ĐBQH PHAN ANH KHOA – PHÚ YÊN: QUỐC HỘI CẦN TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VÀ PHỔ BIẾN LUẬT

31/05/2018

Ngày 30/5, đóng góp ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Đại biểu Quốc hội Phan Anh Khoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đề nghị Quốc hội phải tăng cường giám sát công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đời sống xã hội toàn dân.

Đại biểu Quốc hội Phan Anh Khoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên phát biểu tại phiên thảo luận ngày 30/5

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Phan Anh Khoa đã chia sẻ sự đồng thuận và đánh giá cao của bản thân cũng như của cử tri tỉnh Phú Yên đối với hoạt động của Quốc hội khóa XIV nói chung, và việc thực hiện chức năng lập pháp nói riêng.

Với tinh thần trách nhiệm và lòng tâm huyết cao, Quốc hội đã tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, làm tròn trách nhiệm của mình một cách hiệu quả. Trong một thời gian ngắn, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 21 dự án luật và 46 nghị quyết trên các lĩnh vực và nhiều nghị quyết mang tính đột phá để phát triển kinh tế đất nước.

Quá trình lập pháp của Quốc hội đã thực hiện đúng chức năng, quyền hạn, quy trình được quy định trong Hiến pháp và pháp luật một cách kịp thời, hiệu lực; góp phần hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh, đưa đất nước chúng ta phát triển.

Tuy nhiên, việc xây dựng luật pháp thời gian qua vẫn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Một số hạn chế, yếu kém đã kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội và chưa dược khắc phục. Chúng tác động không nhỏ đến chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh trong đời sống xã hội. Một số dự án luật trình ra Quốc hội chất lượng còn thấp, tiến độ còn chậm so với kế hoạch và không được sự đồng thuận cao của Quốc hội. Nhiều dự án luật phải qua nhiều kỳ họp mới được thông qua hay buộc phải bị rút ra khỏi chương trình.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 31/5

Đại biểu cũng phản ánh, một số dự án luật chưa bảo đảm yếu tố khoa học, chưa thỏa mãn tính đồng bộ của hệ thống luật pháp và yêu cầu thực tiễn của xã hội. Công tác triển khai thực hiện một số dự án luật được thông qua còn lúng túng, hiệu lực pháp luật chưa cao và gây lãng phí luật. Thậm chí, nhiều bộ luật phải chờ có nghị định hay thông tư quy định cụ thể mới phẩn nào đi vào được thực tiễn cuộc sống.

Trước những tồn tại này, Đại biểu Quốc hội Phan Anh Khoa đã có một số đề xuất như sau:

Một là, cần nâng cao chất lượng giai đoạn chuẩn bị xây dựng luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội. Cần có cơ chế quy trách nhiệm cụ thể về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm chuẩn bị các dự án luật. Cần tập trung các nguồn lực để bảo đảm nguồn nhân lực có trách nhiệm, tâm huyết, chuyên môn cao, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong quá trình chuẩn bị để hoàn thiện dự án luật trình ra Quốc hội. Tránh tình trạng đùn đẩy toàn bộ hệ thống sản phẩm hạn chế sang Quốc hội.

Hai, thực hiện đầy đủ và hiệu quả quy trình xây dựng luật, pháp lệnh. Cần mở rộng, phát huy trí tuệ toàn dân, đặc biệt là đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia, cơ quan chuyên môn có trách nhiệm. Tránh tính hình thức và bố trí thời gian hợp lý để toàn dân có đủ điều kiện đóng góp ý kiến. Đặc biệt, phải phát huy vai trò của các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố, để tiếp cận sâu, rộng hơn trong nhân dân. Đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị để lấy ý kiến toàn dân có hiệu quả hơn.

Ba, các dự thảo luật, pháp lệnh sau khi đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải được kiểm định, giám sát, đôn đốc để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Lấy chất lượng chuẩn bị nội dung của pháp luật làm chính, kiên quyết loại khỏi chương trình Quốc hội các dự án luật chưa đủ chất lượng và tránh tình trạng cơ quan thẩm tra chạy theo và đánh giá chất lượng không đầy đủ mà vẫn đề xuất trình ra Quốc hội. Quốc hội cần đề xuất định hướng tập trung thảo luận cho các dự án luật đó.

Bốn, dự án luật dự kiến trình ra tại các kỳ họp phải có thời gian để các Đại biểu Quốc hội nghiên cứu cho ý kiến và quyết định thông qua và bảo đảm chất lượng. Đồng thời, Đại biểu Quốc hội không ngừng tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn đủ khả năng thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của mình trong công tác xây dựng luật và pháp lệnh trong thời gian tới.

Cuối cùng, Quốc hội phải tăng cường giám sát công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho toàn dân, đặc biệt giám sát các cơ quan chức năng ban hành văn bản dưới luật và triển khai thực hiện trong đời sống xã hội. Đại biểu nêu rõ, xây dựng luật phải trải qua 3 bước, đó là: công tác chuẩn bị soạn thảo và hoàn thành dự án luật của các cơ quan giao nhiệm vụ; thẩm định và thông qua các cơ quan Quốc hội; và giám sát các cơ quan ban hành các văn bản dưới luật và triển khai phổ biến thực hiện luật trong đời sống xã hội. Ba bước này có tác động biện chứng, đồng bộ chặt chẽ và thống nhất. Hiện nay, Đại biểu phản ánh rằng công tác tuyên truyền phổ biến luật đang bị hạn chế. Nếu thực hiện đầy đủ được ba bước này thì các dự án luật sẽ không bị bệnh tật và không bị chết yểu./.

Nguyễn Ngân

Các bài viết khác