ĐBQH LÊ THỊ THANH LAM: CÒN NHIỀU BẤT CẬP TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI MÔ HÌNH HTX

25/05/2023

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) vào chiều 25/5, đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng, thực tế vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập, gây ra nhiều khó khăn trong quản lý nhà nước đối với mô hình HTX, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Vì vậy, đại biểu Lê Thị Thanh Lam thống nhất cao việc sửa đổi Luật Hợp tác xã.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 25/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận chiều 25/5

Luật Hợp tác xã (HTX) 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012. Trải qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật HTX 2012 trở thành một công cụ pháp lý giúp kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, công tác quản lý nhà nước đối với mô hình này cũng đạt được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nhận thấy, trong quá trình triển khai thực hiện, Luật này vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập, gây ra nhiều khó khăn trong quản lý nhà nước đối với mô hình HTX, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Vì vậy, đại biểu Lê Thị Thanh Lam thống nhất cao việc sửa đổi Luật Hợp tác xã.

Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Tổ hợp tác

Góp ý về giải thích từ ngữ tại Điều 4 quy định “Tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân…”, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc có nên quy định lại trong Luật là “Tổ hợp tác là tổ chức có tư cách pháp nhân”. Vì trong Luật đã đưa vào đối tượng áp dụng trong đó có bao gồm: Tổ hợp tác và các thành viên của Tổ hợp tác. Vì vậy, việc cân nhắc quy định lại nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quản lý nhà nước và cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động của Tổ hợp tác.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang 

Về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo chỉ quy định cấm việc “Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, Giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác trong trường hợp không đủ điều kiện; từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, Giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác trong trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Luật này”. Nội dung này không có quy định việc cấm đối với “Liên hiệp hợp tác xã”.

Do vậy, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm nội dung liên quan đến Liên hiệp hợp tác xã là việc “Cấp Giấy chứng nhận đăng ký Giấy chứng nhận đăng ký Liên hiệp hợp tác xã trong trường hợp không đủ điều kiện; từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký Liên hiệp hợp tác xã trong trường hợp đủ điều kiện” cho đầy đủ theo quy định trong đối tượng áp dụng được quy định trong Luật.

Về quyền của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu cụm từ quy định “giải quyết tranh chấp nội bộ”, là phạm vi giải quyết ở mức độ nào. Vì vậy, nên cần bổ sung giải thích từ ngữ cụm từ “giải quyết tranh chấp nội bộ” để quy định chi tiết, cụ thể dễ thực hiện.

Quy định cụ thể hơn về tiêu chí ưu tiên bố trí quỹ đất cho Tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX

Liên quan đến chính sách đất đai quy định “trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chính quyền địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất cho Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã thuê; …” tại Điều 21, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể hơn về tiêu chí ưu tiên, thứ tự ưu tiên được quy định tại Khoản 1 Điều này để dễ áp dụng trong quá trình triển khai thực hiện.

Các đại biểu tại phiên họp chiều 25/5

Liên quan đến Điều 56 về tổ chức quản trị, đại biểu nhận thấy, mô hình tổ chức quản trị đầy đủ được quy định trong Luật có thể áp dụng trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc (Tổng Giám đốc). Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc không nên quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc (Tổng Giám đốc), vì số lượng thành viên hợp tác xã càng lớn thì nguyên tắc quản lý và điều hành cần phải được tách bạch chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng nhằm tránh tình trạng lạm dụng quyền lực trong quản lý và điều hành Hợp tác xã.

Đề nghị bỏ quy định “Liên minh hợp tác xã hoạt động theo quy định của pháp luật về hội”

Về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại Điều 79, đại biểu cho rằng, nên quy định việc trả lại phần vốn góp cho thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên, ra khỏi Hợp tác xã, không nên quy định việc chuyển nhượng phần góp vốn của thành viên Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm hạn chế tình trạng thâu tóm, chi phối của một số cá nhân, tổ chức. Do đó, đề nghị chọn phương án 2.

Liên quan đến tổ chức đại diện của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định tại Điều 110, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho rằng, nếu quy định Liên minh hợp tác xã được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội thì chưa thể hiện được vị trí pháp lý, vai trò của Liên minh hợp tác xã. Liên minh hợp tác xã là tổ chức đại diện các tổ chức kinh tế này, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể và làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với thành phần kinh tế, đây có thể nói là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên được thể hiện rõ trong quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Do đó, đề nghị bỏ quy định “Liên minh hợp tác xã hoạt động theo quy định của pháp luật về hội”.

Để đảm bảo quy định thống nhất trong Luật, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các nội dung quy định về “Tổ hợp tác” tại các Điều, Khoản trong Luật giống như Hợp tác xã và Liên hiệp hợp tác xã. Ví dụ như tại Điều 9, Điều 10, Điều 11,… cần bổ sung quy định “Quyền, nghĩa vụ và người đại diện theo pháp luật của Tổ hợp tác”…/.

Bích Ngọc