Đại biểu Nguyễn Trường Giang phát biểu tại phiên họp
Thảo luận về nội dung dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Trường Giang cho biết, về quy định tại Điều 114 của dự thảo luật, tại khoản 1 Điều 114 dự thảo luật quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề năm trước thực hiện hành vi vi phạm nhưng không được vượt quá mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự. Đại biểu cho rằng dự thảo quy định như vậy vẫn chưa đảm bảo tính thống nhất đối với Bộ luật Hình sự, cụ thể ở đây là Điều 217 của Bộ luật Hình sự, và khi Quốc hội xem xét thông qua Bộ luật Hình sự thì Điều 217 đã được Chính phủ, cụ thể là Bộ Công Thương cũng đã có văn bản góp ý về nội dung Điều 217, đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, mức phạt tiền quy định trong dự thảo luật là phù hợp và là mức phạt tối đa, theo quy định của Bộ luật Hình sự, ở mức khung dưới là không quá 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức, tuy nhiên lại không tương xứng với quy định tại khoản 2 điều này.
Lý giải về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho biết, khoản 2 của dự thảo luật quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 5% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề của năm trước thực hiện hành vi vi phạm, như vậy ở đây không có mức khống chế mức trần trên. Tuy nhiên, đối chiếu vào Điều 30, các hành vi quy định trong dự thảo luật, đại biểu cho rằng hành vi vi phạm về tập trung kinh tế rất đa dạng nhưng mức phạt lại không khống chế là không phù hợp, bởi vì có những hành vi đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, tức là bản thân hành vi bị cấm trong tập trung kinh tế có những cái đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, nghĩa là phải nằm dưới mức của Hình sự, còn có những hành vi không quy định trong Bộ luật Hình sự, mức phạt ở đây cũng vượt quá mức 1 tỷ, 2 tỷ quy định ở Bộ luật Hình sự, đó là một hình phạt mang tính răn đe cao nhất rồi, mà ở đây lại không khống chế, ví dụ như 500 tỷ mà chúng ta phạt 5% là 25 tỷ là không phù hợp.
Toàn cảnh phiên làm việc buổi chiều 24/5
Đối với hành vi vi phạm lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền thì theo quy định tại Điều 217 Bộ luật Hình sự, đây là cấu thành không có căn cứ và hậu quả của hành vi, bị xử lý hình sự ngay, thậm chí đưa vào khung tăng nặng (khoản 2 Điều 217). Nếu xảy ra hành vi này thì không thể xử phạt vi phạm hành chính được mà truy tố ngay vào khoản 2 Điều 217 Bộ luật Hình sự, đã truy cứu trách nhiệm hình sự. Bây giờ chúng ta lại đặt ra vấn đề xử phạt vi phạm hành chính, tôi cho rằng không phù hợp. Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị tiếp tục rà soát điều này để đảm bảo thống nhất với các quy định của Bộ luật Hình sự. Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ, vì các khoản ở đây có chỗ rất rõ mức phạt đối với doanh nghiệp nhưng có chỗ không rõ đây là doanh nghiệp hay cá nhân, nhưng chúng ta lại nói là mức phạt tối đa đối với doanh nghiệp gấp đôi cá nhân. Trong Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định mức phạt tối đa đối với cá nhân, sau đó thì quy định mức phạt tối đa gấp đôi đối với tổ chức. Ở đây, có chỗ rất rõ là doanh nghiệp nhưng có chỗ không rõ là doanh nghiệp hay cá nhân.
Điểm thứ hai, điều khoản chuyển tiếp, khoản 2 dự thảo luật quy định: "Trường hợp hành vi vi phạm đang bị điều tra, xử lý được xác định vi phạm quy định của luật này thì tiếp tục bị điều tra xử lý theo quy định của luật này". Đại biểu đề nghị chỗ này cần phải chỉnh lý lại cho đúng.
Trong trường hợp hành vi xảy ra trước khi luật này có hiệu lực, đến khi luật này có hiệu lực, hành vi quy định ở luật này có trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì chúng ta mới có thể áp dụng quy định của luật này để xử lý đối với hành vi đó. Còn đối với trường hợp áp dụng trách nhiệm pháp lý nặng hơn thì theo quy định tại Điều 152 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta không thể áp dụng quy định hiệu lực trở về trước đối với những hành vi quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn được. Đại biểu Nguyễn Trường Giang, đề nghị thiết kế lại toàn bộ điều này theo tinh thần kể từ khi luật này có hiệu lực. Đối với những hành vi nhẹ hơn thì chúng ta có thể áp dụng luật này để xử lý, còn nếu nặng hơn thì phải áp dụng quy định pháp luật tại thời điểm có hành vi vi phạm để chúng ta xử lý đối với hành vi đó./.