ĐBQH NGUYỄN THỊ HUẾ: BỔ SUNG ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ CAO GÂY BẠO LỰC GIA ĐÌNH VÀO QUY ĐỊNH TRONG LUẬT

31/10/2022

Đưa ra ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Huế- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị bổ sung đối tượng những người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình và tiếp tục rà soát các nội dung khác cử dự thảo Luật

SỬA ĐỔI LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LƯC GIA ĐÌNH: CẦN QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM BÁO TIN CỦA CÁC THÀNH VIÊN GIA ĐÌNH

Đề nghị bổ sung đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình quy định trong luật

Tham gia phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Huế bày tỏ sự tán thành cao đối với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng, dự thảo luật trình kỳ họp này đã tiếp thu và chỉnh lý kỹ lưỡng, toàn diện, có một số nội dung quy định mới phù hợp. Tuy nhiên, để dự thảo luật hoàn thiện hơn, đại biểu đưa ra một số ý kiến như sau:

Tại Điều 16 quy định tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. Tại điểm b khoản 1 đề nghị bổ sung cụm từ "kế hoạch an toàn phòng tránh khi bạo lực gia đình xảy ra", theo đó sửa thành "kỹ năng ứng xử trong gia đình, tổ chức đời sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, kế hoạch an toàn phòng tránh khi bạo lực gia đình xảy ra, kỹ năng chăm sóc người bị bạo lực gia đình". Quy định như vậy để nội dung tư vấn được đầy đủ hơn, giúp nạn nhân bạo lực gia đình, người thân nạn nhân bị bạo lực gia đình lường trước và biết cách phòng tránh bạo lực gia đình.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận

Tại khoản 2 Điều 16, đề nghị bổ sung đối tượng những người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình, như: Người nghiện rượu, thất nghiệp, người mắc tệ nạn xã hội, được tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình để đảm bảo nguyên tắc tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo luật lấy phòng ngừa là chính. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao giai đoạn 2008-2018 cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ly hôn là do bạo lực gia đình, mà nguyên nhân là do vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm bạo lực gia đình cũng chỉ ra rằng, tình trạng tội phạm bạo lực gia đình có nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những hệ lụy của các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập làm phát sinh những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình. Do đó, những người nghiện rượu, mắc tệ nạn xã hội là đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình và cần được tư vấn.

Quy định rõ hơn đối với việc áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc

Quan tâm đến Điều 25 cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Đại biểu đề nghị quy định rõ hơn đối với việc áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc lần tiếp theo, vì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc không quá 3 ngày cho mỗi lần, như vậy là chưa đủ tính răn đe đối với những trường hợp có hành vi vi phạm nhiều lần. Đối với hành vi vi phạm lần tiếp theo quyết định thời gian cấm tiếp xúc phải tăng nặng hơn lần 1. Đại biểu đề xuất áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc không quá 5 ngày cho các trường hợp tái phạm, như vậy mới bảo đảm sự an toàn cho người bị bạo lực gia đình và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhiều lần.

Bên cạnh đó, tại Điều 31, giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình. Ở khoản 1 trong dự thảo, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ "kiềm chế cảm xúc tiêu cực", cụ thể như sau: giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình là quá trình giáo dục, cung cấp kiến thức, kỹ năng ứng xử, kiềm chế cảm xúc tiêu cực, kiểm soát hành vi, giải quyết mâu thuẫn, giúp người có hành vi bạo lực gia đình chuyển đổi hành vi.

Đại biểu phân tích, sở dĩ cần quy định như vậy là vì bên cạnh cảm xúc tích cực thì cảm xúc tiêu cực là một phần trong đời sống tâm lý của mỗi người. Cảm xúc tiêu cực thường được hình thành khi phải đối mặt với những sự việc xảy ra không như mong muốn, nếu phải đối mặt với những dạng cảm xúc này trong một thời gian dài cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng, đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các hành vi bạo lực gia đình. Do đó cần đưa vào nội hàm cụm từ này mới đầy đủ nội dung trong quá trình giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi cho người gây bạo lực gia đình.

Đồng thời, tại Điều 34, bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác vụ việc bạo lực gia đình, đề nghị bổ sung quy định cụ thể về đền bù thiệt hại cho người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Vì trong thực tế đã có nhiều trường hợp những người hàng xóm, anh em, bạn bè, người thân trong gia đình khi can ngăn hành vi bạo lực gia đình đã bị thiệt hại về tài sản, bị đe dọa, bị trả thù, thậm chí bị nguy hiểm đến tính mạng. Qua tìm hiểu trên mạng Internet, trong 5 năm gần đây có khoảng trên 30 vụ việc đau lòng như vậy, do đó để đảm bảo tính răn đe và hạn chế các trường hợp đáng tiếc xảy ra thì bổ sung thêm quy định về đền bù thiệt hại cho người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình là cần thiết.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung thêm từ "uy tín" sau từ "nhân phẩm" quy định tại điểm đ, điểm h khoản 1 Điều 3; điểm đ khoản 1 Điều 9 dự thảo luật để đảm bảo đầy đủ, thống nhất, phù hợp với các quy định tại Điều 34 khoản 1, Điều 584, Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015./.

Hồ Hương