ĐBQH PHẠM TRỌNG NGHĨA: HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI CÓ NHIỀU ĐỔI MỚI, TÁC ĐỘNG NGAY TRONG QUÁ TRÌNH GIÁM SÁT

30/05/2024

Phát biểu thảo luận về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nhận định hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian qua tiếp tục có nhiều đổi mới, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực. Nhiều hoạt động giám sát có tác động ngay trong quá trình giám sát như giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Giám sát về nguồn lực cho Covid và y tế cơ sở, y tế dự phòng…

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT NĂM 2023 VÀ NHỮNG THÁNG ĐẦU NĂM 2024: ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG KẾT QUẢ QUAN TRỌNG VỚI NHIỀU ĐỔI MỚI, CẢI TIẾN

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, sáng 30/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp​ Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh, hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian qua tiếp tục có nhiều đổi mới, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực. Nhiều hoạt động giám sát có tác động ngay trong quá trình giám sát như giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Giám sát về nguồn lực cho Covid và y tế cơ sở, y tế dự phòng; Giám sát về việc thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Quốc hội tổ chức thảo luận tại Hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; đồng thời, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, Quốc hội tiến hành thảo luận Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng các Hoạt động giám sát này được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm ngày càng thiết thực, hiệu quả.

Cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa bày tỏ nhất trí với việc đề xuất 02 chuyên đề giám sát năm 2025 để Quốc hội thảo luận.

Đối với giám sát tối cao của Quốc hội, đại biểu đề nghị lựa chọn Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm thể chế hóa và thực thi trên thực tế quan điểm của Đảng về các đột phá chiến lược. Trong đó: Đối với đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81 với 137 nhiệm vụ lập pháp của Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Đối với đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, Quốc hội đã quyết định tổng vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 37% so với giai đoạn 2016 - 2020, phần lớn trong số này là dành cho phát triển hạ tầng.

Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia. Như vậy, 3 Quy hoạch quan trọng nhất của quốc gia đã được ban hành để định hình không gian, lộ trình và nguồn lực phát triển của đất nước. Ở cấp độ vùng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 6/6 quy hoạch vùng. Ở cấp độ địa phương, nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh và ngành được đẩy nhanh. Đến nay, theo Báo cáo của Chính phủ đã có 110/111 quy hoạch hoàn thành việc lập, thẩm định hoặc phê duyệt.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, đối với 2 đột phát chiến lược là đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế và đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đã được Quốc hội quan tâm rất nhiều, tuy nhiên, đối với đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, ngoài 03 dự án thành phần về phát triển nguồn nhân lực trong các Chương trình mục tiêu Quốc gia áp dụng cho các đối tượng đặc thù thì vẫn chưa có một chương trình tổng thể ở tầm Quốc hội liên quan đến đột phá chiến lược về nguồn nhân lực.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp.

Đại biểu cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đối với năng suất lao động. Năng suất lao động cao là chìa khóa dẫn đễn sự thịnh vượng của Quốc gia. Tuy nhiên, 3 năm gần đây chúng ta không đạt chỉ tiêu tăng năng suất lao động do Quốc hội giao. Nếu không có giải pháp tổng thể, toàn diện để bảo vệ, duy trì và phát huy lợi thế của nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng thì nước ta sẽ phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy về an sinh xã hội trong tương lai; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu và chúng ta sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau khi bỏ lơ cơ hội dân số vàng.

Vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội giám sát tối cao đối với Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Kết quả giám sát chuyên đề này sẽ là căn cứ thực tiễn cho việc hoàn thiện thể chế, xác định giải pháp tiếp tục thực hiện đột phá chiến lược về nội dung này trong Nhiệm kỳ tới.

Đối với Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành, đại biểu cho rằng đây là chuyên đề cần thiết. Đầu năm 2024, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố Báo cáo về những rủi ro toàn cầu. Theo Báo cáo này, có 5 nhóm rủi ro hàng đầu trong 10 năm tới. Trong đó, vấn đề môi trường (đứng đầu là khí hậu cực đoan) và Công nghệ (gồm thông tin xấu độc, AI không kiểm soát..) là có nhiều nguy cơ rủi ro nhất đối với nhân loại.

Việt Nam được dự báo là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Vì vậy, tác động của các rủi ro toàn cầu, đặc biệt là về môi trường, trên cơ ở đó hoàn thiện pháp luật môi trường cần được quan tâm, nghiên cứu thấu đáo làm cơ sở cho việc hoạch định các chiến lược, chính sách trong tương lai.  Tuy nhiên, theo thứ tự ưu tiên, đại biểu đề nghị Chuyên đề này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị xem xét sửa đổi quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND theo hướng mở rộng đối tượng giám sát văn bản đối với cả văn bản không phải văn bản quy phạm pháp luật vì việc ban hành văn bản này cũng là hoạt động của cơ quan nhà nước./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác