ĐBQH TẠ ĐÌNH THI: TĂNG CƯỜNG TỰ CHỦ CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN NĂNG LƯỢNG NHẰM HẠN CHẾ DẦN XU THẾ PHỤ THUỘC NHẬP KHẨU

28/10/2022

Để thực hiện mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đại biểu Tạ Đình Thi- Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, cần tăng cường tự chủ các nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, nhằm hạn chế dần xu thế phụ thuộc nhập khẩu là giải pháp căn cơ.

ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: CÒN MỘT BỘ PHẬN KHÔNG NHỎ CÔNG CHỨC RẤT CÓ NĂNG LỰC NHƯNG LẠI THIẾU ĐỘNG LỰC

ĐBQH HỒ THỊ KIM NGÂN: CỬ TRI MONG MỎI QUYẾT SÁCH KỊP THỜI ĐỂ “RỪNG ĐƯỢC THỰC SỰ LÀ RỪNG VÀNG, RỪNG PHẢI NUÔI ĐƯỢC RỪNG VÀ GIỮ ĐƯỢC NGƯỜI”

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội dành 02 ngày liên tiếp thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Đóng góp ý kiến và nội dung trên, đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến Kế hoạch năm 2023. Với mục đích tiếp tục đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện và hoàn thiện Kế hoạch, nhất là dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, đại biểu Tạ Đình Thi tham gia góp ý một số ý kiến về vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng.  


 Quốc hội thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Theo đại biểu Tạ Đình Thi, một trong những từ khóa đặc biệt được quan tâm trên thế giới và Việt Nam hiện nay chính là an ninh năng lượng. Tìm thử từ khóa này (Energy Security) trên google, kết quả là được khoảng 1.300.000.000 (trong 0,76 giây). Những câu hỏi đặt ra đối với chúng ta là vậy nội hàm của an ninh năng lượng là gì? Tại sao chúng ta phải quan tâm? Làm thế nào để bảo đảm an ninh năng lượng ở nước ta.

Theo cách hiểu đơn giản, an ninh năng lượng là sự sẵn có liên tục của các nguồn năng lượng với giá cả phải chăng, kể cả trong ngắn hạn và dài hạn. Thiếu an ninh năng lượng, do đó liên quan đến các tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội, do năng lượng không có sẵn hoặc giá cả không cạnh tranh hoặc biến động quá mức.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đánh giá “mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức. Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch. Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi”.


Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội.

Trên thực tế, kể từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành một nước nhập khẩu tịnh năng lượng. Trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, than có tốc độ tăng trưởng tương đối cao khoảng 17,1%/năm. Sản lượng của thủy điện tăng không đáng kể. Mức độ đa dạng hóa nguồn cung ngày càng giảm và có xu hướng phụ thuộc nhiều vào than. Hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam còn thấp. Bên cạnh đó, an ninh năng lượng của nước ta còn gặp phải những thách thức về trữ lượng, nguồn vốn, thị trường và yêu cầu phát triển bền vững theo cam kết thực hiện trung hòa các bon vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26.

Nghị quyết số 55-NQ/TW đề ra quan điểm “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội” và mục tiêu “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.” Để có thể thực hiện quan điểm và mục tiêu nêu trên, theo đại biểu Tạ Đình Thi, cần tăng cường tự chủ các nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, nhằm hạn chế dần xu thế phụ thuộc nhập khẩu là giải pháp căn cơ.

Theo một số chuyên gia, trong vòng 10-15 năm tới, Việt Nam cần chú trọng hơn an ninh năng lượng, trước khi thúc đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng để hướng tới trung hòa các-bon. Sau năm 2035, tùy thuộc vào tiến bộ công nghệ năng lượng sạch, sự hợp tác thực chất với quốc tế về công nghệ-tài chính, Việt Nam sẽ tập trung hơn vào giảm phát thải. 

Về phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ cần sớm phê duyệt Quy hoach điện VIII, ban hành hành lang pháp lý, các quy định cụ thể để huy động được nguồn lực xã hội đầu tư các nguồn điện gió, điện mặt trời, các quy định về dịch vụ phụ trợ hệ thống điện với các loại hình thủy điện tích năng, pin lưu trữ và nguồn điện linh hoạt. Cần chấp nhận giá điện sẽ tăng lên trong giai đoạn trước mắt do giá thành năng lượng tái tạo còn cao, nhưng giá sẽ giảm dần trong trung và dài hạn.

Về dầu và khí, với các nguồn khí đã xác định trữ lượng và đang triển khai đầu tư (như các dự án Lô B, Cá Voi Xanh), cần tìm mọi biện pháp tháo gỡ vướng mắc, ưu tiên phát triển tối đa nhằm tăng nguồn cung khí trong nước cho phát điện và các hộ công nghiệp.

Về than, cần có định hướng dài hạn về chuyển sang sử dụng than sạch, chuyển đổi ngành nghề với lao động ngành than ở giai đoạn giảm quy mô khai thác kiểu truyền thống.

Về nguồn điện sử dụng LNG nhập khẩu, sớm lựa chọn tổ hợp nhà đầu tư; quy định bao tiêu sản lượng điện ở mức phù hợp để đảm bảo nhập khẩu LNG theo hợp đồng trung hạn, giá ổn định.  

Về sử dụng hiệu quả - tiết kiệm năng lượng, cần khuyến khích các ngành nghề sử dụng ít năng lượng và tạo giá trị cao; giảm quy mô các ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng (do giá điện thấp trong cơ cấu giá thành sản phẩm nên có một số ngành xuất khẩu cạnh tranh dựa trên lợi thế thặng dư năng lượng). Cần có các cơ chế hỗ trợ, tạo nguồn tài chính cho hoạt động hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Điện khí hóa giao thông là một biện pháp hữu hiệu để giảm nhu cầu xăng dầu nhập khẩu; đồng thời khi kết hợp tốt với điều độ tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng thêm hiệu quả khai thác điện mặt trời, điện gió.

Về thị trường năng lượng, cần giám sát, thúc đẩy mạnh hơn xây dựng và hoàn thiện thị trường năng lượng, trước mắt là thị trường điện nhằm huy động nguồn lực xã hội đầu tư và ngành điện, đông thời tạo điều kiện sử dụng hiệu quả và tiết kiệm.

Đại biểu Tạ Đình Thi bày tỏ Chính phủ quan tâm những nội dung nêu trên để đánh giá kỹ lưỡng vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng của nước ta. Trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, cần bổ sung nội dung bảo đảm an ninh năng lượng gắn với lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng trung hòa các bon vào năm 2050. Cùng với việc triển khai giám sát chuyên đề “thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023, chúng ta sẽ có bức tranh tổng thể và các giải pháp đồng bộ, căn cơ về phát triển năng lượng, bao gồm vấn đề an ninh năng lượng./.

Bích Lan