ĐBQH BẠCH THỊ HƯƠNG THỦY – HÒA BÌNH: ĐỀ NGHỊ QUỐC HỘI TIẾP TỤC QUAN TÂM, SỬA ĐỔI CÁC LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN CỔ PHẦN HÓA DN

30/05/2018

Chiều 28/5, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản NN tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016, ĐBQH Bạch Thị Hương Thủy - Hoà Bình, đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, sửa đổi các luật liên quan đến nội dung cổ phần hóa DN...

Đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy - Hoà Bình phát biểu tại Hội trường

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy nhận định, báo cáo của đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp giai đoạn 2011-2016 và thực tiễn trong thời gian qua cho thấy sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp.

Trong 5 năm triển khai thực hiện một số luật, nghị định, quyết định đã được ban hành để điều chỉnh các nhóm vấn đề chức năng chủ sở hữu nhà nước. Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp được ban hành trong giai đoạn 2016-2021 có phạm vi điều chỉnh ngày càng rộng, cơ bản đã bao phủ được nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nước ta, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao quyền tự chủ, chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm vai trò chỉ đạo giám sát của nhà nước. Các kết quả cụ thể, từng nội dung đã được thể hiện trong báo cáo giám sát.

Theo số liệu của báo cáo, trong giai đoạn 2011-2016 cả nước đã cổ phần hóa 571 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, trong đó có cả tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quy mô lớn và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện trình tự, thủ tục cổ phần hóa theo quy định của pháp luật, hài hòa quyền lợi nhà nước đầu tư vào người lao động tại doanh nghiệp. Các chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa được quan tâm, số người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa được tiếp tục làm việc, đào tạo lại để nâng cao trình độ lao động dôi dư ở các doanh nghiệp cổ phần hóa được hưởng chính sách trợ cấp hỗ trợ đào tạo để bố trí việc làm mới tại các doanh nghiệp.

Nhờ bảo đảm được quyền lợi của người lao động mà tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp được đẩy nhanh, hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì và ổn định. Chính sách bán cổ phần cho tổ chức công đoàn, người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa đã góp phần thay đổi tư duy của người lao động, từ người làm công ăn lương chuyển sang vị trí đồng chủ sở hữu doanh nghiệp, nhờ đó gắn kết lợi ích giữa người lao động và lợi ích giữa các doanh nghiệp.

Từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp đã thực hiện được mục tiêu đa dạng hóa sở hữu tại doanh nghiệp. Từ loại hình doanh nghiệp có một chủ sở hữu, nay có nhiều chủ sở hữu, nhờ đó đã huy động được nguồn vốn xã hội đầu tư vào doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần quan trọng trong việc thay đổi phương thức quản trị, tạo động lực để phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Các đại biểu làm việc tại Hội trường chiều 28/5

Theo số liệu thống kế trong báo cáo thì 350 doanh nghiệp sau cổ phần hóa năm 2015 cho thấy so với năm trước khi cổ phần hóa bình quân lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, tổng tài sản tăng 39% và doanh thu tăng 29% thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%. Điều này chứng tỏ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với việc cổ phần hóa doanh nghiệp là hoàn toàn phù hợp. Nhiều doanh nghiệp đứng trước những khó khăn, có nguy cơ phá sản, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước với chủ trương và hướng đi đúng đắn đã tạo động lực cho việc cổ phần hóa doanh nghiệp và tạo đà phát triển chung cho đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, từ những công tác tổ chức hóa doanh nghiệp cũng còn không ít những khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết, như tình trạng doanh nghiệp có khó khăn vướng mắc về vốn, tài sản, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ, vướng mắc về quyền lợi của cổ đông liên quan đến đất đai, hiện tượng sau cổ phần hóa doanh nghiệp đưa vào sử dụng không đúng mục đích mà chuyển từ mục đích sử dụng sang phân lô, bán nền, việc quản, lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp chưa chặt chẽ, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, một số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong thời gian dài nhưng đất đai, nhà xưởng chưa được xử lý theo quy định của pháp luật, gây lãng phí tài sản, thất thoát vốn.

Bên cạnh những bất cập về chính sách pháp luật còn do tác động áp lực cạnh tranh trong nước cũng như những biến động của nền kinh tế thế giới làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Từ một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế, bất cập nêu trên, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nội dung cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp trong thời gian tới, đại biểu xin đề xuất với Quốc hội, Chính phủ quan tâm một số nội dung sau:

Đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, sửa đổi các luật liên quan đến nội dung cổ phần hóa doanh nghiệp nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quy định hiện hành tạo sự thống nhất, đồng bộ, kịp thời trong quá trình tổ chức thực hiện việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ cần tăng cường công tác chỉ đạo các địa phương lập phương án tổ chức rà soát toàn bộ các diện tích đất của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa, đối chiếu với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, xác định các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, hướng dẫn đảm bảo phù hợp với pháp luật đất đai hiện hành, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, xử lý các vấn đề tài chính trước và trong quá trình cổ phần hóa để đảm bảo ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Chú trọng đến công tác cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thực thi đảm bảo đủ mạnh cả về trình độ và năng lực để thực hiện chức năng, nhiệm vụ là cơ quan chủ quản, đại diện chủ sở hữu quan tâm đến chế độ, chính sách đãi ngộ cho người quản lý, tạo điều kiện cho người lao động mất việc làm sau cổ phần hóa doanh nghiệp để giúp họ sớm ổn định cuộc sống.

Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền xem xét và xử lý theo đúng quy định đối với những diện tích đất sử dụng sai mục đích, tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý chặt chẽ vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước đầu tư đang giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý, xóa bỏ cơ chế quản lý doanh nghiệp hạch toán toàn ngành, bù lỗ chéo, không phản ảnh thực chất hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp nhà nước mà tránh thất thoát các khoản thu ngân sách, ví dụ như công ty thủy điện Hòa Bình./.

Vân Ngọc

Các bài viết khác