ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ỦNG HỘ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ CHO PHÉP ỦY THÁC VỐN CÂN ĐỐI CỦA NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG QUA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

17/01/2024

Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, ngày 18/01, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Thảo luận tại Tổ về nội dung này, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù cho phép ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội.

ĐỀ XUẤT TĂNG THÊM SỐ HUYỆN ĐỂ THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ PHÂN CẤP QUẢN LÝ, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Thảo luận tại Tổ, đa số đại biểu Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù cho phép ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội.

Một trong 8 cơ chế, chính sách đặc thù được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến là cơ chế ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội (khoản 6 Điều 4 dự thảo Nghị quyết). Theo đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù chưa được quy định cụ thể tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, cho phép địa phương sử dụng vốn cân đối của ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho một số đối tượng của các Chương trình mục tiêu quốc gia vay vốn ưu đãi trong thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình.

 Trước đó, trong phiên thảo luận ở Tổ (sáng 16/01) về nội dung này, nhiều ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ với chính sách này và cho rằng, nguồn cấp ngoài các quy định bao gồm, vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên và cần xác định rõ thêm nguồn các khoản, mục dư vốn không thực hiện được từ các chương trình mục tiêu cần được sắp xếp, điều chỉnh. Đặc biệt, đối với các địa phương dư vốn do không còn đối tượng (do độ trễ chính sách), cần tăng tỷ lệ bổ sung cho ngân hàng chính sách từ khoản dư trên để tăng hiệu quả sử dụng ngân sách cũng như bảo đảm công bằng giữa các địa phương. Bởi hầu hết các tỉnh vùng miền núi vùng dân tộc thiểu số đều không có khả năng cân đối từ các nguồn hiện có.

Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang

Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đồng tình với đề xuất của Chính phủ, nhằm tăng nguồn vốn cho vay ưu đãi, mở rộng đối tượng cho vay, xác định rõ việc tăng tỷ lệ bổ sung vốn cho ngân hàng chính sách từ nguồn các khoản mục dư vốn và không thực hiện được các Chương trình mục tiêu quốc gia để tăng hiệu quả sử dụng ngân sách.

Ngoài các nguồn vốn phân bổ cho ngân hàng chính sách cho vay hỗ trợ việc làm, đại biểu cho biết, qua giám sát cũng cho thấy nguồn vốn này trên thực tế có hiệu quả nhất, bởi giải ngân nhanh và trước cả tiến độ. Thực tế Ngân hàng chính sách cũng có nhu cầu cần bổ sung thêm vốn, có thể bổ sung từ các nguồn vốn đầu tư phát triển, kinh phí thường xuyên, cũng như các nguồn vốn khác, nếu còn dư không thực hiện có thể chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, hỗ trợ cho tạo việc làm.

Nhiều ý kiến cũng ủng hộ đề xuất của Chính phủ về việc ủy thác vốn địa phương qua Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện một số nhiệm vụ, tuy nhiên một số ý kiên băn khoăn khi quy định căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh để cấp huyện quyết định bố trí ngân sách cân đối của địa phương bao gồm vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên để hỗ trợ phát triển kinh tế. v.v.... và nguồn này được ủy thác qua Ngân hành chính sách. Đại biểu nêu thực tế, nguồn lực địa phương để bố trí rất khó khăn, bởi vì nguồn vốn đầu tư công đã có danh mục cụ thể, trong khi cân đối chi thường xuyên ở nhiều địa phương thu không đủ chi, kinh phí đầu tư phát triển cũng có danh mục không thể cắt bỏ. Vấn đề đặt ra là nguồn vốn để ủy thác cho Ngân hàng chính sách thực hiện không có, nhất là với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đại biểu Lưu Văn Đức – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu Lưu Văn Đức – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, Chính phủ đề xuất ủy thác vốn của địa phương cho Ngân hàng chính sách xã hội các địa phương có thu nhập và cân đối được ngân sách, địa phương ủy thác thêm cho ngân hàng chính sác xã hội để các chương trình có thể vay thêm, ngoài vốn được quy định. 

Tuy nhiên, theo quan điểm của đại biểu, một số dự án trùng dẫn tới địa phương không thể giải ngân được gây ra nguồn vốn của chương trình dư, nếu không ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn này sẽ không được sử dụng hiệu quả. Đối với một số địa phương lập dự toán sát sẽ cần vốn còn những địa phương lập dự toán không sát dẫn tới đối tượng bị dư và số vốn bị dư nhưng không sử dụng được. Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét đối với trường hợp này, ngoài vốn của chung ra ngoài vốn của ngân sách địa phương tự cân đối, đề nghị cho phép ủy thác luôn nguồn vốn dư của ba Chương trình mục tiêu quốc gia cho ngân hàng chính sách xã hội cho vay thêm cho các đối tượng.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho biết, tại điểm a, điểm b khoản 6, Điều 4 của dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia quy định:

“a) Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được quyết định việc bố trí vốn ngân sách cân đối của địa phương (bao gồm: vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên) để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới thông qua việc giao Ủy ban nhân dân cùng cấp ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương để thực hiện một số hoạt động phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định sinh kế và phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong triển khai các dự án thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định điều kiện, nội dung, mức cho vay ưu đãi để thực hiện từng chính sách tín dụng cho các đối tượng được hỗ trợ vay vốn ưu đãi theo cơ chế ủy thác quy định tại điểm a khoản 6 Nghị quyết này.”

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng, quy định tại điểm a và điểm b không có sự thống nhất, trong khi điểm a giao Hội đồng dân cấp tỉnh, huyện quyết định qua Ngân hàng chính sách xã hội nhưng điểm b lại quy định Ủy ban tỉnh quyết định điều kiện, nội dung, mức cho vay ưu đãi. Quy định như vậy sẽ gây khó trong quá trình thực hiện, chưa thể hiện được mục tiêu phân cấp, phân quyền, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính khả thi.

Lan Hương - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác