độc lập của cơ quan xử lý các vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế là yêu cầu có tính tiên quyết, cơ quan này phải bảo đảm được tính độc lập cần thiết để việc xem xét, giải quyết, ra quyết định về việc xác định hành vi của doanh nghiệp là vi phạm Luật Cạnh tranh hay không, đi kèm với việc áp dụng biện pháp chế tài mà không chịu áp lực của bất cứ doanh nghiệp nào có liên quan hoặc áp lực từ các cơ quan bên ngoài Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Chính vì vậy, để bảo đảm tính độc lập của Ủy ban, bảo đảm các quyết định của Ủy ban khi xử lý các vụ việc về cạnh tranh được khách quan, công bằng và tuân thủ pháp luật, không nên ghi Ủy ban này là cơ quan thuộc Bộ Công Thương mặc dù vẫn có thể giao cho Bộ Công Thương trách nhiêm tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh như quy định tại khoản 2a Điều 48.

Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 24/5

Thứ hai, về thẩm quyền bổ nhiệm thành viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tương xứng với yêu cầu bảo đảm tính độc lập trong việc giải quyết, xử lý các vụ việc cạnh tranh của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, nên xem xét lại quy định ở khoản 3 Điều 50 thành viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương theo hướng Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi các thành viên khác của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia do Thủ tướng bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, như vậy sẽ tăng cường vị thế của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, bảo đảm tốt hơn tính độc lập trong triển khai nhiệm vụ của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Ở các quốc gia có kinh nghiệm trong thực thi Luật cạnh tranh như Hàn Quốc, Nhật Bản, thành viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia hoặc cơ quan tương đương thường do nguyên thủ quốc gia bổ nhiệm với sự phê chuẩn của Quốc hội, tương tự như quy trình bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Thứ ba, về nhiệm kỳ của Ủy viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Theo quy định tại khoản 4 Điều 50 nhiệm kỳ của thành viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại. Nếu quy định này được thông qua và áp dụng trong thực tế có thể xảy ra khả năng nhiệm kỳ của thành viên Ủy ban sẽ cùng với nhiệm kỳ của Bộ trưởng và nhiệm kỳ của Chính phủ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy thời hạn nhiệm kỳ 5 năm là nhiệm kỳ khá ngắn. Bố trí nhiệm kỳ song song với nhiệm kỳ của Chính phủ và Bộ trưởng sẽ làm giảm tính độc lập của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Vì vậy, để tăng cường tính độc lập của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, tham khảo kinh nghiệm thành công của các quốc gia trên thế giới nên quy định nhiệm kỳ của Chủ tịch và các thành viên khác của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia lệch so với nhiệm kỳ thông thường của Chính phủ và Bộ trưởng. Đại biểu cho rằng nên xem xét có thể kéo dài nhiệm kỳ bổ nhiệm của các chức danh này lên 7 năm là phù hợp.

Vân Ngọc

Các bài viết khác