GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ƯU TIÊN GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG CHO NHỮNG DỰ ÁN CÓ TÁC ĐỘNG THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG

02/11/2023

Cho ý kiến trước phiên thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện đầu tư công năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024, một số đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt hơn, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án, kiên quyết loại bỏ những dự án không cần thiết, dàn trải, kém hiệu quả. Đồng thời, ưu tiên giải ngân những dự án có tác động thúc đẩy tăng trưởng, với phương châm đầu tư công dẫn dắt đầu tư.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 02/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN ĐÁNH GIÁ GIỮA NHIỆM KỲ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2021-2025…

Ước giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/9/2023 đạt 51,38% kế hoạch.

Báo cáo của Chính phủ về về tình hình thực hiện đầu tư công năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024 nêu rõ, năm 2023, bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội chịu nhiều tác động từ các yếu tố trong nước và ngoài nước, là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội. Kế hoạch đầu tư công năm 2023 được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp, khó lường. Kinh tế toàn cầu phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong nước, tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tuy nhiên, nhiệm vụ phát triển KTXH ngày càng khó khăn, nền kinh tế nước ta chịu “tác động kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm.

Toàn cảnh phiên thảo luận về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.

Trong bối cảnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2023, bao gồm cả triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần khơi thông điểm nghẽn, đưa dòng vốn đầu tư công vào nền kinh tế, thu hút đầu tư toàn xã hội. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng đầu năm 2023 tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Ước cả năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,8% so với năm 2022.

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, ước giải ngân đến ngày 30/9/2023 đạt 51,38% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, số vốn giải ngân của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đạt 38,4% kế hoạch Thủ tướng giao. Như vậy có thể thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2023 có cải thiện so với các năm trước.

Chia sẻ trước phiên thảo luận về kết quả thực hiện đầu tư công, một số đại biểu đánh giá, trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức mới, Chính phủ đã có nhiều giải pháp trong triển khai thực hiện, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội tăng là kết quả tích cực.

Tuy vậy, kết quả cụ thể cũng cho thấy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, khả năng giải ngân hết năm 2023 là khó khả thi. Bên cạnh 8 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân 9 tháng đạt cao trên 55% kế hoạch Thủ tướng giao, vẫn còn có 42 Bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước (51,38% kế hoạch Thủ tướng giao). Do vậy, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt thúc đẩy tiến độ giải ngân để đạt được kế hoạch đề ra.

Chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công: Làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắc Lắk cho rằng, đến hết tháng 9/2023 tỷ lệ giải ngân đạt 51,38% kế hoạch, tuy cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 4,68% nhưng đây cũng là bài toán mà chúng ta cũng cần phải quan tâm. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong chỉ đạo điều hành vấn đề giải ngân và giải ngân vốn đầu tư công nhưng thực tế cũng chưa được đạt được như kỳ vọng. Chính phủ cũng đã chỉ ra rất nhiều các nguyên nhân, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan nhưng theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân một trong những nguyên nhân quan trọng là các doanh nghiệp, các nhà thầu lĩnh vực lĩnh vực xây dựng về khả năng hấp thụ vốn đang yếu.

Qua hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, đại biểu Hoàng Văn Nghiệm – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cũng nêu một số vấn đề liên quan đến những khó khăn, bất cập liên quan đến việc chậm giải ngân các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đại biểu cho rằng, nếu như việc phân bổ nguồn vốn đầu tư công phân bổ kịp thời và sớm từ Trung ương thì đến cấp địa phương tiếp tục phân bổ và triển khai đúng thời hạn, cũng sẽ tạo điều kiện và tiền đề cho việc đẩy nhanh, triển khai sớm thực hiện các dự án. Ngược lại, các dự án phân bổ chậm ở Trung ương, Chính phủ phân bổ chậm, địa phương tiếp tục phân bổ chậm và sẽ kéo dài việc triển khai thực hiện dự án. Hiện nay vẫn còn hơn 2.000 tỷ đồng chưa phân bổ được, Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có giải pháp khắc phục trong những năm tới.

