GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: SẼ BỎ SỔ HỘ KHẨU GIẤY TỪ THÁNG 7/2021

30/05/2020

Tại Phiên họp thứ 44, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Và mới đây, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khoá XIV, các đại biểu Quốc hội tiếp tục nghe tờ tình và báo cáo thẩm tra của Chính phủ và Uỷ ban Pháp luật về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Dự thảo luật sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử...

 

Bỏ sổ hộ khẩu giấy là phù hợp với xu hướng quản lý cư trú dân cư

Để làm thủ tục tách hộ khẩu, anh Bùi Hải Nam ở quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội phải chuẩn bị không thể thiếu cuốn sổ hộ khẩu và bản khai phiếu báo hộ khẩu. Cuốn sổ hộ khẩu đóng vai trò chứng minh nhân thân, quan hệ của chủ hộ cũng là bằng chứng ghi nơi cư trú chủ hộ đang sinh sống. Do vậy, trước đề xuất sẽ bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú bằng giấy thay thế quản lý cư trú bằng mã số định danh cá nhân, anh Nam băn khoăn việc sẽ phát sinh thêm thủ tục khác, tuy nhiên anh đồng tình với chủ trương đề xuất thay đổi này của Chính phủ trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Anh Bùi Hải Nam, phường Bưởi, Quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội cho biết: Nghe các thông tin trên báo, đài, thời sự về việc sẽ bỏ sổ hộ khẩu, thay bằng số định danh cá nhân, bản thân tôi thấy việc đó hoàn toàn phù hợp với xu hướng hiện nay, với thời đại công nghệ 4.0. Thời gian tới triển khai, tôi nghĩ việc thay đổi này sẽ phục vụ tốt hơn cho nhân dân...

Anh Bùi Hải Nam, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội

Hiện có tới 27 thủ tục hành chính quy định trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, do đó, một số ý kiến cho rằng việc bỏ sổ hộ khẩu giấy này sẽ có tác động, ảnh hưởng lớn tới nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở… Do đó, có ý kiến cho rằng cần thiết phải tính toán kỹ sự đồng bộ hệ thống pháp luật cũng như thống nhất giữa các cơ quan nhà nước.

Chị Mai Thị Thu Hương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội chia sẻ: Đổi sổ hộ khẩu thì tôi chỉ cần sổ hộ khẩu cũ mang lên với một phiếu báo, còn nhập con mới sinh thì tôi có giấy khai sinh và sổ hộ khẩu kèm theo. Tôi cũng ủng hộ việc bỏ sổ hộ khẩu để chuyển sang số định danh bởi vì cách làm đó tiếc kiệm thời gian cho nhân dân hơn và không phải đi lại nhiều lần và cần quá nhiều giấy tờ kèm theo.

Trung tá Mai Thị Phượng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, Công an Quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Trong các thủ tục đăng ký thường trú thì rất nhiều loại, có thể nhập sinh, vợ về với chồng, tách khẩu, đổi sổ thì việc thực hiện tới thời gian hiện tại cũng không có gì khó khăn cho cán bộ và bên công dân. Công an Quận Tây Hồ trong thời gian qua cũng đã được tập huấn trực tuyến từ Bộ, từ công an thành phố cũng đã tuyên truyền tới người dân về việc dần xoá bỏ sổ hộ khẩu giấy và thay thế vào đó là mã định danh. Và bản thân tôi rất ủng hộ chủ trương này và chỉ mong rằng Chính phủ thực hiện từng bước một để cho sự tiếp nhận của cán bộ cũng như người dân được tốt hơn.

 Trung tá Mai Thị Phượng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC &TTXH công an Quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội

Theo Bộ Công an, sau khi cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, người dân thực hiện các giao dịch hành chính chỉ cần cung cấp 3 thông tin chính: Họ tên, mã số định danh cá nhân và chỗ ở. Các cơ quan nhà nước sẽ tra cứu trong cơ sở dữ liệu quốc gia là có đầy đủ thông tin mà công dân không cần xuất trình các loại giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh... không phải đi chứng thực hay xác nhận của xã, phường. Một số chuyên gia, luật sư nhận định, việc chuyển phương thức từ thủ công sang điện tử không làm thay đổi bản chất quản lý cư trú dân cư của cơ quan nhà nước, do đó sẽ ít gây xáo trộn trong thực hiện.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Có thể nói việc bỏ quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu giấy là một trong những bước tiến góp phần trong việc xây dựng Chính phủ điện tử cũng như góp phần đơn giản hoá, hiện đại hoá phương pháp quản lý hành chính của chúng ta. Tuy nhiên, để quyết định này có thể đi vào thực tế một cách có hiệu quả thì chúng ta cũng phải đẩy nhanh hoàn thiện công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như là hoàn thiện song song việc cấp mã số định danh cá nhân cho tất cả các công dân.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Thực tế sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đến nay mới có hơn 16 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân thông qua công tác cấp căn cước công dân. Để bảo đảm tính khả thi của Luật thì trước thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, các cơ sở dữ liệu này phải được xây dựng xong đồng bộ, đưa vào vận hành và bảo đảm kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú từ trung ương đến cơ sở, đồng thời kết nối và chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan như cơ sở dữ liệu hộ tịch, cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân.

