Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 25, Nghị quyết số 26 về cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung, dài hạn với kế hoạch giải ngân 2 triệu tỷ đồng trong 5 năm, làm sao kiểm soát được bội chi trong cả giai đoạn dưới 3,9% GDP, cũng như kiểm soát nợ công dưới 65% GDP. Ngay từ đầu Chính phủ đã triển khai nhiều nghị quyết, nhiều chương trình hành động với phương châm là kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá, cùng với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, địa phương từ Trung ương đến các tỉnh, thành, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, cho đến nay tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Kinh tế Việt Nam trong 4 năm vừa qua liên tục tăng trưởng cao. Năm 2016 tăng trưởng 6,2%; năm 2017 là 6,8%; năm 2018-2019, 2 năm liên tiếp tăng trưởng trên 7,0%. Theo đại biểu, điều quan trọng hơn là nước ta đã giữ được nền kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát dưới 4% trong 5 năm liên tiếp, bội chi ngân sách kiểm soát dưới 3,4%, điều này giúp nợ công của nước ta từ 63,7% năm 2016 đến nay chỉ còn 54,7% GDP.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh phát biểu trước Quốc hội.
Về thương mại, trong 4 năm liên tiếp nước ta xuất siêu, tổng kim ngạch xuất siêu lên tới 21,6 tỷ USD, góp phần cho cán cân vãng lai thặng dư và dự trữ ngoại hối tăng nhanh. Điều này giúp nước ta có tiền đề vững chắc để bước vào năm 2020 với kỳ vọng hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội 2016-2020. Tuy nhiên, Covid-19 đã diễn ra - một biến cố bất thường xảy ra không ai mong muốn, không nước nào mong đợi, không có trong kịch bản và cũng không có trong dự báo. Đến ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế đã công bố đây là đại dịch toàn cầu, gây những thảm họa cho kinh tế và y tế của thế giới.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân thông tin, theo dự báo của IMF, kinh tế thế giới năm 2020 sẽ tăng trưởng âm 3%. Nhưng cách đây một tuần World Bank đã đưa ra dự báo kinh tế thế giới âm 5,2%. Còn Tổ chức OECD (Tổ chức Hợp tác kinh tế phát triển) đưa ra dự báo là kinh tế thế giới sẽ âm 6% cho đến âm 7,6%. Điều đó cho thấy tác động của Covid-19 đến kinh tế thế giới rất nặng nề. Việt Nam đã thành công và chuyển sang giai đoạn bình thường mới sớm hơn các nước, tạo điều kiện khôi phục và phát triển kinh tế. GDP quý I tăng trưởng 3,82%, thấp so với 10 năm vừa qua, nhưng đây là mức tăng so với các nước khác, vì các nước đang suy thoái rất nặng. Trung Quốc là nền kinh tế tăng trưởng cao, do đại dịch Covid-19 suy thoái âm 6,8%.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, nước ta không nên có cái nhìn chỉ trong năm nay mà cần xây dựng các tiền đề vững chắc để có thể phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo. IMF dự báo năm nay Việt Nam tăng trưởng là 2,7%; World Bank cách đây 1 tháng dự báo tăng trưởng 4,9%, nhưng cách đây 1 tuần thì dự báo này thay đổi, theo đó Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,8%. Nhưng 2 tổ chức này đều dự báo lạc quan là năm 2021 Việt Nam sẽ tăng trưởng 7%, World Bank dự báo tăng trưởng 6,8%. Từ đây, đại biểu cho rằng năm 2020 nước ta cần hướng đến các mục tiêu như sau:
Thứ nhất, tiếp tục bảo vệ thành quả kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh tại Việt Nam. Nước ta không được chủ quan, vì trong những ngày vừa qua sự bùng phát lây nhiễm trên thế giới rất nặng nề. Đại biểu cho rằng, khi nước ta muốn mở cửa quốc tế nhanh thì cần hết sức thận trọng bằng cách tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt tại các sân bay, bến cảng, cửa ngõ biên giới để đảm bảo an toàn thành quả đã đạt được.
Thứ hai, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hết sức thận trọng trong chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa thì phải hết sức chặt chẽ. Cần phải tiết kiệm chi thường xuyên, phấn đấu tiết kiệm trên 10% của năm nay.
Riêng về đầu tư công, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng việc ưu tiên hỗ trợ giải ngân đầu tư công là cần thiết, nhưng không có nghĩa phải giải ngân bằng được số tiền dự kiến 700.000 tỷ đồng. Lý do là tiền này là tiền đi vay, nếu không giải ngân được có nghĩa là không cần phải vay, do vậy cần phải thận trọng và giải ngân trên cơ sở đảm bảo tính hiệu quả. Cần tạo điều kiện cho Chính phủ một cơ chế có thể điều chuyển các nguồn vốn này để các công trình, dự án sớm đi vào cuộc sống.
Thứ ba, trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thì cần phải hậu kiểm các chính sách đã công bố.