ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: BỔ SUNG QUY ĐỊNH ƯU TIÊN KHEN THƯỞNG VỚI ĐỐI TƯỢNG YẾU THẾ ĐỂ TẠO ĐỘNG LỰC, SỨC BẬT CHO XÃ HỘI

27/05/2022

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng cần bổ sung quy định ưu tiên khen thưởng với đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật khi có cùng thành tích, cùng công trạng đạt được nhằm tạo động lực, sức bật cho mọi đối tượng, thành phần xã hội và tạo dựng, tôn vinh diện mạo thi đua, khen thưởng của Việt Nam.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ sự tán thành với các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật thi đua, khen thưởng sửa đổi. Theo đại biểu, 8 điểm mới chủ yếu của dự thảo Luật tạo được sức bật đổi mới, hoàn thiện luật pháp về thi đua, khen thưởng của quốc gia, thể hiện rõ nguyên tắc thi đua và khen thưởng phong trào thi đua thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị, khen thưởng cụ thể, tổng thể và toàn diện về quy mô lẫn đối tượng thích hợp.

Theo đó, khen thưởng trong lực lượng vũ trang, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân nước ngoài, người nước ngoài có đóng góp cho đất nước Việt Nam phân cấp, phân quyền mạnh, minh, gắn chặt với trách nhiệm tổ chức, cá nhân và có tính đến yếu tố thực tiễn vùng, miền, ngành, nghề, xây dựng cụ thể cải cách thủ tục hành chính trong công tác thi đua, khen thưởng. Đặc biệt dự thảo Luật đã bổ sung một điều mới, có hình thức khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang. Tuy nhiên, về tiêu chí thời gian tại ngũ, đối tượng, về xét khen thưởng, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc giảm thời gian, đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát kỹ lưỡng đối tượng thanh niên xung phong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc quy định chặt chẽ để bảo đảm ý nghĩa của hình thức khen thưởng.

Về nguyên tắc khen thưởng, đại biểu Nguyễn Thị Sửu bày tỏ thống nhất việc cụ thể hóa, tuy nhiên đại biểu cho rằng cần cụ thể hóa bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng. Trong nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ cần được quy định chặt chẽ ở cả phương diện thi đua, khen thưởng. Đồng thời bổ sung quy định ưu tiên khen thưởng đối với đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật khi có cùng thành tích, cùng công trạng đạt được nhằm tạo động lực, sức bật cho mọi đối tượng, thành phần xã hội và tạo dựng, tôn vinh diện mạo thi đua, khen thưởng của Việt Nam.

Về danh hiệu vinh dự Nhà nước, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, qua tham khảo tài liệu và ghi nhận thực tiễn, đại biểu bày tỏ đồng tình với phương án 1 như ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thể hiện tính toàn diện, đồng bộ và tạo sự đồng thuận trong ngành nghề mang tính nghệ thuật và trong toàn xã hội.

Về trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Điều 88, trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Luật Cán bộ, công chức, Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị, đại biểu Nguyễn Thị Sửu bày tỏ nhất trí việc quy định trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội như dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị cần sự tập trung chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội để Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, đặc biệt là nội dung liên quan đến đánh giá và khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương một cách chặt chẽ, thấu đáo, liên thông, không buông lỏng./.

Minh Thành

Các bài viết khác