Bỏ sổ hộ khẩu giấy phải phù hợp với hệ thống pháp luật

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 07 chương, 41 điều. Dự thảo Luật đã thể chế hóa 02 nhóm chính sách: Một là, bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cở sở dữ liệu về cư trú. Hai là, quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Theo đó, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về: Sổ hộ khẩu, Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, Sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách Sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong Sổ hộ khẩu tại Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) cũng sửa đổi, bổ sung các thủ tục: tách Sổ hộ khẩu; điều chỉnh những thay đổi trong Sổ hộ khẩu; xóa đăng ký thường trú khi công dân đăng ký nơi thường trú mới; xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú; hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú trái pháp luật.

Thảo luận về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với chính sách mà Chính phủ đề xuất là hướng bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú để quản lý dân cư bằng hình thức quản lý theo mã số định danh cá nhân. Đây là hình thúc quản lý cư trú phù hợp với xu hướng tiến bộ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ theo tinh thần triển khai Quốc hội điện tử, Chính phủ điện tử mà người dân sẽ trực tiếp được hưởng lợi.

Phiên họp lần thứ 44 Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết: Có thể nói đây là tính "sống, còn" của đạo Luật này liên quan trực tiếp tới việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Và việc cấp số định danh cá nhân theo luật căn cước công dân nhưng tới thời điểm này thì chúng ta mới có 16 triệu số định danh cá nhân đươc cấp, cơ sở dũ liệu quốc gia về dân cư thì chưa hoàn thành. Nếu thời gian vào tháng 7/2021 khi luật có hiệu lực, thì cần phải tính xem 2 vấn đề trên hoàn thành, thì luật mới có thể có hiệu lực trong thực tiễn và triển khai từng bước hiệu quả được.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết hiện đã có 16 triệu mã số định danh cá nhân, thông tin công dân được thu thập. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên Bộ sẽ khẩn trương thực hiện các bước xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để có thể đưa vào khai thác từ năm 2021. Dữ liệu này phải được kết nối, chia sẻ để phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công. Vấn đề về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã báo cáo Chính phủ, đảm bảo tháng 4/2021 phải đưa vào hệ thống và tháng 6 phải triển khai. Bộ cũng đã cập nhật được 16 triệu người dân, cả người từ mới sinh ra, cơ bản số đó đã được cập nhập đưa vào hệ thống.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đây là một bước chuyển rất quan trọng, tiến bộ, hiện đại nhưng vấn đề người dân quan tâm hơn nữa là tạo thuận lợi cho người dân nhưng đồng thời về mặt quản lý nhà nước ngăn ngừa được tiêu cực, nâng cao được hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về dân cư. Đơn giản hóa thủ tục hành chính theo đề xuất của Bộ Công an sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, việcc thay đổi cách  quản lý, giảm thủ tục hành chính là xu hướng tiến bộ, phù hợp với thế giới. Tuy nhiên, Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ trăn trở: Bao năm nay, người dân khổ sở về sổ hộ khẩu, người nghèo tha phương lên thành phố, đi đâu cũng phải mang kè kè sổ hộ khẩu, sắp tới thì chỉ cần quản lý mã số định danh là được...

Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của Luật, đề nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai Dữ liệu Quốc gia về dân cư và cấp mã số định danh theo Luật Căn cước công dân. Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần có đánh giá toàn diện hơn tác động của các chính sách, nội dung quy định mới được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật. Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp (bao gồm các thành phố trực thuộc trung ương). Rà soát việc đăng ký thường trú đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài theo quy định của dự thảo Luật để không chồng chéo với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Dự án Luật cũng sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV lần này.

Bộ Công an đề xuất sẽ bỏ sổ hộ khẩu giấy từ tháng 7 năm 2021

Trước yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, bảo đảm chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học  đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cư trú. Cho rằng đây là một trong những bước tiến lớn, giúp cải cách thủ tục hành chính và phù hợp với xu thế của thế giới, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân, bảo đảm quản lý dân cư chặt chẽ, hiệu quả hơn, đồng thời khắc phục nhiều bất cập trong công tác quản lý dân cư hiện nay. Tuy nhiên, theo ý kiến các đại biểu Quốc hội vẫn còn những băn khoăn về tính khả thi cũng như sự đồng bộ của hệ thống pháp luật khi bỏ hoàn toàn phương thức quản lý giấy. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã phỏng vấn Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức về nội dung này:

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức

Phóng viên: Đánh giá của đại biểu về tính khả thi của việc cấp số định danh cá nhân cho công dân làm cơ sở cho việc quản lý công dân thông qua số định danh cá nhân?

