ĐBQH HOÀNG QUỐC KHÁNH: CẦN BỔ SUNG CHẾ TÀI XỬ PHẠT ĐỐI VỚI HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM

26/05/2022

Thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động, đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, cần bổ sung thêm các chế tài xử phạt đối với hành vi bị nghiêm cấm vào dự thảo Luật.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu 

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này. Sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội các cơ quan của Quốc hội và cơ quan có liên quan.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh bày tỏ cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo Luật Cảnh sát cơ động và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này; cho rằng dự thảo Luật lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.

Liên quan tới nội dung về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 8 của dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho rằng, dự thảo Luật mới chỉ quy định các trường hợp chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát cơ động; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động, người phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ. Tuy nhiên trong thực tế, còn có những trường hợp họ không chống đối, không cản trở mà chỉ chậm trễ và gây khó khăn thì cũng cần bổ sung hành vi này vào các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo luật.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính chặt chẽ, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định về chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm theo từng mức độ từ hành chính đến hình sự.     

Về quyền hạn của cảnh sát cơ động cho phép cảnh sát cơ động được mang vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ trong trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Tuy nhiên, đại biểu cho biết, tại khoản 6 điều này cũng cho phép cảnh sát cơ động được vào trụ sở cơ quan, tổ chức chỗ ở của cá nhân để thực hiện nhiệm vụ, nhưng để giải cứu con tin, trấn áp khủng bố. Trường hợp để trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chưa thấy quy định gtrong dự thảo luật. Trên thực tế những đối tượng này thường khi thực hiện hành vi nguy hiểm, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ không mấy khi đứng ngoài đường đúng không mà thường ẩn nấp ở các nơi ví dụ trụ sở cơ quan, nhà dân. Do vậy, dự thảo Luật nên quy định cảnh sát cơ động được vào để thực hiện trấn áp những hành vi nguy hiểm này cho chặt chẽ hơn. 

Đồng thời cần làm rõ quy định cảnh sát cơ động khi được mang vũ khí vào sân bay, vào tàu bay dân sự thì thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố và quy định khi vào trụ sở cơ quan, tổ chức, cá nhân là trấn áp khủng bố. Vậy giữa “trấn áp khủng bố” và “chống khủng bố” ở đây được hiểu như thế nào? Đại biểu cho rằng, khái niệm chống khủng bố thì rộng hơn, bao gồm cả phát hiện tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác về khủng bố và các biện pháp chống khủng bố, do vậy cần làm rõ để phân biệt trong dự thảo luật./.

 

Thu Phương