Lo ngại tình trạng năm nào giải ngân đầu tư công cũng chậm tiến độ, trong đó có tới 17 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân dưới 10%, đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho rằng, ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ cũng rất quyết liệt trong đưa ra các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ luôn có những các cuộc họp với các địa phương trực tuyến hàng tháng, hàng quý cũng như thành lập tổ công tác đến các địa phương, bộ, ngành để nắm và cùng tháo gỡ. Tuy nhiên, vấn đề này chúng tôi thấy vẫn cứ lặp đi lặp lại năm này sang năm khác, nhưng nguyên nhân trong báo cáo Chính phủ nêu vẫn chưa rõ, chưa cụ thể.

Theo đại biểu, nếu nguyên nhân do các văn bản pháp luật, các nghị định, thông tư, Chính phủ cần đề xuất tháo gỡ điểm nghẽn liên quan đến việc vướng mắc văn bản quy định của pháp luật, pháp luật, nghị định, thông tư, nhưng trong báo cáo chỉ nêu chung chung là vướng mắc liên quan đến chính sách, pháp luật. Vì vậy, Chính phủ cũng cần đánh giá thêm, làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, làm rõ trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu, để đẩy nhanh giải ngân tiến độ giải ngân đầu tư công hai tháng cuối năm, tạo tiền đề phát triển cho năm 2023, trong đó lưu ý đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cho ba Chương trình mục tiêu quốc gia.

Lấy đầu tư công làm động lực thúc đẩy sự phát triển và gỡ khó cho nền kinh tế.

Đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Lê Hoàng Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, trong năm 2024 cũng như nửa nhiệm kỳ còn lại phải lấy đầu tư công làm động lực thúc đẩy  sự phát triển và gỡ khó cho nền kinh tế. Năm 2023, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn năm 2022 kể cả về tỷ lệ lẫn số tuyệt đối cho thấy những giải pháp, chính sách của Chính phủ đề ra cũng có tác dụng, tuy nhiên không nhiều.

Đại biểu Lê Hoàng Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, công tác chuẩn bị và tính toán kế hoạch chưa tốt, kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tục phải điều chỉnh. Chính phủ đã rất quyết liệt, trong đó thành lập 5 tổ công tác đến các địa phương đôn đốc nhưng kết quả cũng còn khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân quan trọng mà Chính phủ cần tháo gỡ đó là công tác chuẩn bị các dự án cho đầu tư công là chưa tốt. Để gỡ được vướng mắc này cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho hằng năm và chuẩn bị cho trung hạn của giai đoạn 2026-2030.

Theo Luật Đầu tư công, trước ngày 30/6 của năm thứ tư của kỳ trung hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bắt đầu trình Thủ tướng mục tiêu, kế hoạch, nguyên tắc để xây dựng và sau đó mới chỉ đạo các địa phương, các bộ, ngành chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư trung hạn của giai đoạn sau. Đại biểu cho rằng, quy định là vậy nhưng ngay từ năm thứ hai, năm thứ ba của kế hoạch trung hạn cũng cần chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn sau, khi đó các bộ, ngành, địa phương có thời gian chuẩn bị cho các dự án, giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La 

Từ nay đến hết năm 2023, Chính phủ phải giải ngân 49% số vốn là rất khó khả thi, vì vậy đại biểu Hoàng Thị Đôi – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La kiến nghị Quốc hội rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và các luật khác liên quan đến vấn đề đầu tư công, nhận định những khó khăn, vướng mắc, những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư công, từ đó sửa đổi, bổ sung luật; hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến triển khai thực hiện đầu tư công.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, rõ ràng hơn, quyết liệt hơn để chúng ta thực hiện được mục tiêu giải ngân đầu tư công trong ba tháng với tỷ lệ 49% còn lại, có như vậy mới có thể giúp tăng trưởng kinh tế được cải thiện. Trong quá trình giải ngân phải ưu tiên những dự án mới, những dự án có tác động thúc đẩy tăng trưởng, với phương châm đầu tư công dẫn dắt đầu tư, chứ không phải là đầu tư công để tạo thành rào cản đối với đầu tư.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lê Thị Song An – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị có giải pháp triệt để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án, kiên quyết loại bỏ những dự án không cần thiết, dàn trải, kém hiệu quả; đồng thời tập trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng của quốc gia, như sân bay hay bến cảng, hệ thống đường cao tốc có tính liên kết vùng và hạ tầng đô thị hay hạ tầng chuyển đổi số.

Đặc biệt, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát để khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một số bộ phận cán bộ, công chức. Xử lý nghiêm các vi phạm, nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư cho phát triển, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác