ĐBQH LƯƠNG VĂN HÙNG: CẦN CÓ CƠ CHẾ ĐỂ NÂNG CAO TÍNH MINH BẠCH TRONG QUẢN TRỊ TỔ CHỨC TÍN DỤNG

15/01/2024

Góp ý vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Ban soạn thảo cần quy định thêm hoạt động của Ngân hàng Chính sách không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng phải đảm bảo an toàn vốn, đồng thời cần có cơ chế để nâng cao tính minh bạch trong quản trị tổ chức tín dụng, bao gồm phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 15/01: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5

Phát biểu tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cơ bản thống nhất cao với dự thảo Luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu góp ý vào một số nội dung sau:

Cần bổ sung quy định sử dụng thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng

Tại Điều 5 dự thảo Luật quy định “Tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ “tổ chức tín dụng”, “ngân hàng”, “công ty tài chính”, “công ty cho thuê tài chính”, “tổ chức tài chính vi mô”, “quỹ tín dụng nhân dân” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong các phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong giấy tờ giao dịch hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, mặc dù Luật quy định nhưng trong thực tế thời gian qua việc đặt tên doanh nghiệp có các thuật ngữ “tổ chức tín dụng”, “ngân hàng”, “công ty tài chính”, “công ty cho thuê tài chính”, “tổ chức tài chính vi mô”, “quỹ tín dụng nhân dân” vẫn còn diễn ra tràn lan, gây nhầm lẫn với tổ chức tín dụng hoặc quảng cáo có nội dung hoạt động liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Do đó, để hạn chế thấp nhất tình trạng trên, tránh trường hợp các cá nhân, tổ chức lợi dụng để lách luật như hiện nay, đại biểu đề nghị tại Điều 5 dự thảo Luật cần bổ sung quy định “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể các cụm từ, thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Cần quy định thêm hoạt động của Ngân hàng Chính sách không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng phải đảm bảo an toàn vốn

Về bảo mật thông tin, tại khoản 1 Điều 13, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định: “Người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ thông tin khách hàng, bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

Đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ có khái niệm về bí mật kinh doanh, nhưng chỉ là khái niệm chung cho tất cả các hoạt động kinh doanh, tuy nhiên thực tế nhiều nhân viên, người quản lý, người điều hành chưa hiểu đầy đủ về bí mật kinh doanh đối với  hoạt động ngân hàng. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất rủi ro cho những người nêu trên, đại biểu đề nghị bổ sung trong quy định của khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật: “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể bí mật kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng”. 

Liên quan đến việc thành lập và hoạt động của ngân hàng chính sách, tại khoản 1 Điều 16 dự thảo Luật quy định “Ngân hàng Chính sách do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước”. Để ngân hàng chính sách duy trì và phát triển, hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị dự thảo Luật cần quy định thêm hoạt động của Ngân hàng Chính sách không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng phải đảm bảo an toàn vốn.

Cần có cơ chế để nâng cao tính minh bạch trong quản trị tổ chức tín dụng

Về tỷ lệ sở hữu cổ phần, Tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 63 dự thảo Luật điều chỉnh tỉ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng theo hướng giảm so với quy định pháp luật hiện hành, cụ thể là tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông (nhà đầu tư trong nước) là cá nhân; cổ đông là tổ chức; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó lần lượt từ không vượt quá 5%, 15%, 20% giảm xuống còn 5%, 10% và 15%. Mục đích của của việc giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần này nhằm hướng tới việc hạn chế tình trạng “sở hữu chéo” - sử dụng tỉ lệ sở hữu cổ phần để thao túng, chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng từ một số cổ đông nhóm cổ đông lớn, cũng chính là thể chế hóa chủ trương của Đảng.

Tuy nhiên, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, việc điều chỉnh như trên sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến các cổ đông hiện hữu và kể cả các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tiềm năng, nhất là khi các cổ đông này đã hoặc dự kiến sở hữu cổ phần một cách minh bạch và không có bất kỳ ý định nào sở hữu cổ phần để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, dự thảo sử dụng phương pháp đóng để quy định mà hoàn toàn không cho phép bất cứ một trường hợp loại trừ nào, vì vậy đại biểu Lương Văn Hùng băn khoăn liệu có nên bổ sung một hướng mở mà theo đó tỉ lệ sở hữu cổ phần có thể được điều chỉnh nếu được chấp thuận từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, vấn đề điều chỉnh tỉ lệ sở hữu này không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo, bởi có hay không có tồn tại “sở hữu chéo” sẽ thông qua việc xác định “người có liên quan” của cổ đông. Do đó, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, việc điều chỉnh quy định về người có liên quan cần có cơ chế để nâng cao tính minh bạch trong quản trị tổ chức tín dụng, bao gồm phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện về quy định giới hạn cấp tín dụng

 

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận

Về giới hạn cấp tín dụng, tại khoản 1 Điều 136 dự thảo Luật đã điều chỉnh giảm tỉ lệ giới hạn cấp tín dụng. Theo đó, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó lần lượt từ không được vượt quá 15% và 25% giảm xuống theo lộ trình đến 01/01/2029 còn 10% và 15% vốn tự có ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô

Đại biểu nhận thấy, mục đích của việc điều chỉnh tỉ lệ này là nhằm hạn chế việc tập trung nguồn vốn cấp tín dụng cho một hoặc một nhóm khách hàng duy nhất, từ đó sẽ phân tán được rủi ro. Ngoài ra, điều này còn giúp cho nhiều chủ thể của nền kinh tế có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, làm đa dạng hoá việc sử dụng nguồn vốn chứ không chỉ một số đối tượng khách hàng nhất định mới có thể tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, việc giảm tỉ lệ này đồng nghĩa với việc thắt chặt chính sách cấp tín dụng cho một khách hàng mà theo đó chỉ những nhu cầu vốn thiết thực, khả thi, tài sản bảo đảm tốt mới được các tổ chức tín dụng ưu tiên lựa chọn. Trường hợp khách hàng có nhu cầu về nguồn vốn lớn thì mô hình cấp tín dụng hợp vốn là sự lựa chọn hoàn hảo cho khách hàng trong bối cảnh giới hạn cấp tín dụng đang được điều chỉnh theo hướng giảm như dự thảo hiện tại.

Tuy nhiên, để đáp ứng các điều kiện cho một khoản cấp tín dụng hợp lý là điều hoàn toàn không dễ dàng, bởi lẽ chính sách cấp tín dụng, rủi ro giữa các tổ chức tín dụng là khác nhau và để được cấp tín dụng thì khách hàng chắc chắn phải trải qua nhiều trình tự, thủ tục cũng như phải đáp ứng rất nhiều điều kiện vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, việc giảm tỉ lệ giới hạn cấp tín dụng đồng thời kéo theo một lượng vốn sẽ bị cắt giảm trên thị trường, không đủ vốn để duy trì hoạt động kinh doanh.

Do đó, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị cần xem xét, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và đánh giá toàn diện quy định này nhằm đảm bảo quy định pháp luật được ban hành vừa đáp ứng mục đích quản lý của Nhà nước, vừa tạo động lực, thúc đẩy kinh tế phát triển./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác