ĐBQH TRẦN ANH TUẤN: ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN CẦN CÓ GIẢI PHÁP LINH HOẠT HƠN

30/10/2018

Ngày 29/10, tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu nhiều nội dung liên quan đến kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021;... Nhiều ý kiến cho rằng đầu tư vẫn còn dàn trải, chậm giải ngân vốn các công trình, gây thất thoát lãng phí.

Theo nhận định của các đại biểu Quốc hội, qua 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhất là khi chúng ta có Luật Đầu tư công thì phương thức quản lý, cân đối, phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia dành cho đầu tư phát triển đã có sự đổi mới, chuyển từ cơ chế quản lý đầu tư hàng năm sang kế hoạch trung hạn gắn với kế hoạch hàng năm, từ đó các dự án đầu tư công đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt như đầu tư dàn trải, chậm giải ngân vốn đầu tư, nhiều dự án đang dang dở, vẫn còn tình trạng lãng phí, thất thoát trong các dự án đầu tư công. Bên hành lang Quốc hội, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này.

Đại biểu Trần Anh Tuấn: Giải ngân vốn chậm gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội

Phóng viên: Đại biểu có thể chia sẻ ý kiến của mình về kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước trong năm 2018?

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, thành phố Hồ Chí Minh: Một bức tranh chung là chúng ta đã thực hiện tốt kết quả dự toán ngân sách năm 2018. Tuy nhiên, tình hình triển khai thực hiện các dự án liên quan đến đầu tư công còn rất chậm, giải ngân trái phiếu Chính phủ, vốn từ trái phiếu Chính phủ rất thấp. Hiện nay tình hình giải ngân của vốn dự án công chỉ đạt trên 51% so với kết hoạch, mục tiêu đề ra. Điều này cho thấy việc giải ngân khá chậm. Giải ngân chậm không chỉ tồn tại trong năm 2018 này mà cả những năm trước đây, gây thiệt hại lớn về kinh tế xã hội. Đây là vấn đề đặt ra. Do vậy, cần có giải pháp căn cơ, đột phá hơn trong thời gian tới để chúng ta thực hiện tốt hơn việc thực thi dự toán ngân sách hàng năm cũng như giải ngân cho tình hình thực hiện các dự án công trung hạn trong thời gian tới.

Phóng viên: Trong phiên hợp ngày 29/10, nhiều ý kiến bàn thảo về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 – 2021. Về kế hoạch này, quan điểm của đại biểu như thế nào?

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, thành phố Hồ Chí Minh: Từ thực tiễn giai đoạn trước, Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương cũng nhận thấy được hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các kế hoạch hàng năm chưa được tốt và mang tính dàn trải rất nhiều. Nhưng từ khi triển khai Luật Đầu tư công, các dự án công được triển khai theo thứ tự ưu tiên, tập trung nên từ 21.000 dự án đến nay chỉ còn 9.600 dự án (trong đó trên 8.000 dự án là từ trước đây chuyển qua). Điều này cho thấy đầu tư công hiện nay cũng đã có xu hướng tập trung hơn vào những dự án mang tính thiết yếu và giúp cho dân sinh nhiều hơn. Không chỉ bộ ngành trung ương, mà các địa phương cũng đã có thứ tự ưu tiên trong việc lựa chọn đầu tư, thiết lập những dự án đầu tư, bố trí vốn ưu tiên cho những dự án đầu tư phát triển, cơ sở hạ tầng vật chất phục vụ cho phát triển kinh tế nói chung và hạ tầng an sinh xã hội nói riêng. Điều này cho thấy đã có bước đi bài bản, thứ tự ưu tiên tập trung nhất định. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, nợ công vẫn ở mức cao, bội chi lớn, lãi suất ngày một tăng, chúng ta nên có sự lựa chọn theo hướng tập trung, thực hiện hiệu quả tiết kiệm, chống lãng phí.

Đại biểu Trần Anh Tuấn: Đầu tư công trung hạn cần có giải pháp linh hoạt hơn

Phóng viên: Theo đại biểu, trong giai đoạn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn, chúng ta phải cần có giải pháp thế nào để hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 như đã đề ra?

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, thành phố Hồ Chí Minh: Vấn đề giải ngân, bố trí cho những dự án ưu tiên hiện đang là vấn đề đặt ra. Chúng ta thấy rằng hiện nay giải ngân cho các dự án đầu tư công còn rất chậm. Chúng ta phải cơ cấu lại và có những giải pháp linh hoạt hơn. Ví dụ đối với những dự án đầu tư công, mặc dù là những công trình trọng điểm nhưng năng lực nhà đầu tư không đạt yêu cầu, không có khả năng, cơ chế chính sách không đáp ứng được thì ngay lập tức chúng ta phải linh hoạt điều chuyển vốn đầu tư sang các dự án cấp thiết hơn (mặc dù đã bố trí theo kế hoạch). Bên cạnh đó cần công bố, công khai những tiêu chí đánh giá và thứ tự ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư đưa vào danh mục đầu tư công. Ngoài ra xử lý nghiêm những dự án có sai phạm. Nếu chúng ta sử dụng tốt và giải ngân tốt vốn đầu tư, bố trí cho những dự án chuyển tiếp và những dự án mới tốt hơn, đúng như kế hoạch đề ra thì hiêu quả đầu tư công trong giai đoạn tới, giai đoạn trung hạn tới sẽ được phát huy tích cực hơn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội tốt hơn trong giai đoạn tới.  

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

 

Lê Phương