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức: Tôi thấy rằng chủ trương để chúng ta chuyển từ quản lý truyền thống trước đây từ sổ hộ khẩu cho tới sổ tạm trú, tạm vắng đến quản lý bằng số là xu hướng của thế giới người ta thực hiện. Việc sửa đổi để thực hiện việc quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân, tôi nghĩ là phù hợp với giai đoạn hiện nay. Với hạ tầng kinh tế số hiện nay, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của đất nước chúng ta sau khi chuyển đổi, thực hiện theo luật mới, khả năng sẽ thực hiện được. Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương này có tính khả thi cao, thì tôi nghĩ rằng cần phải xây dựng lộ trình cho phù hợp, từ việc chuyển đổi sổ sang quản lý số cần phải có lộ trình từng bước thực hiện.

Phóng viên: Theo các quy định của dự thảo luật về điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú, xóa đăng ký thường trú, quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú. Đánh giá của đại biểu về vấn đề này nhằm bảo đảm các quy định trên không gián tiếp tạo thành các rào cản đối với công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú?

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức:  Cũng cần phải có những quy định phù hợp, ví dụ liên quan tới nơi ở có ổn định hay không, người chủ quản lý về phòng trọ, phòng nơi cho thuê có đảm bảo các yếu tố quy định của pháp luật không? Việc xoá đăng ký thường trú trên 12 tháng, tôi nghĩ rằng quy định này vẫn có thể thực hiện được. Tuy nhiên cần phải có điều, khoản của luật xem xét đối với những trường hợp như hiện nay ở các tỉnh biên giới, người dân vùng sâu, vùng xa nhiều lúc cũng nghĩ đơn giản, có thể đi thăm thân, có việc làm có thể nán lại ở lâu, thậm chí là vẫn xác định về địa phương, nhưng không khai báo cho chính quyền, công an xã phường. Ví dụ như vậy, vô hình chung, chúng ta rà soát và không thấy thì cũng xoá ngay, tôi nghĩ rằng là điều đó có gì cũng chưa phù hợp. Thứ hai, kể cả những trường hợp lao động tự do, vì nhiều lý do khác nhau, một là không muốn về quê hay mất liên lạc, hay do các nguyên nhân khác, mà trong vòng 12 tháng chưa thể quay về địa phương chẳng hạn.

Phóng viên: Đánh giá của đại biểu về tác động của việc bỏ sổ hộ khẩu đến nhiều vấn đề luật khác đang điều chỉnh từ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, cấp phép xây dựng cho đến báo tử? Liệu có phát sinh thêm một số thủ tục như: Bản khai nhân khẩu, giấy tờ chứng minh hợp pháp?

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức:  Chắc chắn là tác động lớn, hiện nay sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân vẫn đang là những giấy tờ pháp lý để người dân có thể thực hiện việc đăng ký, thậm chí các quy định về vay vốn chính sách, từ thẻ bảo hiểm cũng như các nội dung khác. Khi thực hiện, thì chuyển từ giấy sang số, chắc chắn là gặp khó khăn, xáo trộn nhất định đối với người dân. Để thực hiện được kết quả như mong muốn, như chủ trương chúng ta đặt ra thì khi mà thực hiện, chuyển từ quản lý giấy sang quản lý số cần có hệ thống số mà chúng ta đang xây dựng, từ các ngành có liên quan, công an, y tế hay các tổ chức mà lâu nay chúng ta vẫn coi số hộ khẩu hay các giấy tờ tuỳ thân của cá nhân như các giấy tờ pháp lý thì phải có sự liên thông đồng bộ với nhau.

Phóng viên: Theo đại biểu, việc thay đổi phương thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu sang mã số định danh cá nhân phù hợp với chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử sẽ có ý nghĩa như thế nào ? Và tới tháng 7 năm 2021, luật có hiệu lực thì có thể áp dụng bỏ sổ hộ khẩu, ý kiến của Đại biểu về tính khả thi của dự án luật ?

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức:  Chúng ta cũng đã từng thí điểm để thực hiện việc chuyển mô hình từ giấy sang số, tôi nghĩ rằng đây là một chủ trương mà phải thực hiện và nên thực hiện. Do vậy, phù hợp với chủ trương chung của đất nước chúng ta. Còn việc thực hiện như thế nào và có đảm bảo việc tính thời gian để luật có hiệu lực, thì ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng cần phải xây dựng lộ trình, điều kiện, trong đó có tuyên truyền rộng rãi để người dân biết và chuẩn bị tâm thế, tâm lý để tham gia thực hiện.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Việc sửa đổi Luật Cư trú là để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 theo hướng đơn giản hóa giấy tờ, xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân; qua đó, bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân. Tờ trình Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) khẳng định, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm thì cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; trong đó, công tác quản lý con người, quản lý về cư trú của công dân, góp phần tích cực, có hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của phương thức quản lý cư trú mới này và không gây xáo trộn lớn đối với cuộc sống, sinh hoạt của người dân khi bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, Đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải làm rõ tính khả thi của việc cấp số định danh cá nhân cho các công dân còn lại trong khoảng thời gian từ nay đến khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực. Đồng thời nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và c ơ sở dữ liệu về cư trú./.

Kim Yến

Các bài viết khác