Nhiều hình thức gian lận xuất xứ made in Việt Nam
Những năm gần đây, tình trạng hàng ngoại giả mạo, xuất xứ giả mạo nhãn mác của Việt Nam diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi. Đơn cử, mới đây, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) phát hiện một doanh nghiệp nhập tơ tằm Trung Quốc giả nhãn mác Việt Nam xuất đi Ấn Độ.
Cụ thể, trong quá trình kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Công ty M., cơ quan Hải quan phát hiện doanh nghiệp này xin cấp 8 C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) Form AI để xuất khẩu tơ tằm Trung Quốc sang Ấn Độ có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Hải quan chứng minh doanh nghiệp có hành vi nhập khẩu tơ tằm thành phẩm từ Trung Quốc về cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi hàng cập cảng, doanh nghiệp đưa hàng về kho nằm ngoài khu vực cảng (vẫn ở địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh), nhưng không đưa về nhà máy sản xuất của doanh nghiệp (nằm ở tỉnh khác). Tại đây, doanh nghiệp có hành vi thay đổi bao bì, nhãn mác thể hiện hàng hóa xuất xứ Trung Quốc và gắn nhãn mác thể hiện xuất xứ Việt Nam lên sản phẩm để xuất khẩu đi Ấn Độ.
Cơ quan Hải quan nhận định, hành vi của doanh nghiệp nhằm lẩn tránh thuế suất cao. Bởi, nếu tơ tằm xuất khẩu trực tiếp từ Trung Quốc sang Ấn Độ sẽ chịu thuế nhập khẩu 25%. Tuy nhiên, mặt hàng này xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ chỉ có mức thuế 5%.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tình trạng gian lận xuất xứ, hàng Trung Quốc đeo mác Việt Nam đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Không chỉ chuyển tải với mặt hàng tơ tằm, tính đến tháng 6 năm nay toàn ngành hải quan đã thực hiện kiểm tra, điều tra xác minh ít nhất 77 vụ việc, phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu. Các mặt hàng vi phạm tráo xuất xứ đã bị các đơn vị hải quan điểm mặt phổ biến ở 3 nhóm hàng: Xe đạp, xe đạp điện; pin năng lượng mặt trời và mặt hàng gỗ, nội thất từ gỗ.
Cũng trong thời gian này, Báo cáo của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho thấy, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 75.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách gần 11.300 tỉ đồng (tăng 83% so với cùng kỳ năm 2019).
Ông Trần Hữu Linh: Chưa có quy định cụ thể thế nào là hàng Việt Nam và tiêu chuẩn “Made in Vietnam”
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam bằng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi. Đơn cử, hàng hóa của nước ngoài được sản xuất, in ấn, đóng gói trực tiếp từ nước ngoài nhưng đã gắn nhãn mác "Made in Vietnam". Hoặc hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam, có nhãn mác, thương hiệu của nước ngoài sản xuất nhưng khi đưa vào Việt Nam thì các đối tượng gian thương bóc hết tem mác và thay bằng những nhãn mác khác đội lốt Việt Nam. Ngoài ra, cũng phổ biến hiện tượng hàng hóa nước ngoài nhưng không ghi xuất xứ, song bằng mọi phương thức, thủ đoạn các đối tượng đưa hàng vào Việt Nam, nhất là những mặt hàng có hiệu quả, sinh lời cao. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm, mặt hàng nhập nguyên kiện từ nước ngoài hoặc chỉ qua vài ba công đoạn gia công sơ sài, nhưng vẫn gắn nhãn "hàng Việt".
Cũng theo ông Trần Hữu Linh, dù ngày càng nhiều đối tượng có hành vi gian lận xuất xứ song các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn do hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể thế nào là hàng Việt Nam và tiêu chuẩn “Made in Vietnam”, nên cơ quan thực thi nhiệm vụ vẫn lúng túng trong xác định căn cứ pháp lý xử phạt.
Hàng Việt đối mặt với 31 vụ kiện phòng vệ thương mại
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, nhiều hàng hoá được cắt giảm thuế. Trong khi đó, một số nước không phải thành viên thì không được ưu đãi này. Vì vậy, một số nhóm đối tượng ở các nước không tham gia Hiệp định lựa chọn Việt Nam làm điểm trung chuyển rồi đưa hàng trực tiếp sang các nước thứ ba như Mỹ, EU nhằm hưởng ưu đãi thuế dành cho nước thành viên của Hiệp định hoặc là tiêu thụ trong nội địa để thu lợi bất chính. Đặc biệt, cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung khiến hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ bị đánh thuế cao (từ 7,5 - 28,5%, tùy theo từng mặt hàng), vì vậy, cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc cũng rất có thể tìm cách gắn mác nước khác, trong đó có Việt Nam.
Ông Lê Đăng Doanh: Gian lận hàng hoá “Made in Việtnam” để xuất đi nước ngoài nhằm hưởng ưu đãi thuế sẽ gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng
Cũng theo ông Lê Đăng Doanh, nếu gian lận hàng hoá gắn nhãn mác xuất xứ “Made in Việtnam” để xuất đi nước ngoài nhằm hưởng ưu đãi thuế quan sẽ gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng, Việt Nam sẽ có nguy cơ là nạn nhân bị các nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra áp thuế chống bán phá giá và áp thuế tự vệ. Bởi lẽ khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do, các nước chỉ ưu tiên thuế với những mặt hàng được sản xuất trong nước với nguyên liệu do Việt Nam chủ động. Nếu nguyên liệu nhập từ nước khác về gia công thì không được hưởng ưu đãi. Như vậy nếu để hàng hoá nước ngoài gắn nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu sẽ gây thiệt hại trực tiếp đến các Doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính, tác động lớn đến ngành hàng trong nước và làm giảm uy tín hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế và bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này.
Thực tiễn thời gian gần đây, hàng hóa Việt Nam liên tiếp dính các vụ kiện phòng vệ thương mại, đặc biệt từ các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Canada. Tính đến tháng 9/2020, tổng số vụ việc phòng vệ thương mại mới khởi xướng điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là 31 vụ, gấp gần 2 lần so với toàn bộ vụ việc khởi xướng năm 2019, tập trung vào nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng như thuỷ sản (tôm, cá tra), sắt thép, nhôm, gỗ…
Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn
Trước tình trạng hàng ngoại giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam để trục lợi thuế khi xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới, chiều 6/11/2019 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trước Quốc hội đại biểu Phương Thị Thanh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về giải pháp cho vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội
Ngay sau phần chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có phần giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng khẳng định: Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng với thế giới và thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại nên Việt Nam được hưởng các ưu đãi về thuế quan trong việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước đối tác, tạo lợi thế cho hàng hóa thâm nhập thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, với những ưu đãi thuế quan và những điều kiện thuận lợi trong tiếp cận thị trường cũng đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy các sản phẩm đội lốt xuất xứ hàng hóa của Việt Nam để tranh thủ các ưu đãi về thuế quan trong xuất khẩu sang các thị trường đối tác.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: Ngay từ những năm 2016-2017, Bộ Công Thương và Chính phủ đã nhận thức rõ những thách thức và những nguy cơ này và Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo Chính phủ và tổ chức những đoàn đi kiểm tra trên thực tế các hoạt động của những doanh nghiệp này. Sau đó, Chính phủ đã có chỉ đạo cụ thể và giao cho Tổng cục Hải quan tiếp tục giám sát chặt chẽ, không cho phép lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để thực hiện gian lận thương mại trong hoạt động thương mại quốc tế. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng chủ động phối hợp với các bộ, ngành như Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cùng phối hợp, quản lý và xử lý những vấn đề gian lận trong xuất xứ hàng hoá
Cũng trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 824, phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” với 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, tập trung vào công tác đấu tranh có hiệu quả trong các hoạt động gian lận xuất xứ Việt Nam cũng như truyền tải đầu tư bất hợp pháp. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nếu những biện pháp chống gian lận thương mại không sớm được triển khai đồng bộ thì sẽ làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đẩy mạnh ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ hàng hoá ngay tại cửa khẩu
Thực hiện Nghị quyết đổi mới hoạt động Quốc hội, đồng thời nâng cao vai trò giám sát của đại biểu Quốc hội trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Phương Thị Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn về nội dung chất vấn và đánh giá những giải pháp Bộ Công thương đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa “Made in Vietnam”.
