PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhấn mạnh, các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... Tại Hội thảo Văn hóa 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh giải pháp cần làm ngay là đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Ngay tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa qua, Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đã yêu cầu Chính phủ quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa; đặc biệt là ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của Việt Nam.
Sáng 22/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
Sáng 22/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được tổ theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các điểm cầu tại trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sự kiện thể hiện vai trò, tầm quan trọng trong định hướng, mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Cổng TTĐT Quốc hội đã có bài trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ngay sau Hội nghị để làm rõ bức tranh ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện nay sau 7 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Việt Nam có lợi thế rất mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa
Phóng viên: Với nhiều quốc gia trên thế giới, công nghiệp văn hóa đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế và có những đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của đất nước, là ngành hái ra tiền, thu lại nhiều ngoại tệ khi xuất khẩu sang các quốc gia khác. Tiêu biểu như sự ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản hay Mỹ đến Việt Nam. Ban nhạc BTS, BlackPink (Hàn Quốc) hay thậm chí đơn giản chỉ một ca sĩ như Taylor Swift (Mỹ) đã tạo ra tầm ảnh hưởng vượt qua cả một ngành kinh tế. Ông có suy nghĩ thế nào về điều này và tiềm năng của Việt Nam?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Từ những ví dụ trên, chúng ta có thể thấy rằng đây là một xu thế lớn trên thế giới. Thực ra, không phải chờ đến ngày hôm nay đâu, ngay từ khi chúng ta xây dựng Chiến lược này cách đây 10 năm, chúng ta đã biết tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp văn hóa luôn gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP ở tất cả các quốc gia được khảo sát. Không những thế, lợi ích mà các ngành công nghiệp văn hóa còn vượt quá cả những lợi ích vật chất. Đó là những giá trị tinh thần, đưa những thông điệp quan trọng, hình ảnh hay, câu chuyện truyền cảm hứng của một quốc gia ra thế giới, tạo ra sự phát triển bền vững, hình thành nên sức mạnh mềm vô cùng quan trọng cho đất nước. Và đó cũng là kỳ vọng của chúng ta đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Tôi nghĩ, điểm đặc biệt của công nghiệp văn hóa ở Việt Nam chính là lợi thế so sánh từ tài nguyên văn hóa. Đây là điểm mạnh lớn nhất của Việt Nam khi chúng ta có một kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú, của 54 dân tộc anh em, trải qua hàng ngàn năm lịch sử chung sống cùng nhau, tạo ra những nét văn hóa thống nhất trong đa dạng.
Việt Nam có lợi thế rất mạnh về tài nguyên văn hóa
Chúng ta cứ xem những di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể của chúng ta đã được UNESCO ghi danh là có thể biết thế giới đánh giá cao kho tàng văn hóa của chúng ta như thế nào. Chưa kể, bản thân chúng ta cũng cảm nhận được, sự đa dạng, phong phú của văn hóa ở các vùng miền, qua các lễ hội, dân ca, dân vũ, nghề truyền thống, cảnh quan văn hóa, rồi ẩm thực... Tất cả trở thành những chất liệu tuyệt vời cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Thứ hai, ở một mức độ nhất định, chúng ta cũng có thể khẳng định, người Việt Nam là một dân tộc thông minh, yêu thích khám phá, sáng tạo; chúng ta có một đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng. Trong lĩnh vực nào, chúng ta cũng có thể điểm tên người Việt Nam tài năng, được thế giới ghi nhận dù đó là toán học hay âm nhạc, điện ảnh. Nếu chúng ta có một môi trường thuận lợi để các tài năng Việt Nam tỏa sáng, tôi tin vào tương lai tươi sáng của các ngành công nghiệp văn hóa của nước ta.
Đẩy lùi nhập siêu văn hóa, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế sau 7 năm thực hiện Chiến lược
Phóng viên: Sau 7 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ông có đánh giá như thế nào về những kết quả mà ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chúng ta đã đạt được?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Qua số liệu ước tính giá trị tăng thêm (giá hiện hành), các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; đến năm 2019 ước đạt 6,02%. Năm 2020 và 2021, khoảng 4,32% và 3,92%. Đến năm 2022 ước đạt 4,04%. Chỉ riêng trong năm 2019, doanh thu điện ảnh chiếu rạp đạt trên 4,1 nghìn tỉ đồng. Trong đó, phim điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 29% doanh thu với khoảng 1,15 nghìn tỉ đồng. Đây là năm doanh thu điện ảnh vượt mức 16% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược.
