Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương phát biểu
Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 với các lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Nghiên cứu dự thảo luật, tham gia một số ý kiến như sau:
Về quy định bảo vệ môi trường không khí được quy định tại Mục 2, theo đại biểu, Ban soạn thảo cần nghiên cứu đưa ra các quy định chặt chẽ hơn, đảm bảo về điều kiện nguồn lực để tổ chức thực hiện, đảm bảo công tác kiểm soát, quản lý của nhà nước. Thực tiễn cho thấy, vấn đề ô nhiễm không khí ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội, đời sống của người dân. Nghiên cứu quy định này tại dự thảo luật, nêu thêm một số ý kiến:
Thứ nhất, trong Điều 12 quy định chung về bảo vệ môi trường không khí, tại khoản 1 điều này có quy định tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thải khí thải tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật. Quy định này là rất đúng, ai gây ra thì người đó phải có trách nhiệm xử lý. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc chung đối với việc xử lý giảm thiểu thải khí thải tác động xấu đến môi trường. Như thế nào là giảm thiểu định mức, định lượng, giảm thiểu như thế nào để được xem là đảm bảo không khí không còn tác động xấu đến môi trường. Theo đại biểu, cần quy định minh bạch quy định này để thuận lợi trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, tránh tiêu cực, tránh tình trạng người dân thì phản ánh là ô nhiễm, không hít thở nổi không khí ô nhiễm, sống không nổi với ô nhiễm không khí. Vấn đề ô nhiễm không khí thì còn đó nhưng vẫn bảo đã thực hiện giảm thiểu theo quy định và không thực hiện xử lý nữa. Việc này gây bức xúc trong người dân.
Thứ hai, tại khoản 4 Điều 12 quy định các nguồn thải khí thải lớn, các nguồn khí thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường không khí và các nguồn ô nhiễm môi trường không khí xuyên biên giới, liên tỉnh thì phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát. Đại biểu tán thành với quy định này. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định làm rõ về cơ chế để tổ chức thực hiện. Cần quy định ai, đối tượng nào chịu trách nhiệm thực hiện công tác quản lý, thực hiện việc quan trắc, đánh giá, kiểm soát, xử lý các nguồn ô nhiễm môi trường không khí xuyên biên giới, liên tỉnh theo quy định như đã nêu. Theo đại biểu cần quy định việc này hết sức cụ thể, làm cơ sở để phản ánh, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng như đã được quy định tại khoản 1 Điều 14 về trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng môi trường không khí của dự thảo luật.
Thứ ba, tại khoản 4 Điều 14 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương, chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý. Vì quy định Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý là đúng, đại biểu tán thành với quy định này. Tuy nhiên, có trường hợp nguồn ô nhiễm không khí được phát ra từ địa bàn khác, thuộc tỉnh khác, không phải là địa phương nhưng bị ảnh hưởng theo kiểu liên vùng, liên tỉnh mà địa phương phải chịu. Theo đại biểu cần bổ sung quy định cụ thể là: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nơi phát ra nguồn gây ô nhiễm môi trường, không khí phải có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo thực hiện các biện pháp xử lý khẩn cấp môi trường trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng”. Đồng thời cũng cần bổ sung thêm quy định về cơ chế phối hợp, quản lý, xử lý đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng không khí ô nhiễm liên tỉnh, liên vùng trong việc xử lý ô nhiễm không khí liên tỉnh, liên vùng, như vậy sẽ đảm bảo tính kịp thời và khả thi hơn.
Thứ tư, đối với quy định về quản lý chất lượng môi trường không khí tại Điều 13, đại biểu tán thành với quy định về việc xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí. Kế hoạch quản lý chất lượng không khí là cơ sở để thực hiện đánh giá công tác quản lý chất lượng môi trường không khí. Đại biểu cũng tán thành với quy định là giao cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc lập kế hoạch quản lý chất lượng không khí được quy định tại khoản 5 Điều 13 của dự thảo luật.
Tuy nhiên, tại khoản 6 điều này có quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng không khí và công khai thông tin. Trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm phải cảnh báo và xử lý kịp thời”. Đại biểu băn khoăn với quy định này, liệu địa phương có đủ điều kiện, nguồn lực để thực hiện quy định này hay không? Việc xử lý ô nhiễm không khí, nhất là đối với các trường hợp ô nhiễm không khí nghiêm trọng rất khó. Theo đại biểu để đảm bảo tính khả thi, kịp thời và hiệu quả cần bổ sung thêm quy định về cơ chế phối hợp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, trung ương có chức năng liên quan trong việc kiểm tra, giúp đỡ chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Điều 13 này.
Cuối cùng, về quy định ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ môi trường tại Điều 159 của dự thảo luật. Điều này đại biểu nhận thấy dự thảo luật đưa ra rất nhiều nhiệm vụ chi quy định ngân sách nhà nước phải chi. Đại biểu tán thành phải đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, liệu ngân sách nhà nước có đảm bảo thực hiện được hay không. Đưa ra nhiều quy định như vậy, nếu không thực hiện được thì liệu hiệu lực của luật sẽ như thế nào. Theo đại biểu cần nghiên cứu bổ sung các chính sách huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước tham gia đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường, cần tăng cường công tác xã hội hóa./.