Đại biểu Phương Thị Thanh: Tăng cường kiểm soát hàng hóa ngay tại cửa khẩu
Phóng viên: Xuất phát từ thực tiễn nào tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về hàng hóa nước ngoài gắn nhãn mác Việt Nam?
Đại biểu Phương Thị Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bác Kạn: Trước đây, khi hàng hóa Việt Nam chất lượng chưa cao, nhãn "Made in Vietnam" không có sức nặng và giá trị, thì giờ đây đã có sự thay đổi nhanh chóng, hàng Việt ngày càng đa dạng hơn, mẫu mã và chất lượng cũng được cải thiện, uy tín nâng cao và được người tiêu dùng tin tưởng. Theo đó đã xuất hiện tình trạng hàng nước ngoài "đội lốt" hàng Việt để các đối tượng gian thương thu lợi bất chính, đánh lừa người tiêu dùng. Mặt khác, Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do, vì vậy xuất hiện xu hướng hàng hóa nước ngoài mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi từ các hiệp định này, hoặc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu. Ngoài ra, qua qua trình tiếp xúc cử tri tại địa phương, cử tri rất quan tâm về vấn đề này và qua thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu cũng đặc biệt quan tâm thảo luận, cho ý kiến. Từ những vấn đề này tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về giải pháp cho vấn đề này.
Phóng viên: Với vai trò là đại biểu dân cử, quan điểm của đại biểu về nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh xung quanh vấn đề đại biểu đã chất vấn?
Đại biểu Phương Thị Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bác Kạn: Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương đã thừa nhận những khó khăn, thách thức trước tình trạng gian lận xuất xứ hiện nay. Đồng thời nêu ra những giải pháp Chính phủ, bộ Công thương và các bộ ngành chức năng đang triển khai thực hiện. Tôi nghĩ, với sự quyết tâm, thực sự vào cuộc thì những biện pháp Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra sẽ dần dần giảm tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, vấn đề tôi còn băn khoăn, mong muốn Bộ trưởng có giải pháp căn cơ hơn trong vấn đề này bởi lẽ như trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng cho biết ngành công thương đã xác định tình trạng gian lận này ngay từ năm 2016, tuy nhiên đến nay tình trạng này vẫn diễn ra, các doanh nghiệp không ngừng lợi dụng xuất xứ “Made in Viet nam” để trục lợi và hệ lụy của vấn đề này là rất nghiêm trọng. Như vậy, vai trò của ngành Công thương cần xem xét lại lỗ hổng đang ở đâu để có những giải pháp căn cơ hơn cho vấn đề này.
Phóng viên: Sau một năm chất vấn, vấn đề đại biểu quan tâm đã có sự chuyển biến như thế nào thưa đại biểu?
Đại biểu Phương Thị Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bác Kạn: Tôi cho rằng tình trạng hàng ngoại giả mạo, xuất xứ giả mạo nhãn mác của Việt Nam để trục lợi thuế vẫn đang tiếp tục diễn ra và ngày càng phức tạp và tinh vi. Riêng ngành hải quan, chỉ trong 6 tháng toàn ngành đã phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu và trên thế giới chúng ta đối diện với 31 vụ kiện phòng vệ thương mại cho thấy tình trạng này vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và phức tạp nhất là khi chúng ta đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại thế giới. Theo tôi, nếu chúng ta không có các biện pháp tích cực cho vấn đề này thì có thể ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp và lâu dài còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nước ta. Bởi lẽ hàng hóa của Việt Nam rất có thể sẽ đối mặt với nguy cơ bị các nước áp thuế phòng vệ thương mại.
Phóng viên: Vậy theo đại biểu đâu là lý do chính khiến cho tình trạng hàng ngoại đội lốt hàng Việt ngày càng gia tăng?