Về du lịch văn hóa, năm 2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỉ đồng; tăng 2,75 lần so với cùng kỳ. Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí giai đoạn 2018-2022 có sự tăng trưởng. Giá trị sản xuất tăng bình quân 5,59%; giá trị gia tăng của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tăng bình quân 5,67%. Cả nước hiện có 130 nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Với lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, giá trị sản xuất bình quân tăng 6,50%, giá trị gia tăng bình quân tăng 6,43%. Các chỉ số tăng đều qua các năm và ít chịu sự tác động của yếu tố ngoại cảnh. Cũng trong năm 2022, doanh thu quảng cáo đạt khoảng 2,192 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của thị trường quảng cáo Việt Nam năm 2022 đạt 12,7%, đứng thứ 5/11 quốc gia ASEAN, xếp thứ 2/11 quốc gia về tốc độ tăng trưởng…
Sau 7 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp đáng kể vào nền kinh tế quốc dân, đẩy lùi tình trạng nhập siêu văn hóa
Những con số trên đã cho thấy những đóng góp rất đang nể của các ngành công nghiệp văn hóa vào nền kinh tế quốc dân. Điều này cũng chứng minh được rằng, quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là hoàn toàn đúng đắn.
Chúng ta có một thị trường rất lớn, hơn 100 triệu dân, với tầng lớp trung lưu – nhóm đối tượng hướng tới của các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa – tăng trưởng thuộc vào nhóm nhanh nhất trên thế giới (hiện chiếm khoảng 13% dân số và sẽ tăng lên đến 26% vào năm 2026). Trong khi đó, trong một khoảng thời gian rất dài, chúng ta để bỏ ngỏ thị trường văn hóa đất nước dẫn đến nguy cơ, mà cũng không phải là nguy cơ nữa mà là một sự thật, đó là nhập siêu văn hóa, và điều này lại rất nguy hại vì nó dẫn đến nguy cơ bị xâm lăng văn hóa. Mà như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Như thế, nguy cơ xâm lăng văn hóa rất dễ dẫn đến việc làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững đất nước.
Tôi tin, một khi văn hóa thịnh thì đất nước thịnh; văn hóa nguy vong thì đất nước nguy vong. Như thế, chúng ta rất cần có những sản phẩm văn hóa để chấn hưng văn hóa dân tộc. Chúng ta rất cần có những sản phẩm văn hóa của người Việt Nam, vì người Việt Nam, cho người Việt Nam, và hướng tới lan tỏa giá trị Việt Nam ra toàn cầu nữa. Những gì chúng ta đã làm được trong thời gian 7 năm vừa qua cho chúng ta hy vọng, với những bước đi đầu tiên như vậy, chúng ta sẽ thành công hơn nữa trong thời gian sắp tới.
Cần tiếp tục hóa giải những điểm nghẽn cản bước, khơi thông nguồn lực phát triển
Phóng viên: Là chuyên gia tâm huyết từ lâu đối với vấn đề này, theo ông, đâu là những điểm nghẽn, rào cản nào khiến các ngành công nghiệp văn hóa chưa thể phát triển bứt tốc như kỳ vọng?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Đúng là so với kỳ vọng của chúng ta, dù đã có một số thành quả ban đầu, nhưng chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận còn có rất nhiều điểm nghẽn, rào cản đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đầu tiên vẫn là nhận thức chưa hoàn toàn đúng đắn, đầy đủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Ở nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều người vẫn coi công nghiệp văn hóa là một lĩnh vực thuần túy kinh tế, ít chứa đựng giá trị văn hóa, chạy theo đồng tiền, nên coi nhẹ các sản phẩm văn hóa, không định hướng, thậm chí buông lỏng quản lý; ngược lại, có nơi, có lúc, có người lại dị ứng với phát triển công nghiệp văn hóa, coi văn hóa là lĩnh vực đặc biệt, cần lánh xa sự chi phối của kinh tế thị trường. Cả hai điều này cần phải được nhận thức lại, thống nhất rõ ràng hơn. Tôi cho rằng, sản phẩm văn hóa là sản phẩm hàng hóa nhưng có logic đặc biệt, vì thế, nó vừa phải theo đúng quy luật của thị trường như quy luật cung – cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, nhưng vừa phải được điều tiết theo những giá trị đạo đức, nhân văn của văn hóa.
Thứ hai, thể chế, chính sách, luật pháp của chúng ta chưa hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Dù chúng ta đã có chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhưng về luật pháp, chúng ta mới chỉ có Luật điện ảnh (sửa đổi) năm 2022 là đi theo hướng phát triển của công nghiệp văn hóa. Hệ thống các chính sách và luật pháp liên quan đến công nghiệp văn hóa còn thiếu nhiều, không chỉ là các luật liên quan đến cả 12 ngành công nghiệp văn hóa, mà còn ở cả các luật có liên quan gián tiếp nhưng có ảnh hưởng rất quan trọng đến phát triển công nghiệp văn hóa như đất đai, thuế, phí, hợp tác công tư, quản lý sử dụng tài sản công, tài trợ và hiến tặng trong lĩnh vực văn hóa...
Thứ ba là nguồn lực, dù đã có nhiều nỗ lực rất nhiều trong thời gian vừa qua, nhưng rõ ràng so với nhu cầu của thị trường và so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguồn lực tài chính (của cả nhà nước và khu vực tư nhân, xã hội) hỗ trợ cho văn hóa chưa tương xứng với nhu cầu phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng; Cơ sở vật chất, chúng ta cũng thiếu các bảo tàng, nhà hát, sân vận động v.v để tổ chức các sự kiện quy mô quốc tế để xây dựng thương hiệu cho các sự kiện văn hóa, nghệ thuật ở VIệt Nam; chưa kể nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa còn thiếu đào tạo bài bản, thiếu các kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu. Chúng ta cũng còn thiếu các thương hiệu quốc tế cho nghệ sĩ, sản phẩm, sự kiện văn hóa nghệ thuật. Đó là những rào cản rất lớn để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Phóng viên: Vậy chúng ta cần có những giải pháp đột phá nào để khơi thông nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tiếp theo?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi nghĩ, bắt đầu vẫn phải là từ nhận thức đầy đủ, đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa trong sự phát triển bền vững đất nước. Sau đó, chúng ta cần tạo môi trường thông thoáng cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Điều này nên xuất phát từ việc tạo ra hành lang pháp lý phù hợp qua việc ban hành, sửa đổi các luật theo hướng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Cả những luật trực tiếp liên quan đến 12 ngành công nghiệp văn hóa, lẫn các luật gián tiếp như đất đai, thuế, phí, đối tác công tư, quản lý, sử dụng tài sản công hay luật hiến tặng và bảo trợ cho văn hóa…
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần quan tâm nhiều hơn đến nguồn lực cho văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực. Đây là yếu tố then chốt nhất. Ngoài ra, chúng ta cũng cần xây dựng một số thương hiệu cho các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, từ đó tạo đòn bẩy cho quá trình hợp tác quốc tế, tạo môi trường kích thích sáng tạo, đam mê đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong toàn xã hội.
Cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa trong sự phát triển bền vững đất nước
Cùng với đó là phát triển nguồn nhân lực để phát triển công nghiệp văn hóa. Suy cho cùng, mọi vấn đề đều xuất phát từ con người. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện đổi mới giáo dục, ở đó, chúng ta lấy học sinh làm trung tâm, hướng cách hoạt động giáo dục vào việc nâng cao năng lực và phẩm chất của người học. Điều này hoàn toàn tương thích và phù hợp với việc xây dựng con người sáng tạo – chủ nhân của công nghiệp văn hóa.
Tuy nhiên, từ quan điểm, chủ trương tới hiện thực là một con đường còn rất nhiều chông gai. Chúng ta cần tập trung vào giáo dục sáng tạo trong nhà trường qua các môn học STEM và cả nghệ thuật. Chúng ta cần phát triển thị trường nghệ thuật, có những chính sách đãi ngộ tốt, để từ đó người nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề của mình, toàn tâm toàn ý cho sáng tạo, và từ đó thu hút được người tài đến với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; chúng ta cũng cần trang bị những kỹ năng kinh doanh cho các nghệ sĩ, những người làm sáng tạo để họ hiểu được ngôn ngữ của thị trường, biết cách xây dựng và giữ gìn thương hiệu…
Phóng viên: Sáng nay 22/12, Chính phủ đã lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Ông có đánh giá như thế nào về ý nghĩa và kỳ vọng đối với Hội nghị này?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Hội nghị Văn hóa toàn Quốc 2021 của Đảng, Hội thảo Văn hóa 2022 của Quốc hội đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của Đảng, Quốc hội vào văn hóa đất nước nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng.
Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam của Chính phủ là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Ngay từ khi xây dựng chiến lược năm 2016, chúng ta đã đặt ra rất nhiều tham vọng đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Chính vì thế, hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam, đặc biệt do Thủ tướng chủ trì, với tinh thần như Thủ tướng luôn nhấn mạnh: Quyết tâm lớn, nỗ lực cao, hành động quyết liệt.
Hội nghị lần này là cơ hội tuyệt vời để chúng ta đánh giá lại những thành công/thất bại để từ đó hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, cũng là cho cả sự phát triển bền vững đất nước. Sự chung tay, trên dưới đồng lòng của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương chắc chắn sẽ giúp công nghiệp văn hóa trở thành lĩnh vực đột phá mới, thực hiện khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Các đại biểu tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
Tôi kỳ vọng Hội nghị sẽ thực sự tạo ra chuyển biến hơn nữa về nhận thức đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, trên cơ sở đó, chúng ta sẽ hình thành nên các chính sách, pháp luật hết sức cụ thể tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển các ngành công nghiệp này, đồng thời huy động được sự quan tâm của toàn xã hội đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, từ đó, tạo điều kiện để các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững đất nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!