SỐ LƯỢNG TRẦN HÀM CẤP TƯỚNG PHẢI ĐƯỢC QUY ĐỊNH SAO CHO PHÙ HỢP

07/11/2018

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, chiều 06/11 Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Đi sâu vào Dự luật, các đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận về quy định xây dựng công an xã chính quy, phát triển công nghiệp quốc phòng, quy định về trần cấp tướng, số lượng cấp tướng…

Một trong những nội dung của Dự án Luật Công an nhân dân (Sửa đổi) đang nhận được những luồng ý kiến khác nhau, đó là việc quy định cấp bậc hàm đối với giám đốc công an cấp tỉnh. Có khá nhiều lý do được các đại biểu đề cập khi bày tỏ sự đồng tình với phương án quy định giám đốc công an của 11 tỉnh, thành phố đô thị loại 1 được cấp bậc hàm thiếu tướng.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đồng tình việc sửa đổi luật là cần thiết đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Về việc quy định giám đốc công an của cả 63 tỉnh thành, nếu đều được cấp bậc hàm Thiếu tướng thì không phù hợp, bởi sẽ dẫn đến phát sinh thêm quân hàm cấp tướng. Còn nếu quy định tất cả đều được cấp bậc hàm Đại tá thì càng không phù hợp. Bởi ai có trọng trách lớn hơn, làm việc và cống hiến nhiều hơn thì cũng phải được cấp bậc hàm tương xứng để động viên cán bộ chiến sĩ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Việc quy định luật trần hàm cấp tướng trong luật công an sửa đổi lần này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên đối với tình hình của nước ta hiện nay là một quốc gia đang trong thời bình, thì số lượng trần hàm cấp tướng phải được quy định sao cho phù hợp.

Trong 63 tỉnh thành, ngoại trừ 2 đơn vị hành chính đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì việc quy định giám đốc Công an của 11/62 tỉnh thành được mang hàm thiếu tướng, số tỉnh thành còn lại chỉ được mang hàm cấp tá. Việc quy định hàm khác nhau cho cùng 1 chức danh là giám đốc công an tỉnh thành phố trực thuộc công an cần phải được cân nhắc và xem xét lại dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau của luật Công an sửa đổi lần này.

Đại biểu Trần Thị Hằng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Trần Thị Hằng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh: Việc quy định giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của công an cấp tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề này cần bổ sung tiêu chí vị trí chiến lược về an ninh, trật tự, tình hình an ninh, trật tự và quy định cụ thể ngay trong luật.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh

 Đại biểu Trịnh Ngọc Phương, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: Về cơ sở pháp lý, việc bố trí lực lượng công an chính quy tại xã nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa nhằm bảo đảm hoạt động giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở, vừa bảo đảm quyền công dân được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tình hình an ninh ở nông thôn, đô thị hiện nay ngày càng tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn, phát sinh nhiều tệ nạn xã hội và các loại tội phạm hình sự nhưng công tác bảo đảm an ninh, trật tự cấp xã còn nhiều yếu kém.

Khi chuyển lực lượng Công an chính quy về các xã thì Công an xã sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Công an nhân dân và các quy định của pháp luật chuyên ngành về an ninh, trật tự. Khi đó cần có phương án bố trí công tác khác cho hơn 9.300 Trưởng Công an xã hiện nay phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn của từng người. Còn lực lượng công an viên là lực lượng bán chuyên trách thì cần có tính toàn phù hợp dựa trên nhu cầu mỗi địa phương./.

Lê Phương - Mai Trang