Đại biểu Phương Thị Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bác Kạn: Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do như EVFTA và CPTPP, Việt Nam có những ưu đãi về mặt thuế quan. Trong khi đó, một số nước không phải thành viên thì không được ưu đãi này. Vì vậy, một số nhóm đối tượng sản xuất hàng hóa ở nước ngoài đã lợi dụng đưa hàng hoá vào Việt Nam rồi gian lận xuất xứ hàng Việt để xuất khẩu nhằm hưởng ưu đãi thuế. Trên thực tế, sự chênh lệch giữa nước được hưởng ưu đãi thuế và nước không được hưởng ưu đãi thuế là rất lớn nên nhiều đối tượng tìm mọi thủ đoạn để thực hiện hành vi gian lân của mình. Trong khi đó chúng ta vẫn chưa có quy định cụ thể thế nào là hàng Việt Nam và tiêu chuẩn “Made in Vietnam”, nên các đối tượng tranh thủ biến tấu, trá hình hàng Việt Nam để trục lợi.
Ngoài ra, hàng hoá Việt Nam ngày càng khẳng định thương hiệu của mình, chúng ta cũng đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nên các đối tượng đã lợi dụng lấy nhãn mác hàng Việt gắn vào hàng hóa nước ngoài để nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Phóng viên: Đại biểu có đề xuất kiến nghị như thế nào để đẩy lùi, tiến tới ngăn chặn tình trạng dùng hàng hóa nước ngoài gắn nhãn mác Việt Nam?
Đại biểu Phương Thị Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bác Kạn: Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do, việc xuất hiện xu hướng hàng hóa nước ngoài giả xuất xứ Việt Nam nhằm hưởng lợi từ các hiệp định hoặc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trước hết tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành văn bản quy định pháp lý về việc như thế nào là hàng xuất xứ tại Việt Nam hoặc hàng xuất xứ có công đoạn tại Việt Nam, trên cơ sở đó chúng ta làm rõ đươc tính minh bạch trong xuất xứ hàng hóa qua đó cũng khẳng định uy tín của hàng Việt trên thị trường quốc tế khi xuất khẩu hang hóa. Đây cũng là việc cấp thiết để tránh tình trạng doanh nghiệp trong nước lạm dụng kẽ hở, ghi nhãn sản phẩm của Việt Nam sai quy định nhằm trục lợi từ niềm tin của người tiêu dùng.
Cùng với đó làm tốt việc phát hiện gắn với việc xử lý nghiêm các doanh nghiệp có hành vi gian lận qua đó cũng khuyến khích, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính tiếp tục khẳng định vai trò của mình.
Tôi thiết nghĩ ngành Hải quan tăng cường giám sát chặt chẽ ngay tại các cửa khẩu khi hàng hóa xuất, nhập tại đây. Với hàng hóa xuất khẩu đi các nước khi làm thủ tục hải quan chúng ta đặc biệt quan tâm kiểm soát chặt chẽ ở khâu này. Cùng với đó giám sát chặt chẽ năng lực hoạt động của các doanh nghiệp, nếu như doanh nghiệp có lượng hàng xuất khẩu lớn nhưng năng lực sản xuất chưa tương xứng thì chúng ta cũng phải xem xét kiểm tra lại để trả lời cho câu hỏi tại sao đơn vị đó lại có hàng hóa như vậy nếu như không chứng minh được thì có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó lưu ý một số doanh nghiệp FDI lợi dụng chính sách thu hút đầu tư để gia công một vài công đoạn đơn giản hàng nhập để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu.
Tôi cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam cần am hiểu rõ hơn các quy định trong các Hiệp định thương mại, tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, đồng thời không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ. Cùng với đó phối hợp theo dõi sát thị trường để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và bị ảnh hưởng./.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Cơ bản đồng tình với nội dung trả lời và giải pháp Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đưa ra, đại biểu Phương Thị Thanh cũng đề xuất, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Hiệp định FTA thế hệ mới, để tránh những hệ luỵ có thể xảy ra trong phòng vệ thương mại của các nước, việc đẩy mạnh ngăn chặn, đấu tranh chống hàng hóa lợi dụng xuất xứ Việt Nam là hết sức cấp bách. Theo đó, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ ngành chức năng như: công an, ngân hàng, hải quan, thông tin và truyền thông, thuế cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và đặc biệt là sự phát hiện của các doanh nghiệp, nhân dân trong việc cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng thực thi đạt hiệu quả để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, tiếp tục tạo môi trường đầu tư, sản xuất thông thoáng để các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ các luồng đầu tư mới, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực mà ta có lợi thế so sánh./.