ĐỂ SÁCH GIÁO KHOA MỚI BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG: CẦN PHÁT HUY VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH

29/10/2020

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, để sách giáo khoa biên soạn theo phương thức xã hội hoá bảo đảm chất lượng, cần phát huy vai trò trách nhiệm của Hội đồng thẩm định, bởi Hội đồng thẩm định có quyền yêu không thông qua nếu tác giả không chỉnh sửa những lỗi đã được các thành viên Hội đồng chỉ ra.

Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa (SGK) để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy trong năm học 2020-2021, trong đó có bộ sách Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát hành. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng đưa vào giảng dạy, SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều đã bị phụ huynh và dư luận xã hội đánh giá là có nhiều “sạn”, thậm chí có những ngữ liệu được cho là không phù hợp đối tượng học sinh cũng như mục tiêu chương trình.


Hai tập sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh diều.

Với bất cập trên, cách giải quyết những “hạt sạn” trong SGK lớp 1 nên theo hướng nào và liệu có nên để cho Bộ GDĐT tiếp tục thực hiện biên soạn một bộ SGK trong khi chúng ta đang thực hiện xã hội hóa SGK hay không? Để làm rõ hơn về những vấn đề trên, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa- Ủy viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Phóng viên: Thưa đại biểu, vừa qua, dư luận xã hội băn khoăn về bộ SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều được cho là “có sạn”. Đại biểu nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi cho rằng, lần đầu tiên thực hiện SGK theo phương thức xã hội hoá thì “sạn” là điều khó tránh. Nhưng điều đáng tiếc là “sạn” chủ yếu tập trung vào nội dung, bao gồm cả ngữ liệu, ngôn từ, ý nghĩa giáo dục. Trong khi SGK thì phải chuẩn mực, vì nó là tài liệu giảng dạy trong nhà trường. Đây là lý do để dư luận băn khoăn.

Trước băn khoăn của dư luận xã hội, mới đây, giải trình với các đại biểu Quốc hội về  SGK môn Tiếng Việt lớp 1, Bộ GDĐT đã thừa nhận, “việc để xảy ra bức xúc trong dư luận xã hội về một số điểm chưa phù hợp trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có trách nhiệm của Bộ, Hội đồng thẩm định và tác giả”. Trước đó, Bộ GDĐT đã có công văn đề nghị Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 (Hội đồng thẩm định) tiến hành rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu; đồng thời yêu cầu các nhà xuất bản, tác giả rà soát cả 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để chỉnh sửa kịp thời những bất hợp lý nếu có.

Cũng xin nói thêm, việc đánh giá chất lượng sách giáo khoa cần có thời gian, cần được nhìn nhận một cách tổng thể; “sạn” thì phải nhặt, nhưng những điểm tích cực của mỗi bộ sách cũng nên được ghi nhận. Trong khi chúng ta đang bàn luận thì hoạt động dạy học lớp 1 ở các trường vẫn đang diễn ra. Do vậy, theo tôi, điều cần làm lúc này là bình tĩnh, hợp tác để cùng tháo gỡ. Trong Báo cáo gửi tới Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng đã nhận trách nhiệm về phía cơ quan quản lý nhà nước và có sự chỉ đạo, yêu cầu rà soát cả 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để chỉnh sửa kịp thời những bất hợp lý nếu có. Đây là việc làm hết sức cần thiết và cần phải thực hiện ngay để việc hướng dẫn, chỉnh lý những nội dung trong SGK Tiếng Việt lớp 1 sẽ được triển khai xuống các cơ sở giáo dục sớm nhất.

Phóng viên: Theo đại biểu, bên cạnh những bộ SGK đang được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, chúng ta có nên tiếp tục để Bộ GD-ĐT biên soạn 1 bộ SGK riêng nữa hay không?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Việc xã hội hoá biên soạn SGK như chúng ta đang triển khai là thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trên thực tế, đã có 5 bộ SGK lớp 1 được thẩm định, ban hành để triển khai thực hiện trong năm học 2020-2021. Điều này cho thấy, chúng ta đã thành công bước đầu trong thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK. Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Nghị quyết kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV đã được biểu quyết thông qua, theo đó, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó, tức là không bắt buộc phải có bộ SGK của Bộ GDĐT.

Mặt khác, tôi cho rằng, chất lượng SGK không phụ thuộc vào việc đó là sách của Bộ GDĐT hay sách xã hội hoá. Làm tốt khâu biên soạn, thẩm định, phê duyệt thì các bộ SGK được ban hành đều có giá trị tương đương nhau. Khi chúng ta thực hiện tốt việc xã hội hóa biên soạn SGK, sẽ càng có nhiều bộ sách, nhiều cơ hội để lựa chọn.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa- Ủy viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Phóng viên: Để xảy ra những lùm xùm về SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có trách nhiệm của Hội đồng thẩm định bộ sách này. Đại biểu có bình luận gì?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Chất lượng SGK phụ thuộc vào nhiều khâu: biên soạn, thẩm định, in ấn. Như vậy, rõ ràng việc xác định trách nhiệm của Hội đồng thẩm định là khó tránh khỏi. Bởi Hội đồng thẩm định hoàn toàn có thể dùng quyền của mình để không thông qua những bộ sách, cuốn sách chưa đáp ứng yêu cầu. Phản ứng của dư luận đối với sách Tiếng Việt lớp 1 chắc chắn cũng sẽ tác động nhiều tới những người liên quan, từ nhóm tác giả, nhà xuất bản đến các thành viên Hội đồng thẩm định SGK.

Phóng viên: Theo đại biểu, để thực hiện tốt công tác xã hội hóa SGK một cách hiệu quả, ngành Giáo dục cần có những giải pháp đồng bộ quyết liệt nào trong thời gian tới?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Đúng là Bộ GDĐT cần một hệ thống giải pháp đồng bộ để thực hiện xã hội hóa SGK được hiệu quả trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những vấn đề đặt ra trong công tác biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK lớp 1 vừa qua.

Trước hết, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về quy trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa; yêu cầu dạy thực nghiệm, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi và tiếp thu một cách nghiêm túc các ý kiến góp ý. Thứ hai là cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ ở tất cả các khâu để bảo đảm việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, tiêu chí rõ ràng, đúng quy định của Luật Giáo dục 2019. Mặt khác, cần phát huy vai trò, tránh nhiệm Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, vì theo luật định, Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định sách giáo khoa.

Ngoài ra, Bộ GDĐT cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để xã hội thấy được sự đúng đắn, tính ưu việt của chủ trương coi chương trình là pháp lệnh, SGK là tài liệu dạy học. Chương trình được thiết kế theo hướng mở để phát huy tính chủ động, sáng tạo của giáo viên trong quá trình triển khai chương trình, SGK mới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan