ĐBQH ĐINH THỊ HỒNG MINH – QUẢNG NGÃI: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TỐ CÁO CỦA THỦ TRƯỞNG ỦY BAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN

28/05/2018

Tiếp tục phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) vào sáng 24/5, đại biểu Quốc hội Đinh Thị Hồng Minh - Quảng Ngãi đề nghị bổ sung thẩm quyền giải quyết tố cáo của thủ trưởng Ủy ban chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Hồng Minh - Quảng Ngãi phát biểu tại Hội trường

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) và báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Đinh Thị Hồng Minh - Quảng Ngãi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết tố cáo, khoản 2 Điều 13 dự thảo luật không ghi nhận thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng ủy ban chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Theo đại biểu như vậy là có thiếu sót, bởi vì các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện vẫn là cơ quan nhà nước hoàn chỉnh theo quy định của Chính phủ, có con dấu, tài khoản riêng. Đây là cơ quan tham mưu chủ yếu nhưng độc lập tương đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, trái với nguyên tắc xác định thẩm quyền quy định tại Điều 12 của dự thảo là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết. Hơn nữa, Luật Khiếu nại cũng đã ghi nhận và quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đề nghị cần bổ sung cho đồng bộ và phù hợp.

Thứ hai, về thụ lý tố cáo, điểm c khoản 1 Điều 29 quy định: "Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết, người khiếu nại không đồng ý chuyển sang tố cáo, người giải quyết khiếu nại chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật. Theo đại biểu đây là quy định chưa đủ rõ, vì xảy ra việc người giải quyết khiếu nại cho rằng đã được giải quyết đúng chính sách pháp luật, còn người đi tố cáo cho rằng đã được giải quyết nhưng không đúng chính sách pháp luật. Vậy cơ quan nhận đơn tố cáo tin vào ai, làm sao để xác định có hay không có người vi phạm hành vi vi phạm. Do đó, đại biểu đề nghị sửa lại như sau: "Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đang được giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo Luật Khiếu nại mà người khiếu nại không đồng ý nhưng không khởi kiện hành chính tại Tòa án theo quy định pháp luật, chuyển sang tố cáo đối với người giải quyết khiếu nại thì không thụ lý tố cáo, chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo đã khởi kiện tại Tòa án và Tòa án đã xét xử có bản án quyết định có hiệu lực pháp luật xác định người giải quyết khiếu nại có vi phạm pháp luật trong giải quyết khiếu nại".

Các đại biểu làm việc tại Hội trường sáng 24/5

Thứ ba, về xác minh nội dung tố cáo tại Điều 31, tại khoản 4 Điều 31 quy định trong quá trình xác minh người xác minh nội dung tố cáo phải tạo điều kiện để người bị tố cáo giải trình, đưa ra các chứng cứ để chứng minh tính đúng, sai của nội dung tố cáo cần xác minh. Trong khi Điều 10 quy định: "Quyền và nghĩa vụ người bị tố cáo, xác định người bị tố cáo có quyền đưa ra chứng cứ chứng minh nội dung tố cáo không đúng sự thật, có nghĩa vụ giải trình bằng văn bản về hành vi bị tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan trong khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu". Theo đại biểu, quy định như trên là không nhất quán cách diễn đạt, vì vậy đề nghị sửa khoản 4 Điều 31 thành: "Trong quá trình xác minh, người xác minh nội dung tố cáo phải đảm bảo điều kiện cho người bị tố cáo được giải trình, phải tiếp nhận xem xét đầy đủ các thông tin tài liệu chứng cứ do người bị tố cáo cung cấp để chứng minh tính đúng sai của nội dung tố cáo cần xác minh, để đảm bảo tính nhất quán".

Thứ tư, về trách nhiệm của thanh tra các cấp, Tổng Thanh tra Chính phủ tại Điều 32. Điều 32 quy định: "Chánh thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, Chánh thanh tra cấp tỉnh, Chánh thanh tra sở, Chánh thanh tra cấp huyện có trách nhiệm xem xét kết luận việc giải quyết tố cáo mà người đứng đầu cơ quan cấp dưới trực tiếp của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo có vi phạm pháp luật thì kiến nghị người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp xem xét giải quyết lại". Đây là nội dung kế thừa Luật Tố cáo hiện hành.

Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ điểm b khoản 1 điều này thì Chánh thanh tra phải tiến hành như thế nào có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo trước đó giải trình, cung cấp toàn bộ hồ sơ giải quyết tố cáo cho mình xem xét không, có quyền được kiến nghị người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp xem xét, giải quyết lại có bị giới hạn về thời gian không, hay bất kỳ vụ việc nào dù mới kết luận hay đã từ nhiều năm trước đó. Do đó, cần phải làm rõ trong dự thảo luật để thực hiện thống nhất hoặc luật có điều khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.

Thứ năm, giải quyết tố cáo trong trường hợp quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết ở Điều 38, tại khoản 5 quy định về xử lý tố cáo đã quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết. Đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo là chưa rõ nghĩa và không có tiêu chí xác định cụ thể thế nào là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu không khách quan để làm căn cứ giải quyết lại vụ việc. Khoản này dự thảo luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Tuy nhiên, theo tinh thần nội hàm thì có thể hiểu là "người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết lại vụ việc tố cáo, nghĩa là cấp dưới đã giải quyết nhưng có vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu không khách quan, không phù hợp với tên gọi của Điều 38 tố cáo quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết. Do đó, cần xác định rõ để thực hiện, tránh tạo cớ cho người tố cáo căn cứ vào quy định này để gây sức ép buộc cấp trên phải giải quyết trong khi cấp dưới chưa giải quyết. Nội dung Điều 38 nên trả lời cho câu hỏi: Người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp có lấy vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cấp dưới trực tiếp của mình lên để giải quyết khi cấp dưới để quá hạn luật định mà chưa giải quyết hay không? Nếu có thì trong trường hợp cụ thể nào? Trường hợp không quy định được rõ ràng, mạch lạc, như vậy nên sửa lại khoản 5 theo hướng dẫn chiếu đến áp dụng điểm b khoản 1 Điều 32: "Chánh thanh tra bộ, ngành, tỉnh, huyện, xem xét kết luận việc giải quyết tố cáo mà người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp dưới trực tiếp của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo có vi phạm pháp luật thì kiến nghị người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp xem xét giải quyết lại." hoặc Điều 37: "Người tố cáo không đồng tình với kết quả giải quyết và có đơn tố cáo tiếp, tùy theo trường hợp phát sinh để đảm bảo chặt chẽ trong thực hiện", quy định như vậy rõ ràng, mạch lạc hơn và cũng không làm mất quyền hay hạn chế quyền tố cáo, tố cáo tiếp của công dân.

Vân Ngọc

Các bài viết khác