ĐBQH TRƯƠNG THỊ YẾN LINH ĐÓNG GÓP MỘT SỐ Ý KIẾN ĐỂ HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ LUẬT ĐÊ ĐIỀU

28/05/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Trương Thị Yến Linh- Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đóng góp một số ý kiến để hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

 

Đại biểu Trương Thị Yến Linh phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Thứ nhất, đại biểu chỉ ra rằng, Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất do thiên tai, trước tình hình thời tiết ở Việt Nam diễn biến khó lường, xuất hiện mới nhiều loại hình thiên tai, gia tăng về quy mô, tần suất, diễn biến bất thường, cực đoan và thiệt hại do thiên tai ngày càng lớn. Đối với Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành có một số loại hình thiên tai chưa được quy định trong luật đã gây khó khăn trong công tác phòng, chống thiên tai ở một số địa phương trong thời gian qua. Đại biểu thống nhất với Ban soạn thảo về việc sửa đổi, bổ sung hiện tượng tự nhiên bất thường như là cháy rừng do tự nhiên và sương mù để giải thích từ “thiên tai” cho đầy đủ và phù hợp với tình hình thiên tai của nước ta trong thời gian qua.

Thời gian qua, thế giới cũng đã trải qua nhiều vụ việc cháy rừng như là tại Mỹ, Úc, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế của các nước này mà còn gây thiệt hại về tính mạng con người và hơn hết là hủy hoại môi trường sống của các loài động, thực vật nơi đây, đe dọa đến đa dạng sinh học trên thế giới. Tuy nhiên, cháy rừng ngoài do thiên tai còn do nhân tai, có lúc cả thiên tai và nhân tai thì làm sao để xác định được nguyên nhân. Do đó cũng cần giao cho Chính phủ, Thủ tướng sẽ quy định rõ nguyên nhân cháy rừng do tự nhiên và cháy rừng ở mức độ nào thì sẽ được điều chỉnh trong dự án luật. Mặt khác, gần đây tại một số địa phương trên cả nước xuất hiện sương mù dày đặc gây cản trở tầm nhìn cho người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Thứ hai, về việc quy định sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy. Đại biểu nhận thấy quy định này là chưa đầy đủ, với lý do: Trong mùa khô năm 2015-2016 hiện tượng sạt lở, sụt lún đất diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng tại các vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau và hiện tượng này còn diễn biến phức tạp hơn trong mùa khô năm 2019-2020.

Hiện theo thống kê báo cáo thì trên toàn tỉnh Cà Mau đã có hơn 1.160 vị trí bị sạt lở, sụt lún đất và những vị trí này hầu như là sụt lún tan nát và gây chia cắt các vùng, ảnh hưởng đến giao thông đi lại cũng như ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng đang rình rập những nguy cơ đe dọa đến tính mạng những người dân sinh sống nơi đây. Thực tế cũng cho thấy, các khu vực sản xuất theo hệ sinh thái mặn lân cận vùng ngọt hóa trên địa bàn tỉnh Cà Mau thì các kênh, rạch vẫn còn đầy nước mặn. Hiện tượng sạt lở đất, sụt lún đất tương tự không xảy ra.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành hạn hán dẫn đến nước trên kênh, rạch bị khô cạn và tình trạng khô cạn nước trên sông làm mất phản áp nước, thiếu nước đất sẽ bị co ngót, tạo độ rỗng trong đất là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sạt lở, sụt lún đất. Về việc này thì ngày 24/3/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có ý kiến xác nhận tình trạng sạt lở, sụt lún đất xảy ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau là hệ quả của thiên tai, hạn hán và ngày 9/4/2020 thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ý kiến xác nhận tình trạng sạt lở, sụt lún đất ở trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng là hệ quả của thiên tai, hạn hán. Nhằm giúp cho tỉnh Cà Mau sớm có các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai trong thời gian tới, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, khắc phục do thiên tai gây ra.

Đại biểu kính đề nghị Quốc hội bổ sung quy định sạt lở, sụt lún đất ngoài do mưa lũ hoặc dòng chảy thì nguyên nhân sạt lở, sụt lún đất là do hạn hán.

Đối với vấn đề về ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai, đại biểu cũng thống nhất với Ban soạn thảo về việc quy định ngân sách nhà nước đảm bảo cho hoạt động phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách hàng năm, dự phòng ngân sách nhà nước, Quỹ dự trữ tài chính nhằm bổ sung một nguồn ngân sách nữa để thực hiện các hoạt động phòng, chống thiên tai ngoài các nguồn hiện có theo quy định của luật hiện hành. Nhưng việc quy định trường hợp dự phòng ngân sách địa phương đã sử dụng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ thì chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, cần quy định lại là sau khi đã sử dụng hết dự phòng ngân sách, Quỹ dự trữ tài chính được phân bổ cho công tác phòng, chống thiên tai nhưng không đáp ứng được nhu cầu thì Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai sẽ tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ của địa phương và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Bên cạnh đó, tại khoản 14 Điều 1 thì hiện nay chúng ta cũng đã và đang thực hiện chủ trương hòa nhập cộng đồng đối với những người khuyết tật, là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về việc sử dụng thủ ngữ song song với ngôn ngữ quốc gia hoặc ngôn ngữ dân tộc. Khi thông tin dự báo cảnh báo thiên tai để họ biết và kịp thời có các giải pháp phòng, chống thiên tai phù hợp, nhất là họ có thể tự cứu mình trong lúc nguy cấp, trước khi được các cơ quan chức năng hành động hoặc cứu giúp. Trên thực tế thì qua một vài kênh truyền hình quốc tế, cụ thể nhất là các thông báo, cảnh báo của một số nước phương Tây về dịch bệnh COVID-19 vừa qua thì đều có kèm theo một phát thanh viên về thủ ngữ để cho những người khuyết tật có thể tự tiếp cận các thông báo, cảnh báo này sớm nhất có thể và giúp họ tuân thủ hoặc hành động khi cần thiết.

Về vấn đề điều khoản thi hành, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án luật cần rà soát và bổ sung cho đầy đủ, chính xác việc điều chỉnh các nội dung tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 điều này để khi luật được ban hành đảm bảo chuẩn xác và tính thống nhất trong dự án luật. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 3 về việc sửa tên "Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai" thành "Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai", đề nghị bổ sung thêm điểm d khoản 4 Điều 22 và điểm b khoản 1 Điều 44. Tương tự như vậy, tại khoản 2 Điều 3 về việc sửa tên là "Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương" thành "Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai", đề nghị bổ sung khoản 7 Điều 36, v.v..

Về hiệu lực thi hành, đại biểu đề nghị luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021, bởi các nội dung sửa đổi lần này chủ yếu là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống thiên tai và đê điều đối với luật hiện hành. Luật này cũng cần sớm có hiệu lực thi hành để đáp ứng những yêu cầu thực tiễn về vấn đề nêu trên./.

Hồ Hương

Các bài viết khác