ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN: CẦN ƯU TIÊN ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT, ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI

01/06/2022

Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh cho biết cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

 

 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh

Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo thông tin Tổng cục Thống kê mới công bố về tình hình kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm với nhiều điểm sáng tích cực trên nhiều lĩnh vực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đã tiếp tục tăng 8,3 %, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7 %. Đây là năm thứ 8 tiếp tục kiểm soát lạm phát được dưới 4 %.

Nhờ vậy, ngày 26/5/2022, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ BB lên BB+ với mức triển vọng ổn định, ghi nhận sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều thách thức. Đời sống người lao động, người dân, người nghèo đang gặp nhiều khó khăn do giá cả xăng dầu và một số mặt hàng tăng cao.

Trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, tác động không thuận lợi cho quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam. Xung đột Nga - Ukraina tiếp tục kéo dài đã làm gia tăng khủng hoảng năng lượng, xăng dầu, khí đốt, khủng hoảng nhân đạo và đe dọa an ninh lương thực toàn cầu, gây áp lực đến lạm phát toàn thế giới và nhiều quốc gia. Cho đến giờ phút này, các quốc gia lớn đã thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất điều hành làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế thế giới.

Để đạt mục tiêu kinh tế tăng trưởng 6% đến 6.5%, kiểm soát lạm phát 4% trong năm 2022, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến hai biến số quan trọng là giá xăng dầu và giá lương thực. Trước mắt cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ giá bán hàng hóa, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi té nước theo mưa và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời Chính phủ cần tập trung kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành thực hiện nhanh, hiệu quả gói tài khóa tiền tệ theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Trước mắt, cần ưu tiên triển khai gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp, nền tảng công nghiệp cơ khí, công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành nông nghiệp Việt Nam, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, đây là thế mạnh của Việt Nam và hiện nay các nước trên thế giới đang bị khủng hoảng lương thực.

Cùng với đó triển khai đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tiếp tục cắt giảm các khoản chi chưa cấp thiết, phối hợp hài hòa, đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Theo đó, chính sách tiền tệ phải theo hướng thận trọng, điều hành lãi suất theo lạm phát cơ bản, lạm phát mục tiêu, ưu tiên dòng vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ. Đảm bảo thanh khoản cho thị trường tiền tệ, không để lãi suất tăng cao, cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ, qua gần 5 năm thực hiện, hệ thống ngân hàng đã cơ bản xử lý được nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trong đó có gần 40 % là do khách hàng, khách hàng vay vốn chủ động trả nợ. Điều đó khẳng định Nghị quyết 42 là rất cần thiết và nên tiếp tục gia hạn thêm một thời gian để đảm bảo được an toàn hệ thống ngân hàng./.

Minh Thành