ĐBQH NGUYỄN HỮU CẦU – NGHỆ AN: CẤP BẬC HÀM THIẾU TƯỚNG ĐỐI VỚI GIÁM ĐỐC CÔNG AN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ LOẠI 1 LÀ PHÙ HỢP

15/06/2018

Sáng 14/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu - Nghệ An đồng tình với quy định phong cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng cho giám đốc công an các tỉnh, thành phố loại 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu - Nghệ An cho ý kiến về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bộ Công an là đơn vị tiên phong đi đầu trong việc xóa bỏ cấp trung gian, đó là cấp tổng cục. Từ 126 Cục, hiện nay chỉ còn 60 Cục, sát nhập 20 đơn vị phòng cháy, chữa cháy vào công an các tỉnh, 19 trường chỉ còn 9 trường. Có thể nói đây là một sự thay đổi mang tính lịch sử, cách mạng, triệt để và sâu rộng. Với việc sắp xếp bộ máy như vậy thì việc sửa đổi Luật Công an nhân dân là tất yếu, khách quan, nhằm giúp cho lực lượng Công an nhân dân nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Với tư tưởng nhất quán của bộ, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy nhưng không bỏ chức năng, nhiệm vụ nào, không làm tăng thêm biên chế và không làm tăng thêm chế độ, chính sách.

Trong một thời gian ngắn, Bộ Công an đã khẩn trương chuẩn bị dự án luật trình Quốc hội một cách khá đầy đủ và rất thuyết phục, đây cũng là dự án luật đầu tiên mà Quốc hội nghiên cứu khi bộ kiện toàn tổ chức bộ máy.

Về công nghiệp an ninh, Điều 35, quy định này phù hợp với thực tiễn, đúng với quan điểm của Đảng và Nhà nước vì những lí do như sau:

Tại Điều 68 Hiến pháp năm 2013 quy định nhà nước xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh đảm bảo trang bị cho lực lượng vũ trang. Tại Điều 17, 35 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ được Quốc hội thông qua năm 2017 quy định: "Tổ chức doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ". Tại Điều 12 Luật Quốc phòng mà Quốc hội vừa thông qua quy định: "Xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh và giao cho Chính phủ xây dựng, quy hoạch, kế hoạch, đề án". Thực tế hiện nay, Chính phủ đã có đề án cho giai đoạn 2013 - 2020 định hướng đến năm 2030, trong đó đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an là Phó Ban chỉ đạo thực hiện đề án. Mặt khác, các doanh nghiệp trong công an nhân dân đang được đầu tư hoạt động khá hiệu quả vì vậy việc quy định như trong dự thảo luật là phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình ý kiến của các Đại biểu Quốc hội

Về quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng cho giám đốc công an các tỉnh, thành phố loại 1 tại điểm d khoản 1 Điều 26 của dự thảo luật, đây là một nội dung rất quan trọng mà nhiều đại biểu quan tâm. Ngay trong văn bản thẩm định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như tại các buổi thảo luận vẫn còn 3 quan điểm khác nhau. Việc quyết định theo phương án nào là do Quốc hội, nhưng với quan điểm của đại biểu, hiện nay Đảng, Nhà nước đang cho Bộ Công an 205 tướng, Bộ Quốc phòng 415 tướng, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an là không làm tăng thêm quân hàm cấp tướng, vẫn là 205. Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị chỉ rõ đặc biệt quan tâm, đề xuất thực hiện áp dụng cơ chế, chính sách với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy.

Theo quy định hiện hành, giám đốc công an tỉnh có chức vụ tương đương với Cục trưởng được quy hoạch và đề bạt trực tiếp lên Thứ trưởng, các Cục trưởng muốn lên Thứ trưởng phải luân chuyển về địa phương trọng điểm phức tạp để đào tạo theo quy định của Đảng ít nhất 3 năm, nếu 2 cấp bậc hàm này vênh nhau quá lớn thì rất khó thực hiện việc luân chuyển và không hợp lý về chế độ, chính sách. Trong số 205 vị trí có quân hàm cấp tướng, trước đây với 8 tổng cục, 216 đầu mối, nay chỉ còn 60 đầu mối thì quân hàm cấp tướng ở cấp bộ công an Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh bố trí cũng không hết được.

Mặt khác, thực tiễn chỉ rõ công việc của công an các tỉnh, thành phố loại 1 rất nặng nề phải chịu trực tiếp trước lãnh đạo Bộ Công an, trước cấp ủy và chính quyền địa phương vì công tác đảm bảo an ninh trật tự, quân số của các tỉnh loại 1 hiện nay phổ biến từ 4.000-5.000 quân sắp tới 80% lực lượng công an nhân dân sẽ chuyển về cấp tỉnh theo phương châm bộ tinh, tỉnh mạnh thì quân số sẽ tăng lên rất nhiều, đó là một thực tế. Có một số đại biểu phân vân giữa quân hàm cấp tướng của giám đốc công an tỉnh với chỉ huy quân sự tỉnh, xét trên bình diện tổ chức lực lượng thì công an nhân dân chỉ và chỉ có thể tổ chức theo cấp hành chính từ trung ương, tỉnh, huyện, xã, không có cấp quân chủng, binh chủng, quân khu. Đây là một đặc điểm khác biệt giữa công an nhân dân và quân đội nhân dân trong tổ chức lực lượng chiến đấu nên cần lưu ý để thực hiện chế độ, chính sách còn khi chiến tranh xảy ra ai là người được giao nhiệm vụ chỉ huy thì người đấy là thủ trưởng, cấp trên, tất cả mọi người phải chấp hành mệnh lệnh. Đại biểu cho rằng quân hàm không chỉ mang ý nghĩa phân biệt cấp trên và cấp dưới trong lực lượng vũ trang mà bản chất là tiền lương. Đã là tiền lương thì nguyên tắc là phân phối theo lao động.

Với những lý lẽ như trên, đại biểu ủng hộ phương án các tỉnh, thành phố loại 1 có quân hàm thiếu tướng, chính sách này không chỉ đúng với bản chất của tiền lương mà còn có một số địa bàn cơ sở tạo thuận lợi cho việc luân chuyển, đào tạo lãnh đạo trong công an nhân dân theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Vân Ngọc

Các bài viết khác