ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI THOA: CẦN LÀM TỐT HƠN NỮA CÔNG TÁC CHĂM SÓC, GIÁO DỤC, BẢO VỆ TRẺ EM TRONG THỜI GIAN TỚI

24/05/2024

Theo Báo cáo của Chính phủ, công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Để tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác này, TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương lưu ý 06 vấn đề quan trọng cần được quan tâm và sớm có giải pháp trong thời gian tới.

ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI THOA: TIẾP TỤC CỤ THỂ HOÁ CÁC NGUYÊN TẮC BẢO ĐẢM AN TOÀN CHO TRẺ EM KHI THAM GIA GIAO THÔNG

ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI THOA: LUẬT ĐẤT ĐAI 2024 - BƯỚC TIẾN QUAN TRỌNG, TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO

TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương

Sáng ngày 23/05, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội vừa tiến hành thảo luận tại Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước  những tháng đầu năm 2024. 

Theo Báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Tuy nhiên, trong nước, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế- xã hội diễn ra sôi động hơn. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2024. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo. Tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm việc làm; thu nhập của người lao động tăng lên… Đặc biệt, công tác dân tộc, tôn giáo, người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng, chống tệ nạn xã hội được thực hiện tốt. 

Kết quả đáng ghi nhận trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em

Góp ý về Báo cáo của Chính phủ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa, ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ cơ bản nhất trí với các đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và kết quả thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2024. Đồng thời cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, những kết quả phát triển kinh tế là hết sức đáng ghi nhận bởi nền kinh tế của đất nước ta đang đứng trước những khó khăn, thử thách rất lớn mà các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội cũng đã chỉ ra. 

Liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, điều hành, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương phối hợp, tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao đời sống nhân dân, trong đó có những kết quả rất đáng ghi nhận trong công tác bình đẳng giới và chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em với sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan ở trung ương và địa phương. Nhiều chính sách đã ban hành, đang đề xuất ban hành được sự mong đợi, kỳ vọng lớn từ cử tri, trong đó có những chính sách chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi, người có công, phụ nữ, chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trong năm qua, Chính phủ đã ban hành một số văn bản pháp luật về chăm sóc và bảo vệ trẻ em, trong đó, đại biểu đánh giá cao việc ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030.

"Tại nhiều kỳ họp trước, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp, nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến, kiến nghị Chính phủ tăng cường biện pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em và chăm sóc trẻ em mồ côi, và Chính phủ với trách nhiệm của mình và sự tham mưu của các bộ, ngành liên quan đã phê duyệt Chương trình với những nhiệm vụ, giải pháp khá cụ thể. Chúng tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực cần thiết để triển khai thực hiện Chương trình có ý nghĩa xã hội, nhân văn rất lớn này.", đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa nói. 

06 vấn đề quan trọng cần lưu ý giải pháp

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong thời gian tới vẫn còn một số điểm cần lưu ý để tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian tới.  

Thứ nhất, tình hình xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cả về số vụ, số đối tượng xâm hại trẻ em và số trẻ em bị xâm hại. Theo Báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa, khắc phục tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em nhưng năm 2023 toàn quốc vẫn xảy ra 2.498 vụ xâm hại trẻ em với 3.235 đối tượng xâm hại và 2.633 trẻ em bị xâm hại; so với năm 2022 tăng 664 vụ (tăng 36,2%), 1.128 đối tượng xâm hại trẻ em (tăng 53,5%), 724 trẻ em bị xâm hại (tăng 38%).

Trong đó, đại đa số các vụ là xâm hại tình dục trẻ em (với 2.045 vụ, chiếm 96,3%; 2.198 đối tượng, chiếm 67,7%; 2.101 trẻ em bị xâm hại, chiếm 79,8 %), so với năm 2022 số trẻ em bị xâm hại tình dục tăng 510 em (tăng 32%). Thực tế đã xảy ra nhiều vụ trẻ em bị xâm hại trong môi trường gia đình, nhiều vụ có nhiều đối tượng gây hại hoặc xâm hại nhiều trẻ em, có nhiều vụ việc nghiêm trọng, dã man, gây bức xúc trong dư luận xã hội và lo lắng, bất an cho các gia đình. Báo cáo của Chính phủ nhiều năm liền (2022, 2023, 2024) đều xác định đây là vấn đề tồn tại trong công tác bảo vệ trẻ em, nhưng các giải pháp khắc phục đang được thực hiện dường như chưa đủ.

 TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương lưu ý 06 vấn đề quan trọng liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cần được quan tâm và sớm có giải pháp trong thời gian tới

Thứ hai, bạo lực học đường vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước với mức độ ngày càng nghiêm trọng, trở thành mối lo ngại của nhiều gia đình, nhà trường, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 01/9/2021 cho đến ngày 05/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó 854 học sinh là nữ; bình quân khoảng 50 cơ sở giáo dục lại xảy ra một vụ bạo lực học đường. Chính phủ, các bộ ngành đã triển khai nhiều giải pháp, tăng cường truyền thông nhưng tình trạng này vẫn không giảm, đây cũng là một nội dung đòi hỏi phải có các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng nêu trên.

Thứ ba, tai nạn thương tích trẻ em vẫn là vấn đề nóng cần tập trung giải quyết. Tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước năm 2023 tuy có giảm nhưng tổng số trẻ em đuối nước còn cao (năm 2022 là 1.909 trẻ, năm 2023 là 1.850 trẻ), còn xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm tử vong nhiều trẻ em; các hình thức tai nạn thương tích khác, nhất là tai nạn giao thông, cháy nổ, điện giật, ong đốt, súc vật cắn,… vẫn thường xuyên xảy ra tại các địa phương, ảnh hưởng tới sức khỏe, học tập, phát triển của trẻ em, đã làm tử vong nhiều trẻ em.

Với việc Quốc hội dự kiến thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp lần này cùng nhiều quy định bảo đảm an toàn mới cho trẻ em, hy vọng tỷ lệ trẻ bị tai nạn giao thông sẽ giảm, tuy vậy, vẫn rất cần phải chú trọng thực hiện chuyển hướng bảo vệ trẻ em từ hỗ trợ, can thiệp sang phòng ngừa chủ động, thiết thực bảo vệ trẻ em.

Thứ tư, gia tăng tình trạng thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có hại cho sức khỏe. Theo báo cáo từ Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm 15-17 tuổi tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023; ở nhóm 13-15 tuổi tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023; tỷ lệ học sinh ở nhóm tuổi 13-17 đang sử dụng thuốc lá nung nóng là 1,1%, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, rối loạn tâm thần, suy giảm sự trưởng thành của não bộ, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và sự phát triển của thanh thiếu niên, nhưng thực tế chưa có văn bản pháp luật để quản lý và phòng, chống tác hại. Đây là vấn đề đòi hỏi Chính phủ phải nêu rõ quan điểm và hướng giải quyết, sớm đề xuất giải pháp quản lý để kịp thời bảo vệ thanh thiếu niên.

Thứ năm, tình hình trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong năm 2023 tăng đột biến và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Theo Báo cáo của Chính phủ, số trẻ em vi phạm pháp luật năm 2023 là 4.041 em, so với năm 2022 tăng 87,6% (tăng 1.887 em).

Đại biểu Thoa cho rằng, đây là con số đáng báo động đối với các cơ quan chức năng và toàn xã hội. Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ chưa phân tích sâu tình hình vi phạm pháp luật của trẻ em và người chưa thành niên, chưa xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm chính dẫn tới việc tăng đột biến người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong năm 2023 để đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Chính phủ rà soát, xem xét lại các số liệu xem có chính xác hay không hoặc nêu rõ nguyên nhân của tình trạng này.

Thứ sáu, việc tiêm chủng phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em đạt thấp, không bảo đảm tính kịp thời. Theo Báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine năm 2023 đạt trên 90%, giảm 4% so với năm 2022 và còn khoảng cách khá xa đối với chỉ tiêu “Tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 08 loại vaccine đạt 97% vào năm 2025” đề ra trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030.

Đáng chú ý là con số này trong 09 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt gần 60%, cá biệt có địa phương 06 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 19%, đã làm lỡ thời điểm tiêm chủng của rất nhiều trẻ em. Theo Báo cáo, Bộ Y tế cũng đã áp dụng một số biện pháp để bảo đảm thực hiện chương trình, tuy vậy, cần tiếp tục quan tâm bố trí đủ nguồn vaccine cần thiết để tiêm chủng cho trẻ em đúng thời điểm, kịp thời tăng cường sức đề kháng đối với các bệnh truyền nhiễm cho trẻ nhỏ, khắc phục triệt để tình trạng nêu trên.

Ngoài ra, tại phiên họp giả định Quốc hội trẻ em năm 2023, các em đã có những kiến nghị rất cụ thể, thiết thực, liên quan trực tiếp đến cuộc sống và học tập của các em, đề nghị Chính phủ và các bộ ngành hữu quan tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện./.

Thu Phương - Phạm Thắng