ĐBQH TRÁNG A DƯƠNG: PHẢI ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG VÀ TÍNH KHẢ THI CỦA CÁC DỰ ÁN LUẬT

01/04/2024

Đóng góp vào Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nêu quan điểm: Đối với các dự án luật mà nội dung chuẩn bị chưa đảm bảo yêu cầu, chưa phù hợp với tình hình thực tế thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thông qua để đảm bảo chất lượng và tính khả thi.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHAI MẠC PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT: SẼ CHO Ý KIẾN VỀ 5 DỰ ÁN LUẬT VÀ 1 DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT

PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ KHAI MẠC PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Toàn cảnh Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo dự kiến chương trình, Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 01 đến 02/4/2024 để cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Để có thêm sự góp ý đối với Phiên họp này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Tráng A Dương - Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Phóng viên: Theo dự kiến chương trình, Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 01 đến 02/4/2024. Trong 02 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tới đây. Đại biểu nhận định như thế nào về việc tổ chức Phiên họp chuyên đề này?

Đại biểu Tráng A Dương: Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, từ ngày 01 đến 02/4/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2024 để cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án luật như sau: dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), dự án Luật Công chứng (sửa đổi), dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi), dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), dự án Luật Phòng không nhân dân. Đây đều là những dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới.

Đại biểu Tráng A Dương - Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vị trí việc làm đối với đại biểu Quốc hội hoạt đông chuyên trách ở trung ương, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc tổ chức Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ là tiền đề quan trọng góp ý vào các dự án luật nhằm đảm bảo tính hiệu quả, chất lượng trước khi trình Quốc hội đóng góp ý kiến, thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 tới.

Phóng viên: Đại biểu có thể cho biết sự quan tâm, ý kiến của mình về các nội dung sẽ được đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp?

Đại biểu Tráng A Dương: Với 5 dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tôi quan tâm đến dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), bởi lẽ Luật Công đoàn năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội của đất nước, phát huy vai trò, tác dụng và ảnh hưởng rộng lớn của tổ chức Công đoàn trong xã hội.

Lãnh đạo các Bộ ngành và các đại biểu tham dự Phiên họp.

Tuy nhiên, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu của tình hình mới. Nhất là các chính sách được đề xuất trong lần sửa đổi này chứa đựng nhiều nội dung mới, trong đó có các chính sách cơ bản; nội dung sửa đổi liệu có đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra hay chưa? Hay việc bổ sung quy định về miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp và đáp ứng được với thực tiễn, điều kiện sản xuất, kinh doanh… Vì vậy, tôi cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu để luật hóa quyền thương lượng tập thể cho lao động tự làm/tự do; cụ thể hóa nguyên tắc công đoàn độc lập với người sử dụng lao động; quy định cụ thể cơ quan, tổ chức,…

Phóng viên: Để những dự án luật đảm bảo chất lượng trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 tới, đại biểu có ý kiến, đề  xuất như thế nào đối với các cơ quan soạn thảo, thẩm tra và các đại biểu Quốc hội?

Đại biểu Tráng A Dương: Từ thực tiễn để những dự án luật đảm bảo chất lượng trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 tới và các kỳ họp Quốc hội, theo quan điểm của tôi trước hết các cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần quan tâm một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Để những dự án luật đảm bảo chất lượng trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra, các cơ quan có trách nhiệm liên quan cần đảm bảo thực hiện nghiêm thời gian quy định các báo cáo, đề án, tờ trình, phải được gửi tới UBTVQH đúng thời gian.

Thứ hai: Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cần được cung cấp thông tin đầy đủ để kịp thời nắm bắt thông tin, thống nhất quan điểm chỉ đạo, góp phần định hướng trong các hoạt động thẩm tra của các Ủy ban về các nội dung có liên quan.

Thứ ba: Nội dung báo cáo thẩm tra của các Ủy ban thẩm tra phải thể hiện rõ được ý kiến của mình về các vấn đề như cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, những tác động, hiệu quả đến nền kinh tế; tính khả thi, dư luận xã hội… những vấn đề mà Ủy ban thẩm tra nhất trí, không nhất trí hay còn nhiều ý kiến khác nhau; kết luận của việc thẩm tra phải cụ thể, rõ ràng về những vấn đề trọng tâm, có đề xuất phương hướng, biện pháp giải quyết để đạt chất lượng cao. Đối với các dự án luật mà nội dung chuẩn bị chưa đảm bảo yêu cầu, chưa phù hợp với tình hình thực tế thì UBTVQH không thông qua để đảm bảo chất lượng và tính khả thi.

Thứ tư: Quan tâm, tạo điều kiện để xây dựng bộ phận tham mưu, giúp việc cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Có cơ chế, chính sách thu hút những người có phẩm chất tốt, có trình độ, năng lực, có kinh nghiệm thực tiễn, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Thứ năm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động UBTVQH; nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của UBTVQH; đổi mới phương thức lãnh đạo đối với UBTVQH, tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho UBTVQH hoạt động.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Các bài viết khác