ĐBQH TRẦN VĂN TIẾN - VĨNH PHÚC CHẤT VẤN BỘ TN&MT: GIẢI PHÁP ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG VIỆC CHUYỂN ĐỔI MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT

06/06/2018

Sáng ngày 05/6, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã có phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Đưa ra ý kiến chất vấn tại phiên làm việc, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tạo điều kiện cho các dự án đầu tư.

Đại biểu Trần Văn Tiến chất vấn tại phiên họp

Trong phiên chất vấn sáng 5/6, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 về công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo, nhất là trong quản lý, sử dụng đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi giải phóng mặt bằng. Phát biểu ý kiến tại phiên làm việc, đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh được thẩm định và Chính phủ phê duyệt có danh mục kèm theo trong Điều 58 Luật Đất đai thì việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa từ 10ha trở lên và trên 20ha đất rừng phòng hộ phải trình Thủ tướng để có văn bản chấp thuận làm phát sinh nhiều thủ tục và chậm tiến độ đầu tư tạo ra cơ hội xin - cho gây bức xúc cho nhà đầu tư. Mặc khác, cũng theo quy định, kế hoạch sử dụng đất hàng năm được trình và phê duyệt vào cuối năm trước liền kề năm kế hoạch, việc quy định như vậy đã làm mất cơ hội cho những dự án phát sinh trong năm kế hoạch thay vì phải chờ đưa vào kế hoạch năm sau, đại biểu Nguyễn Văn Tiến đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nêu trên và tạo điều kiện cho các dự án đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Tiến, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, chúng ta có quy hoạch sử dụng đất đai toàn quốc, quy hoạch đất đai cấp tỉnh, cấp huyện. Sau đó, chúng ta có xây dựng cụ thể kế hoạch sử dụng đất đai cho đến cấp xã. Nếu chúng ta làm được điều đó thì mọi chuyện lớn hơn 10 ha hay nhỏ hơn 10 ha thì trong quy hoạch đã đưa ra được chỉ tiêu. Tất nhiên, một tồn tại hiện nay của quy hoạch đất đai, đó là chỉ tiêu đưa ra định lượng chưa xác định được vị trí địa điểm.

Hiện nay như Thành phố Hồ Chí Minh, đã có cơ chế ủy quyền, đất đai ở cấp Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ lại ủy quyền rồi. Đương nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng bất cập ở chỗ, quy hoạch hiện nay, trên thực tế, chưa xác định cụ thể, kế hoạch sử dụng đất của chúng ta không sát với thực tiễn. Hiện nay, chúng ta mới có phân cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh là một địa phương có năng lực, nhu cầu công việc v.v...

Bộ trưởng cũng đồng tình nếu làm tốt khâu này thì vấn đề cải cách thủ tục hành chính không chỉ là vấn đề xem xét phê duyệt ở cấp Chính phủ mà thủ tục hành chính ở địa phương khi một doanh nghiệp tiếp cận đất đai do kế hoạch không phù hợp, trong kế hoạch chưa có hoặc đang xung đột giữa Luật Xây dựng đô thị với vấn đề phân bổ chiếm nhiều thời gian hơn chúng ta tưởng. Cải cách thủ tục hành chính còn là vấn đề xem xét đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thực tế thời gian chiếm ở đây khoảng 80% chứ không phải khâu thủ tục mang tính chất nguyên tắc và mang tính chất theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nhìn nhận cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện hơn, trong đó kể cả vấn đề phân cấp nhưng phải kèm theo năng lực và điều kiện thực thi.

Mai Trang

Các bài viết khác