ĐBQH NGUYỄN TẠO CHẤT VẤN VỀ VIỆC THÁO GỠ KHÓ KHĂN TRONG VAY VỐN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

31/03/2020

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã có chất vấn bằng văn bản đối với Thống đốc Ngân hàng nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn trong vay vốn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tín dụng đối với hộ cận nghèo.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng 

Tháo gỡ khó khăn trong vay vốn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những định hướng và giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và Ngân hàng nhà nước quan tâm. Bên cạnh các chính sách tín dụng khuyến khích phát triển công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Ngân hàng nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho vay lĩnh vực này, đồng thời quy định lãi suất cho vay ngắn, trung và dài hạn thấp hơn 0,5-1,5%/năm so với lĩnh vực thông thường cùng kỳ hạn.

Tuy nhiên, việc triển khai chương trình trong thực tiễn vẫn còn vướng mắc liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất. Để tháo gỡ khó khăn này, tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2017, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng.

Liên quan đến vấn đề này, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có Thông báo số 606/TB-TC- TTg ngày 09/8/2017 chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương đẩy mạnh thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 30/NQ-CP. Ngày 26/9/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo tình hình triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Bộ đang hoàn thiện dự thảo để ban hành Thông tư quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (trong đó có nội dung hướng dẫn việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp).

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng

Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước cũng trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó bổ sung quy định chính sách tín dụng khuyến khích phát triển công nghệ cao theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách (gồm tất cả các đối tượng khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) và tổ chức tín dụng xem xét cho vay tối đa 70% nhu cầu vốn thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh.

Chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo

Trả lời đại biểu Nguyễn Tạo về mức cho vay đối với hộ cận nghèo, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết, chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo được thực hiện theo Quyết định 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ cận nghèo, giúp cho hộ cận nghèo phát triển kinh tế, giảm nguy cơ tái nghèo, thoát nghèo bền vững. Mức vay tối đa đối với hộ cận nghèo không vượt quá mức cho vay hộ nghèo theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP, lãi suất cho vay bằng 120% lãi suất cho vay hộ nghèo (hiện, mức cho vay tối đa đối với hộ cận nghèo là 50 triệu đồng/hộ). Tính đến 30/9/2017, dư nợ của chương trình đạt 30.307 tỷ đồng với 1.087.837 khách hàng còn dư nợ.

Nguồn vốn cho vay chương trình này được Ngân hàng chính sách xã hội tự cân đối trong chỉ tiêu tăng trưởng chung hàng năm được Chính phủ giao. Theo quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch tăng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo kế hoạch hàng năm. Do vậy, việc điều chỉnh nâng mức cho vay phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách Nhà nước.

Trong thời gian tới, Ngân hàng nhà nước sẽ tích cực phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời xử lý các vấn đề liên quan đến nguồn lực để Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện chương trình hỗ trợ các hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn đầy đủ, kịp thời./.

Bảo Yến

Các bài viết khác