ĐBQH NGUYỄN HỒNG HẢI CHO Ý KIẾN VIỆC ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN MỘT SỐ ĐOẠN ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC TRÊN TUYẾN BẮC - NAM PHÍA ĐÔNG GIAI ĐOẠN 2017-2020

13/06/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nguyễn Hồng Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đưa ra ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Đại biểu Nguyễn Hồng Hải phát biểu

Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đại biểu Nguyễn Hồng Hải đưa ra một số ý kiến như sau:

Đại biểu khẳng định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Theo Báo cáo của Chính phủ tại Tờ trình số 487 ngày 21/10/2017 hành lang vận tải Bắc - Nam đoạn Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố tác động đến 45% dân số đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 75% các cảng biển loại 1, loại 2 và 67% các khu kinh tế của cả nước và đặc biệt là kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm.

Với mức độ ảnh hưởng như vậy, có thể nói đây là hành lang vận tải quan trọng nhất, có tính chất lan tỏa nhất, rất cần thiết ưu tiên đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế. Vì vậy, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 52 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo phương thức PPP. Quyết tâm thực hiện dự án từ năm 2017 và cơ bản hoàn thành năm 2021. Tuy nhiên, đến nay theo Báo cáo của Chính phủ thì 3 dự án đầu tư công đã triển khai xây dựng, còn 8 dự án PPP chỉ mới dừng ở khâu lựa chọn nhà đầu tư. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực cố gắng nhưng vướng quá nhiều khó khăn, nhiều yếu tố bất lợi đã ảnh hưởng đến tính khả thi và tiến độ của 8 dự án PPP. Do đó, việc điều chỉnh một số nội dung trong Nghị quyết số 52 của Quốc hội là rất cần thiết. Với cơ chế chính sách phù hợp giúp Chính phủ triển khai nhanh nhất trục cao tốc rất quan trọng này.

Về nội dung kiến nghị của Chính phủ về việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức PPP với 3 dự án thành phần sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công, gồm một dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển là đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết; hai dự án quan trọng cấp bách gồm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, đại biểu thống nhất cao với đề xuất của Chính phủ, vì đây là phương án tối ưu đã được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc quyết định trong điều kiện hiện nay.

Đồng thời, đại biểu phân tích và làm rõ thêm một số nội dung sau:

Thứ nhất, chuyển sang phương thức đầu tư 100% vốn đầu tư công đối với 3 dự án trên có tính chất đột phá, là phương thức khả thi nhất trong điều kiện hiện nay, vì trong quá trình sơ tuyển nhà đầu tư tiếp thu ý kiến của nhân dân và cân nhắc toàn diện yếu tố thì Chính phủ đã quyết định chỉ tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước. Tuy nhiên, việc huy động tín dụng trong nước để triển khai các dự án PPP gặp rất nhiều khó khăn và không khả thi. Nguyên nhân đã được Chính phủ nêu rất đầy đủ, chi tiết trong báo cáo. Đồng thời, liên hệ thực tế về việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đây là tuyến cao tốc có lưu lượng xe rất cao, khả năng hoàn vốn rất lớn nhưng việc huy động 6.686 tỷ đồng vốn tín dụng thì gặp vô vàn khó khăn, mất rất nhiều thời gian. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phải tổ chức họp rất nhiều lần. Được biết, lãnh đạo Chính phủ đã phải tổ chức 4 cuộc họp, Thường trực Chính phủ là họp 2 lần, Chính phủ là họp 1 lần và đích thân Thủ tướng Chính phủ phải đến công trường chỉ đạo 2 lần thì dự án trên mới thu xếp được vốn tín dụng. Điều đó cho thấy vấn đề cốt lõi để triển khai thành công các dự án PPP không phải nằm ở hiệu quả của dự án mà là khả năng huy động được vốn tín dụng. Do đó, trong điều kiện hiện nay, việc huy động tiền từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trong nước là không khả thi nên việc lựa chọn 3 dự án trên chuyển sang đầu tư theo phương thức 100% vốn đầu tư công là rất phù hợp

Thứ hai, chuyển các dự án quan trọng cấp bách sang phương thức đầu tư 100% vốn đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ giải quyết những vấn đề bức xúc về ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu phân tích sâu về dự án Phan Thiết - Dầu Giây để thấy tính hiệu quả. Đây là đoạn cuối vào cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh, được xác định là đoạn tuyến rất quan trọng, có lưu lượng lớn nên được Chính phủ lựa chọn triển khai thí điểm đầu tư cao tốc theo phương thức PPP từ năm 2010. Vì lý do đó nên đoạn tuyến trên không được mở rộng khi Chính phủ triển khai mở rộng Quốc lộ 1. Hiện nay, đoạn tuyến này chỉ có 2 làn xe, mỗi hướng chỉ có 1 làn xe cơ giới.

Theo số liệu đếm xe hiện nay thì lưu lượng quy đổi trên Quốc lộ 1 đoạn Đồng Nai - Phan Thiết là 30.519 xe trên một ngày đêm, trong khi hạ tầng chưa đáp ứng được 30% lưu lượng xe thực tế, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên, kéo dài nhiều giờ, đặc biệt là tình hình tai nạn giao thông diễn biến rất phức tạp, số người chết rất cao, hằng năm trên 120 người và chiếm 50% tổng số tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, dẫn đến việc đi lại rất khó khăn, mất nhiều thời gian và không an toàn, là rào cản lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương.

Đại biểu nêu rõ, đường bộ cao tốc qua Bình Thuận là niềm mơ ước của nhân dân Bình Thuận trong nhiều năm qua. Do đó, tỉnh đã dồn sức chỉ đạo và cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng trên 90% cùng với hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán đã được Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị cơ bản là xong. Nếu Quốc hội thống nhất cho phép chuyển sang phương thức đầu tư 100% vốn đầu tư công sẽ sớm giải quyết những vấn đề bức xúc về ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, đồng thời sẽ mang lại hiệu quả rất tích cực, tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế cho các tỉnh Nam Trung Bộ, trong đó có Bình Thuận.

Đồng thời, về thời gian hoàn thành các dự án PPP, từ những khó khăn trong quá trình triển khai dự án và tình hình hiện nay có thể thấy tiến độ triển khai sẽ không đáp ứng theo yêu cầu của Nghị quyết 52 của Quốc hội. Tuy nhiên, nội dung này trong Tờ trình của Chính phủ không được đề cập.

Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đánh giá đúng thực tế, xác định thời gian hoàn thành 3 dự án chuyển sang đầu tư 100% vốn đầu tư công và 5 dự án thực hiện theo PPP trình Quốc hội để điều chỉnh mục 5 Điều 2 Nghị quyết 52./.

Hồ Hương