ĐBQH TẠ ĐÌNH THI: TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CƠ CHẾ THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN KẾT QUẢ GIÁM SÁT

17/06/2023

Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện kết quả giám sát. Sau khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội ban hành Nghị quyết về giám sát thì cần thiết có thể xem xét có một kế hoạch phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan để theo dõi việc triển khai thực hiện kết quả giám sát và có đánh giá định kỳ.

PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát Quốc hội năm 2024, trong đó bao gồm các nội dung về đánh giá kết quả thực hiện năm 2022, những tháng đầu năm 2023 và dự kiến chương trình năm 2024.

Đại biểu nhận thấy rằng, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến nay, công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đã có nhiều đổi mới, tăng cường coi trọng thực chất, hiệu quả, tránh hình thức lãng phí và giảm tối đa phiền hà, ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của địa phương, cơ sở, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội 

Thực tế, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực như trong Tờ trình đã nêu, đặc biệt đã góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác ban hành và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật. Đồng thời, xử lý nhiều vụ việc cụ thể tồn tại lâu nay và công tác giám sát, nhất là giám sát chuyên đề đã nhận được sự quan tâm, theo dõi, ủng hộ của đông đảo cử tri và Nhân dân.

Để góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát của Quốc hội, đại biểu cho rằng cần tiếp tục phân định rõ và nâng cao tính đồng bộ, sự kế thừa hoạt động giám sát của Quốc hội với hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra của các cơ quan khác trong hệ thống chính trị. Tất nhiên ở đây vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan là khác nhau; phạm vi, tính chất, mức độ, nội dung, quy trình, phương pháp tiến hành có thể là khác nhau và đại biểu thấy rằng nội dung này cũng cần rất được quan tâm và cần phải tăng cường hiệu quả điều phối và phối hợp giữa các cơ quan để đảm bảo tính khách quan, độc lập, đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, vừa nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát của Quốc hội cũng như các cơ quan liên quan.

Về công tác bảo đảm các điều kiện thực hiện giám sát, kinh nghiệm thời gian vừa qua cho thấy điều này rất ảnh hưởng đến chất lượng của đoàn giám sát và đại biểu thấy rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động của tổ giúp việc, tổ công tác, hoạt động của các chuyên gia và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình giám sát.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện kết quả giám sát. Sau khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội ban hành Nghị quyết về giám sát thì cần thiết có thể xem xét có một kế hoạch phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan để theo dõi việc triển khai thực hiện kết quả giám sát và có đánh giá định kỳ.

Cùng với đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát và đặc biệt là tăng cường năng lực và hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp. Trong thời gian vừa qua thì việc này đã có sự chuyển biến rất tốt và tạo ra sức lan tỏa, nâng cao hiệu quả thực chất của hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.

Về Chương trình giám sát năm 2024, đại biểu thống nhất với dự thảo tờ trình và cũng đã thể hiện ý kiến về các nội dung giám sát chuyên đề của năm 2024. Tuy nhiên, đại biểu tham gia ý kiến về vấn đề giám sát liên quan về biển đảo. Việt Nam là quốc gia biển và chúng ta đã có nhận thức khá sớm về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, Trung ương đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề, Quốc hội thì đã ban hành nhiều đạo luật liên quan. Tuy nhiên, khi tổng kết Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 thì Trung ương cũng đã đánh giá khâu yếu nhất là việc tổ chức thực hiện nghị quyết. Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII số 36 ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã ban hành đến nay là 5 năm. Tuy nhiên, qua theo dõi chủ quan, đại biểu cho rằng việc triển khai còn rất hạn chế và cần phải đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

Vấn đề biển đảo thực sự là vấn đề đại sự của quốc gia, là nơi mà còn dư địa phát triển cực lớn nhưng cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức hiện nay cũng như là trong thời gian tới, phát triển bền vững kinh tế biển là một chủ trương lớn của Đảng và rất cần sự quan tâm, vào cuộc của Quốc hội. Vì vậy, đại biểu kiến nghị với Quốc hội, xem xét trước mắt trong năm 2024 có thể giao cho một cơ quan của Quốc hội để tiến hành giám sát chuyên đề về phát triển bền vững kinh tế biển hoặc là giám sát chuyên đề về một số đạo luật liên quan trực tiếp, ví dụ như là Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015 và Bộ Luật Hàng hải năm 2015.

Minh Hùng