ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: CẦN CƠ CHẾ KHAI THÁC TỐI ĐA TIỀM NĂNG NỘI TẠI VÀ TẠO SỨC HÚT ĐẦU TƯ MẠNH MẼ HƠN TỪ TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC

27/11/2023

Góp ý dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đặt ra yêu cầu phát triển cao hơn, phải có cơ chế khai thác các tiềm năng lợi thế nội tại và tạo ra sức hút mạnh mẽ hơn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là việc đổi mới hình thức xây dựng chuyển giao BT đối với dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của Hà Nội.

GÓC NHÌN: GÓP Ý HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THU HÚT NHÂN TÀI, CHẾ ĐỘ THU NHẬP CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TẠI DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ NÊN GIAO QUYỀN CHO THÀNH PHỐ HÀ NỘI CHỦ ĐỘNG QUYẾT ĐỊNH BIÊN CHẾ CÁN BỘ

Hà Nội là thủ đô của cả nước, là hình ảnh đại diện vị thế quốc gia, là hình mẫu dẫn dắt và lan tỏa phát triển đất nước. Do vậy, đại biểu cho rằng Thủ đô Hà Nội phát triển ở trình độ cao hơn, với tốc độ phát triển nhanh hơn, đi trước cả nước về mục tiêu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là thủ đô của nước phát triển có thu nhập cao. Vì vậy, Luật Thủ đô phải đặt ra yêu cầu phát triển cao hơn, phải có cơ chế khai thác các tiềm năng lợi thế nội tại và tạo ra sức hút mạnh mẽ hơn từ bên ngoài. Phải quy định được vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền và Nhân dân thủ đô cao hơn so với các địa phương khác của cả nước. Ba yêu cầu trên phải được xác lập một cách đồng bộ, tổng thể, mang tính bao trùm để tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội cho Thủ đô phát triển. Đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chia sẻ quan điểm cụ thể.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Phóng viên: Thưa đại biểu, việc tạo cơ chế cho Hà Nội cao hơn so với các địa phương khác của cả nước là cần thiết. Tuy nhiên đóng góp cụ thể vào cơ chế này, đại biểu có quan điểm như thế nào?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Theo quan điểm của tôi thì Luật Thủ đô phải đặt ra yêu cầu phát triển cao hơn, phải có cơ chế khai thác các tiềm năng lợi thế nội tại và tạo ra sức hút mạnh mẽ hơn từ bên ngoài.

Tôi đơn cử, thứ nhất, về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ thủ đô. Phải quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch phát triển thủ đô, phải hướng đến các tiêu chí "Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại", phải yêu cầu cao hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của cả nước; các công trình kiến trúc, xây dựng thủ đô phải mang ý nghĩa về giá trị văn hóa, lịch sử, phải tạo những không gian để quy tụ những đặc trưng của cả các vùng miền, 63 tỉnh, thành ở cả nước hiện diện tại thủ đô; phải quy định việc quản lý, phát triển toàn diện, toàn bộ không gian lãnh thổ thủ đô theo tiêu chuẩn quản lý của đô thị đặc biệt gồm khu đô thị trung tâm và các vùng nông thôn, các vùng đô thị bên ngoài theo mô hình là thành phố thuộc thủ đô. Với mô hình thành phố thuộc thủ đô thì toàn bộ những không gian này, kể cả những vùng nông nghiệp phát triển, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp trải nghiệm cũng cần phải được cho phép xây dựng các công trình dịch vụ du lịch, không gian phát triển công nghiệp làng nghề cần phải được xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ, các khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm để phát triển các hoạt động du lịch. Quy định về các đầu tư cho khu vực phát triển ở nông thôn thuộc các khu vực thành phố thuộc thủ đô phải được coi như là đầu tư như khu vực đô thị.

Trên cơ sở những yêu cầu mang tính bao quát như trên thì ngay trong Luật Thủ đô nên giao cho Hội đồng nhân dân thành phố ban hành các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể phù hợp với thủ đô trên nguyên tắc là cao hơn tiêu chuẩn quy chuẩn chung của quốc gia, giao cho Ủy ban nhân dân thành phố vận dụng các quy chuẩn đó để vào quyết định các hoạt động quản lý, đầu tư phát triển cụ thể. Khi luật đã trao quyền cho thành phố tự quy định như trên thì việc điều chỉnh cục bộ các quy hoạch sẽ được sẽ thuộc về thẩm quyền, trách nhiệm của thành phố mà không sợ rằng bị lạm quyền hay làm phá vỡ quy hoạch. Tất nhiên, luật cũng không nên quy định quá chi tiết khu nội đô lịch sử thuộc quận nào hoặc sông Hồng là trục xanh ra làm sao, việc đó sẽ vướng trong quá trình thực hiện.

Với quy định phân quyền và trao quyền như trên, ta thấy nhiệm vụ và khối lượng công việc mà chính quyền thành phố phải thực hiện sẽ nhiều hơn, trách nhiệm giám sát phải cao hơn. Do vậy, cần phải có một mô hình chính quyền đô thị phù hợp hơn với việc trao quyền này, như đề xuất của dự thảo luật là cần phải có cả Hội đồng nhân dân của cấp Quận. Người đứng đầu các cấp chính quyền đô thị phải có vai trò và có quyền tự quyết định nhiều hơn, tự chịu trách nhiệm cao hơn, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân phải nhiều hơn, phải tăng tỷ lệ chuyên trách để tăng tính chuyên nghiệp và yêu cầu về tiêu chuẩn, trình độ phải cao hơn cũng như các chế độ hưởng thụ cũng phải được thỏa đáng hơn.

Thứ hai, về quy định nguồn lực cho phát triển thủ đô. Để thực hiện mục tiêu phát triển thủ đô nhanh hơn, hiện đại hơn, đi trước làm hình mẫu cho phát triển cả nước thì phải tập trung được nguồn lực đủ lớn. Tôi đồng tình với những cơ chế chính sách mà trong dự thảo luật đề ra.

Tôi xin nhấn mạnh một số điểm sau đây: một là, huy động tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thể thao và khai thác các di sản vào phát triển du lịch; trong đó di sản thuộc về sở hữu độc quyền của nhà nước, nhưng tư nhân thì được quyền đầu tư, tôn tạo và khai thác với những việc ứng dụng công nghệ mới. Với cơ chế đó sẽ giúp cho làm sống lại các di sản văn hóa, các di tích lịch sử được tôn tạo và các giá trị văn hóa lịch sử sẽ được khơi dậy, lan tỏa và văn hóa du lịch sẽ trở thành một ngành mũi nhọn của Thủ đô. Hai là, phát triển mô hình đô thị TOD không chỉ với những đô thị mới mà cả với những khu vực tái thiết đô thị, cải tạo tạo chung cư cũ, nhà ở cũ, xây dựng tự phát trong khu vực nội đô; khai thác không gian ngầm cho phát triển thương mại, dịch vụ; không gian trên cao cho phát triển nhà ở và tái định cư người dân tại chỗ; không gian mặt đất dành cho cây xanh và các công trình hoạt động công cộng. Do vậy, thành phố không nên dành tiền để xây dựng những con đường đắt nhất hành tinh mà nên dành ngân sách đó để đầu tư cho những dự án TOD trong khu vực nội đô.

Phóng viên: Thưa đại biểu, một trong cơ chế đặc thù được đề xuất trong Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này là đổi mới hình thức xây dựng chuyển giao BT. Đại biểu có đồng tình với các phương thức đề xuất lần này?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Tôi rất đồng tình với đề xuất có hình thức xây dựng chuyển giao BT nhưng không theo cơ chế trước đây là đổi đất lấy cơ sở hạ tầng mà thực hiện theo  phương thức sau: Phương thức thứ nhất là BT thanh toán bằng tiền vốn đầu tư công, thực chất là việc nhà nước dùng ngân sách để mua công trình hoặc sản phẩm quan trọng theo đơn đặt hàng của nhà nước. Trên thế giới, rất nhiều tập đoàn lớn đã ra đời nhờ hình thức đặt hàng của Chính phủ. Ví dụ như Hyundai của Hàn Quốc chính là nhờ đặt hàng của Chính phủ Park Chung Hee.

Tôi rất tâm đắc với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vay 30 tỷ USD để làm đường sắt đô thị. Với cơ chế này, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ có một ngành công nghiệp đường sắt trong nước mà không phải đi thuê, mua từng dự án đường sắt của nước ngoài như hiện nay hoặc các dự án cầu vượt qua sông Hồng sẽ nhanh chóng được hoàn thành chứ không bị chậm trễ như các dự án đầu tư công. Hình thức BT được thanh toán bằng đất và hoặc bằng tài sản sẽ được thực hiện theo cơ chế đấu giá theo thị trường trao đổi ngang giá và đây sẽ là một cơ chế giống như trong Luật Đất đai hiện nay đang đề xuất.

Điểm cuối cùng, tôi đồng tình với việc cần phải để lại toàn bộ phần tiền thu từ đất cho thành phố. Thực chất, đây là thành phố đã thay mặt cho Trung ương sử dụng ngân sách này để hỗ trợ cho việc di chuyển các trường đại học, các bệnh viện ra ngoài trung tâm mà không cần phải chờ ngân sách của Trung ương đầu tư, hỗ trợ.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.

Hải Yến

Các bài viết khác