ĐBQH NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG: BÀI HỌC VỀ TOÀN DÂN CHỐNG DỊCH

14/04/2020

Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, cho đến thời điểm này, có thể khẳng định Việt Nam đã thành công bước đầu trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Dù là nước có nguy cơ cao với dân số đông, độ mở nền kinh tế lớn, nhưng hiện số người nhiễm ở nước ta đứng thứ 103 thế giới và chưa có trường hợp tử vong.

Những con số "biết nói" ấy đã chứng minh rằng, sự vào cuộc kịp thời, chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch của Đảng, Chính phủ, cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp là hết sức quan trọng.

Phóng viên Báo CAND đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh vấn đề này.                                                                                                    

PV: Thưa đại biểu, Việt Nam được thế giới đánh giá cao về công tác phòng chống dịch và đề nghị chia sẻ bài học kinh nghiệm trong tổ chức cách ly, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh... Theo đại biểu, nguyên nhân do đâu?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Ở Việt Nam, ngay khi xuất hiện thông tin về dịch bệnh thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chúng ta có một Ban Chỉ đạo Quốc gia tập trung theo dõi, làm việc thường xuyên, chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các cấp, các ngành, các địa phương đã nhanh chóng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, bám sát tình hình, xây dựng các phương án, kịch bản, có nhiều cách làm hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh.

Các lực lượng Y tế, Quân đội, Công an tình nguyện xung phong lên tuyến đầu tổ chức phát hiện, ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly để dập dịch và điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Cả nước chung sức, đồng lòng triển khai công tác phòng chống dịch với mục tiêu cao nhất là vì sức khỏe của nhân dân. Từ đó thu hút sự hưởng ứng của nhân dân với thái độ "chống dịch như chống giặc", mang lại kết quả tích cực, không chỉ người dân Việt Nam mà các nước trên thế giới đã thừa nhận, thán phục.

PV: Có ý kiến nhận định, thành quả đó là nhờ việc phòng, chống dịch được tổ chức bài bản, khoa học?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Có thể khẳng định, việc phòng chống dịch của Việt Nam vừa bài bản, vừa cụ thể, song cũng rất thiết thực. Khi mới phát hiện thì dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ vào cuộc, tổ chức các cuộc họp triển khai phương pháp phòng chống dịch, giao nhiệm vụ, công việc cụ thể cho từng cấp ngành, từng đơn vị. Từ việc hạn chế các chuyến bay đến từ các quốc gia có dịch, đóng cửa trường học, kiểm soát xuất nhập cảnh, rồi tạm dừng các chuyến bay nội địa, tạm dừng nhập cảnh Việt Nam đối với người nước ngoài... cho đến tìm kiếm, truy vết người lây nhiễm, cách ly các ổ dịch, cấm tụ tập đông người, đóng cửa các cơ sở sản xuất kinh doanh không thiết yếu, thực hiện cách ly xã hội...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Đặc biệt nhất, Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia đã tổ chức các cuộc họp thường xuyên về phòng chống dịch bệnh, theo sát diễn biến mới nhất của dịch và đưa ra các chỉ thị, điện chỉ đạo, kết luận cuộc họp cập nhật theo tình hình dịch, phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Các chỉ thị, mệnh lệnh triển khai từ trên xuống dưới, tới từng thôn, bản. Cả hệ thống chính trị đều tham gia và đặt trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy các cấp, người đứng đầu cấp ủy phải coi đây là trách nhiệm của mình và vào cuộc chỉ đạo. Như vậy, không những bài bản mà còn có hệ thống, đảm bảo chặt chẽ.

Đồng thời, cụ thể trong từng lĩnh vực, kể cả việc nhỏ nhất là đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Hay để hạn chế việc đi lại, di chuyển của người dân để tránh lây nhiễm trong cộng đồng thì Thủ tướng nêu rõ, "tinh thần là tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó". Cụ thể, rõ ràng như vậy thì ai cũng hiểu được và thực hiện tốt.

PV: Đại biểu nhìn nhận thế nào trước việc các chỉ thị, mệnh lệnh đều được tăng dần theo cấp độ, từ cho học sinh nghỉ học, hạn chế đến tạm dừng nhập cảnh; đóng cửa các hàng quán, cơ sở kinh doanh không thiết yếu và tiến đến cách ly xã hội, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Như tôi đã nói ở trên, chiến lược thực hiện phòng chống dịch của Việt Nam vừa bài bản, vừa linh hoạt để không làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước. Khi mới xuất hiện virus thì ta chưa cấm việc đi lại, giao thương với các quốc gia. Khi dịch lan tràn không những ở Trung Quốc mà ra các nước trên thế giới thì Việt Nam nâng mức độ cảnh báo cao hơn trong phòng chống dịch, tổ chức khuyến cáo y tế đối với mọi người dân, thành lập các trung tâm cách ly.

Khi dịch bùng phát mạnh ở các nước, đặc biệt một số nước châu Âu quyết định đóng cửa biên giới... thì Việt Nam mới ra các "sắc lệnh" nâng dần về cấp độ và đến thời điểm như hiện nay là cách ly xã hội, người dân được yêu cầu hạn chế tối đa việc ra ngoài nếu không thực sự cần thiết, dừng vận chuyển các phương tiện công cộng, các cơ quan, công sở tổ chức cho nhân viên làm việc ở nhà...

Những phương án theo cấp độ tăng dần cũng sẽ giúp người dân làm quen dần và chủ động đón nhận, thực hiện, không bị đột ngột, hoang mang. Vì bất kỳ chính sách nào cũng cần có độ trễ để thực thi, nếu đột nhiên cấm hẳn các hoạt động như thường nhật thì sẽ dễ gây xáo trộn lớn cho cuộc sống của người dân, ảnh hưởng tới tâm lý xã hội. Ở đây, các chỉ thị là của Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ, song lại đặt lợi ích của toàn dân lên trên hết, coi người dân là trung tâm thụ hưởng, do đó mà được lan tỏa và thực hiện.

Điều đó cũng cho thấy, những giải pháp, quyết sách của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là đúng đắn, kịp thời, đem lại niềm tin cho nhân dân, được người dân ủng hộ và cùng chung tay thực hiện. Đúng như câu khẩu hiệu "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, ai ở chỗ nào ở yên chỗ đó".

PV: Sự đồng thuận của người dân trong thực hiện công tác phòng chống dịch cũng là yếu tố đóng vai trò rất quan trọng, đại biểu có suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Đúng vậy. Ở Quảng Bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành những văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm. Từ chủ trương này, UBND, HĐND tỉnh và các sở, ban, ngành, tất cả các huyện đều chỉ đạo xuống cấp dưới yêu cầu việc thực hiện quyết liệt. Tỉnh Quảng Bình đến nay vẫn chưa có người nhiễm COVID-19, đặc biệt các địa bàn nằm dọc theo tuyến biên giới đều được quản lý chặt chẽ, công dân Việt Nam về nước đều phải cách ly tập trung 14 ngày để theo dõi sức khỏe. Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện tổ chức thành lập trung tâm phát hiện, kiểm soát dịch bệnh để tổ chức rà soát, phân loại, sàng lọc các đối tượng, áp dụng các biện pháp cách ly phù hợp.

Có thể nói, việc thực hiện quy định được đảm bảo chặt chẽ từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đến người dân. Và nhìn rộng ra cả nước, những ổ dịch lớn như: Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Trúc Bạch (Hà Nội) nhờ sự tuân thủ của người dân mà đã khoanh vùng, dập dịch thành công. Hai ổ dịch ở bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và quán bar Buddha (TP Hồ Chí Minh) cũng được phát hiện, cách ly kịp thời...

