ĐBQH LƯU BÁ MẠC: CÂN NHẮC QUY ĐỊNH BẮT BUỘC PHẢI THU NHẬN THÔNG TIN SINH TRẮC HỌC VỀ MỐNG MẮT

25/10/2023

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Căn cước tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, cần cân nhắc quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 25/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ THẢO LUẬT CĂN CƯỚC

Tiếp thu, chỉnh lý các nội dung đảm bảo cụ thể, phù hợp

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đa số ý kiến tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước và cho rằng, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước ta; phù hợp với phương thức quản lý trong thời kỳ cách mạng 4.0, xây dựng Chính phủ số, xã hội số. Việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như dự thảo Luật là phù hợp, sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân.

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể, bảo đảm không trùng lặp giữa các trường thông tin, thống nhất giữa các loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay của công dân, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước; việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Các đại biểu Quốc hội tại Phiên thảo luận về dự thảo Luật Căn cước

Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chuyển nội dung đoạn 2 khoản 3 Điều 22 sang Điều 33, theo đó chỉ quy định khi phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin trên thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử; không yêu cầu phải so sánh, đối chiếu thông tin trong mọi trường hợp.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý lại khoản 12 Điều 3 về “danh tính điện tử của công dân Việt Nam”, lược bỏ Điều 32 dự thảo Luật và chỉnh lý khoản 2 Điều 31 dự thảo Luật để thể hiện rõ hơn mối quan hệ giữa “danh tính điện tử” và “căn cước điện tử”; chỉnh lý khái niệm về căn cước điện tử tại khoản 16 Điều 3; bổ sung 03 khoản tại Điều 31 quy định cụ thể hơn về thông tin trong căn cước điện tử, thẩm quyền cấp căn cước điện tử và giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử; chỉnh lý tên Điều 33 thành “Giá trị sử dụng của căn cước điện tử”, bỏ khoản 2 Điều 33, chuyển nội dung này về Điều 34 và thiết kế thành khoản 5 giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục khóa, mở khóa căn cước điện tử như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Cân nhắc quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Căn cước tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ tán thành với Phiên bản mới nhất của Dự thảo Luật Căn cước, được cập nhật ngày 24/10 cũng như Báo cáo 666/BC-UBTVQH15 cùng ngày của UBTVQH về Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.  Qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng, Báo cáo tiếp thu giải trình nêu trên và Bản so sánh đã được trình bày một cách khoa học, rõ ràng và dễ theo dõi. Đồng thời, Dự thảo Luật phiên bản này đã có sự hoàn thiện hơn rất nhiều so với phiên bản trước.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt, như tại điểm b khoản 3 Điều 23 Dự thảo Luật. Đồng thời, có thể cân nhắc, bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt này, vào điểm d khoản 1 Điều 16, tương tự như đối với ADN và giọng nói.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn 

Theo đó chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, theo hướng là khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, như đối với ADN và giọng nói của người dân; và chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

Phân tích cụ thể về các lý do, đại biểu Lưu Bá Mạc cho biết, thực tế hiện nay, ở nhiều nơi, nhiều địa phương, trang thiết bị chuyên dụng để thực hiện việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là chưa đảm bảo, và chưa khả thi trong thực tiễn. Hơn nữa, cũng chưa thực sự cấp thiết phải thu thập một cách bắt buộc để cấp Thẻ căn cước.

Hiện nay, theo số liệu công bố của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã có hơn 80 triệu thẻ Căn cước đã được cấp. Theo đại biểu, phần lớn 80 triệu thẻ này sẽ chưa bao gồm thông tin sinh trắc học về mống mắt của người dân. Và nếu phải cập nhật, bổ sung bắt buộc thêm, thì không thực sự cần thiết.

Hơn nữa, tại Trang 15 Báo cáo số 1931/BC-BCA của Bộ Công an tại Kỳ họp thứ 5, về việc đánh giá tác động chính sách, thì có đề cập đến việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với một số người có tiền án, tiền sự phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật (quy định này tương đồng với quy định của nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Hàn Quốc…). Vì vậy, đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng, việc thu thập thông tin sinh trắc học về Mống mắt có thể quy định tương tự như đối với việc thu thập thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói là đảm báo tính khả thi và phù hợp với điều kiện triển khai trong thực tiễn./.

Thu Phương

Các bài viết khác