ĐBQH ĐẶNG THỊ PHƯƠNG THẢO – NAM ĐỊNH: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG NỘI DUNG GIÁM SÁT VỀ TÌNH TRẠNG BẠO HÀNH VÀ XÂM HẠI TRẺ EM VÀO CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2019

08/06/2018

Sáng ngày 07/6, tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo - Nam Định đề nghị cần phải bổ sung nội dung liên quan tới tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo - Nam Định phát biểu tại Hội trường

Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo nhận định, Quốc hội khóa XIV đã trải qua gần nửa nhiệm kỳ với 4 nội dung giám sát chuyên đề, từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 5, cụ thể là các nội dung: Về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, về an toàn thực phẩm, về cải cách bộ máy hành chính nhà nước, về quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Bốn nội dung giám sát nói trên cùng với 4 nhóm nội dung Tổng Thư ký gửi để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đều là những vấn đề lớn, tác động trực tiếp tới toàn nền kinh tế hay toàn xã hội.

Song bên cạnh đó vẫn còn có vấn đề dù bước đầu mới chỉ tác động đến một bộ phận dân số nhưng hậu quả để lại rất đáng lo ngại và không hề nhỏ. Thiết nghĩ Quốc hội cần phải giám sát đặc biệt, ở đây đại biểu muốn nhắc đến vấn đề liên quan tới bạo hành và xâm hại trẻ em mà trong những phiên chất vấn vừa qua nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng. Các đại biểu cũng đã phân tích rất sâu về vấn đề này, các Bộ trưởng và Phó Thủ tướng cũng đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đến đối tượng trẻ em.

Theo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, tính đến ngày 1 tháng 11 năm 2017 ở Việt Nam trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp và con số này ngày càng gia tăng. Số liệu của Bộ Công an nghiên cứu trên 2000 học viên các trường giáo dưỡng cho thấy khoảng 50% em có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của bố mẹ.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, trong 5 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 682 vụ xâm hại tình dục, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm đến 84%. Hiện nước ta đã có đến trên 15 cơ quan và tổ chức bảo vệ trẻ em và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối nhưng tình trạng này vẫn diễn ra và hết sức phức tạp. Pháp luật cũng đã quy định phải bố trí và vận động nguồn lực để đảm bảo thực hiện quyền trẻ em nhưng tại nhiều tỉnh thành thì sự quan tâm và bố trí ngân sách cho bảo vệ cho trẻ em là được đúng mức. Để xảy ra tình trạng trên, nguyên nhân đến từ nhiều phía, do lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các em, do nhiều người thiếu kĩ năng chăm sóc trẻ, do tâm lý e ngại, thậm chí là không hợp tác của người thân các em. Do thiếu nhân chứng trực tiếp trong nhiều vụ việc, do một số cơ quan chức năng khi vào cuộc còn chậm trễ, chưa dứt điểm mà hậu quả để lại cho các em là hết sức nặng nề cả về thể chất, tinh thần, ảnh hưởng đến chất lượng sống của trẻ khi đến tuổi trưởng thành. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc còn gây bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân, tạo dư luận xấu, ảnh hưởng tới uy tín của các cơ quan nhà nước.

Các đại biểu làm việc tại Hội trường sáng 7/6

Về các giải pháp được đưa ra, qua theo dõi, trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, đại biểu thấy chủ yếu đó là công tác phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của mọi người dân; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực thi pháp luật để bảo vệ quyền trẻ em, tập trung xử lý các vụ việc một cách kịp thời. Theo đại biểu, nếu các giải pháp mới dừng lại ở mức như vậy sẽ không thực sự hiệu quả.

Thực tế trong thời gian vừa qua, tất cả những hành động trên đều đã làm mà tình trạng này vẫn diễn ra và có nhiều trường hợp còn mang tính chất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã hứa trước Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường biện pháp chống xâm hại trẻ em ngay trong tháng 6 này. Nhưng đại biểu băn khoăn rằng, khi kết thúc hội nghị, vấn đề này lại lắng xuống, vấn đề này liệu có lắng xuống hay không và sự quan tâm bảo vệ dành cho các em có còn được đúng mức, đúng với tính chất quan trọng của nó được hay không? Theo đại biểu, động thái mà Quốc hội cần thực hiện để bảo vệ quyền lợi của trẻ em phải kịp thời, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. Do đó, để khắc phục, giải quyết vấn đề một cách triệt để, tôi đề nghị cần phải bổ sung nội dung liên quan tới tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, dân số của nước ta đang có gần 24 triệu trẻ em dưới 15 tuổi, chiếm 1/4 dân số. Hiện mỗi ngày, trung bình đang có hơn 4.000 trẻ được sinh ra. Tính đến thời điểm này, năm 2019, thì Việt Nam đã lại có thêm khoảng 1,5 triệu trẻ em nữa. Như vậy, số lượng trẻ em đang tăng lên từng ngày và rất cần được toàn xã hội quan tâm. Chúng ta cũng đã bước vào thời kỳ dân số vàng được hơn 10 năm thì còn khoảng 30 năm nữa là kết thúc thời kỳ này. Trong khi chỉ cần khoảng thời gian hơn 20 năm, trẻ em đã phát triển, trưởng thành và trở thành nguồn nhân lực quý giá cho đất nước. Vì vậy, cần trao cho trẻ em môi trường an toàn để phát triển toàn diện, giúp đất nước cùng phát triển. Nếu không kịp thời bảo vệ, tạo điều kiện chăm sóc tốt nhất cho trẻ em là chúng ta đã tước đi quyền cống hiến trọn vẹn cho đất nước của các em khi đến tuổi trưởng thành. Vì vậy, việc đưa nội dung bạo hành và xâm hại trẻ em vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội là cần thiết và cần phải được tiến hành càng sớm càng tốt. Qua đó, cũng sẽ góp phần đảm bảo sự quan tâm của toàn xã hội đối với trẻ em, lực lượng nòng cốt tương lai của nền kinh tế cả nước trong thời kỳ dân số vàng.

Vân Ngọc

Các bài viết khác