Người dân Việt Nam có một ưu điểm nổi trội mà thế giới phải thán phục là khi đất nước có nguy cơ, Đảng, Chính phủ có chủ trương thì toàn dân không những thực hiện, quán triệt mà còn tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục, chung tay góp sức... Việc phát động kêu gọi, ủng hộ phòng chống dịch bệnh cũng đã được hưởng ứng mạnh mẽ. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ số tiền lớn, đầu tư chi phí, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch, có những cụ già hơn 80 tuổi vẫn xách gạo đến ủng hộ, hay các em nhỏ đem tiền mừng tuổi dịp Tết để đóng góp…

Những hành động ấy đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết toàn dân. Phát huy truyền thống dân tộc trong chống giặc, giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mỗi người dân Việt Nam đang nêu cao ý thức trách nhiệm và tính cộng đồng của mình, chung tay góp sức cho xã hội vì mục tiêu chung là chiến thắng đại dịch.

PV: Đại biểu đánh giá như thế nào về vai trò của lực lượng CAND trong phòng, chống dịch, nhất là thực hiện chủ trương "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người"?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Bản thân tôi luôn đánh giá cao vai trò của lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Khi có vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia, đời sống và sức khỏe của người dân thì lực lượng Công an luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình, trở thành chỗ dựa tin cậy của nhân dân. Trong công cuộc phòng chống đại dịch lần này, lực lượng CAND đã rất tích cực, chủ động, vừa tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ đến người dân, vừa là tuyến đầu tham gia phòng chống dịch, đồng thời đảm bảo an ninh, trật tự, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy định cách ly, thông tin sai sự thật, gây nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội... để răn đe, cảnh báo cho người dân.

Đặc biệt, việc Công an "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để tìm ra số người nhập cảnh Việt Nam nhưng chưa áp dụng biện pháp cách ly theo tôi rất quan trọng, vì truy vết được nguồn lây sẽ giúp chúng ta khoanh vùng, dập dịch ngay từ đầu, không để lây lan trong cộng đồng. Đó cũng là một trong những chủ trương chống dịch thành công của Việt Nam.

PV: Chỉ tính riêng từ ngày 4 đến 10-4, Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, xử phạt hành chính 3.500 trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng; làm rõ và triệu tập đấu tranh gần 1.500 đối tượng, xử phạt trên 300 đối tượng tung tin xuyên tạc, phối hợp gỡ bỏ gần 1.000 bài viết vi phạm. Đại biểu nhìn nhận thế nào về việc này?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Lực lượng CAND đã vào cuộc toàn diện trên tất cả lĩnh vực, trong đó chú trọng phát hiện, điều tra, xử lý các đối tượng không chấp hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng và các quy định về phòng chống dịch, nhất là số đối tượng tung tin xuyên tạc, sai sự thật về dịch bệnh trên mạng xã hội. Bên cạnh sự hưởng ứng tích cực của nhân dân thì vẫn còn một bộ phận người dân tham gia mạng xã hội thiếu ý thức hoặc nhận thức chưa đầy đủ đã viết, chia sẻ những thông tin không kiểm chứng, xuyên tạc, gây hoang mang dư luận. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị chung sức đồng lòng mà "những con sâu làm rầu nồi canh" này lại xuất hiện, gây ảnh hưởng xấu thì cần phải được xử lý thích đáng.

Với vai trò, trách nhiệm cao, lực lượng CAND đã làm việc tích cực, hiệu quả, điều tra xử lý nghiêm các trường hợp, không có ngoại lệ, không có "vùng cấm", qua đó góp phần "chống dịch như chống giặc". Mới hôm qua đây thôi, một luật sư đăng tin xúc phạm phóng viên trên mạng xã hội cũng bị xử phạt 8 triệu đồng, cho thấy pháp luật không trừ một ai.

Ngoài ra, lực lượng CAND cũng tập trung đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến buôn lậu, sản xuất hàng giả, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, như buôn bán vật tư y tế không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, lừa bán trang thiết bị y tế để chiếm đoạt tài sản; điều tra xử lý hành vi trốn khỏi nơi cách ly... Tất cả đều nhằm mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, giúp người dân yên tâm, tin tưởng, nhất là trong hoàn cảnh chịu ảnh hưởng bởi hậu quả khốc liệt của dịch bệnh.

PV: Xin cảm ơn đại biểu!

(Theo Báo Công an nhân dân)

Các bài viết khác