Đại biểu Tống Thanh Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu
Phát biểu từ điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, đại biểu Tống Thanh Bình bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 trình Quốc hội. Đồng thời, kiến nghị một số nội dung nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện ở địa phương.
Hoàn thiện các quy định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Đại biểu Tống Thanh Bình cho biết, thời gian qua, thực hiện công tác đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Các cơ quan liên quan đã chủ động phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính, cai nghiện bắt buộc tại Tòa án, nhiều địa phương, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xác định chính xác người bị đề nghị lại chủ yếu dựa vào thông tin các tài liệu trong hồ sơ do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Hơn nữa, đối với trường hợp người bị đề nghị vắng mặt không lý do chính đáng tại phiên họp thì việc xác định người bị đề nghị của Tòa lại càng khó khăn hơn, đặc biệt ở các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để sớm có giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên và thực hiện nguyên tắc sau khi xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đảm bảo mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và bị xử lý nghiêm minh, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người đề nghị, đảm bảo quyền của người bị đề nghị được giải trình trước Tòa án tranh luận với các cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đại biểu Tống Thanh Bình đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của Pháp lệnh số 09 ngày 20/1/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa.
Đại biểu chỉ rõ, về tham gia phiên họp, xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại khoản 2 Điều 9 quy định, trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc có yêu cầu xem xét vắng mặt thì Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành phiên họp. Đề nghị xem xét, sửa đổi lại là trường hợp vắng mặt mà có yêu cầu xem xét vắng mặt thì Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành phiên họp. Trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì tòa có thể hoãn phiên họp và yêu cầu trưởng cơ quan cấp có thẩm quyền diễn giải.
Xem xét bổ sung Điều 15 khoản 3 trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày có lý do tạm đình chỉ quy định tại khoản 2 của Pháp lệnh này không còn, thì Tòa án phải ra quyết định tiếp tục giải quyết việc xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính và gửi quyết định đó cho những người quy định tại khoản 2 Điều 19 của Pháp lệnh này. Cơ quan đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp quyết định tạm đình chỉ hết hiệu lực kể từ ngày ban hành quyết định tiếp tục giải quyết việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính và Tòa án tiếp tục giải quyết việc kể từ khi ban hành quyết định tiếp tục giải quyết việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Kịp thời có hướng dẫn cụ thể khắc phục vướng mắc trong thi hành án
Đại biểu Tống Thanh Bình cho biết, ngày 17/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 33 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62 ngày 18/7/2015, về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày mùng 1/5/2020, quy định về chủ động ra quyết định thi hành án. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Đại biểu chỉ rõ, còn có nhiều cách hiểu và thực hiện chưa thống nhất, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất của các bộ, ngành chủ quản cụ thể đối với các quy định, như về ra quyết định thi hành án, kê biên, xử lý tài sản trong trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà người phải thi hành án dân sự bán, chuyển nhượng, cho, tặng, v.v. nhưng không sử dụng tiền thu được để thi hành án mà không còn tài sản khác về bán đấu giá tài sản trong trường hợp bán tài sản có giá trị lớn, đã đủ tiền thi hành án thì không tiếp tục bán các tài sản còn lại. v.v..
Đại biểu cho rằng, để sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện ở địa phương được thống nhất, đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với những khó khăn, vướng mắc nêu trên.
Sớm xây dựng văn bản hướng dẫn để thực hiện ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung
Đối với công tác áp dụng ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động tố tụng hình sự, đại biểu nêu rõ, theo quy định tại Điều 183 và 442 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, việc tiến hành hỏi cung bị can và lấy lời khai của pháp nhân thương mại, người có quyền lợi, nghĩa vụ hoặc đại diện hợp pháp liên quan đến các vụ án hình sự phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Theo Quyết định số 371 ngày 09/3/2016 của Chính phủ thì chậm nhất đến ngày 01/01/2020 việc tiến hành hỏi cung bị can và lấy lời khai của pháp nhân thương mại, người có quyền lợi, nghĩa vụ hoặc đại diện hợp pháp liên quan đến các vụ án hình sự phải được ghi âm và ghi hình có âm thanh phải được thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Ngày 11/9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1172, phê duyệt Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, về cơ bản các địa phương vẫn chưa thể triển khai áp dụng, vì không có hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật trang bị phù hợp cho các phòng hỏi cung. Mặc dù, các địa phương đã có nhiều cố gắng tìm cách tháo gỡ khó khăn, khắc phục, tuy nhiên việc triển khai áp dụng mới chỉ là tạm thời, vì hiện nay chưa có cơ sở văn bản pháp lý và quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn hướng dẫn cụ thể trong triển khai thực hiện công tác này.
Đại biểu đề nghị Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn các quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn, nguồn lực hỗ trợ từ trung ương và sẵn có của địa phương để thực hiện đối với công tác này, để việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động hỏi cung bị can và lấy lời khai người bị tạm giữ liên quan đến vụ án v.v. được thực hiện áp dụng đồng bộ theo lộ trình chỉ đạo của Chính phủ./.