ĐBQH LÊ THỊ THANH LAM: QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN ĐẢM BẢO PHÙ HỢP, HIỆU QUẢ

05/08/2024

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Phòng không nhân dân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam cho rằng, về tổ chức lực lượng phòng không nhân dân được quy định tại Điều 13. Điểm d, khoản 1 cần sửa đổi quy định theo hướng thu hẹp đối tượng áp dụng đảm bảo phù hợp, hiệu quả…

HOÀN THIỆN CƠ SỞ PHÁP LÝ VỮNG CHẮC CHO HOẠT ĐỘNG PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cho ý kiến về dự án Luật Phòng không nhân dân

Dự án Luật Phòng không nhân dân được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7. Trên cơ sở 05 chính sách đã được Quốc hội thông qua, dự thảo Luật dự kiến gồm 08 chương với 54 điều quy định về xây dựng, huy động lực lượng; hoạt động phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; nguồn lực, chế độ, chính sách, trang bị và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với phòng không nhân dân. Ngay sau khi kết thúc kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo tích cực tiến hành tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. 

Vừa qua, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức khảo sát tại các địa bàn Quân khu và 1 số địa bàn; tổ chức tọa đàm “Hoàn thiện pháp luật về hoạt động phòng không nhân dân; công trình và trận địa phòng không nhân dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với phòng không nhân dân” để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc góp phần hoàn thiện dự thảo Luật báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 8; trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (10/2024). Chia sẻ bên lề Tọa đàm, đại biểu Lê Thị Thanh Lam bày tỏ nhất trí với nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu, chuyên gia...

Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam 

Theo đại biểu, việc xây dựng, ban hành Luật Phòng không nhân dân là rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Dự thảo Luật đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp Hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Quan tâm tới một số quy định cụ thể tại dự thảo Luật, đại biểu Lê Thị Thanh Lam kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện một số nội dung như sau:

Thứ nhất, về nhiệm vụ phòng không nhân dân được quy định tại Điều 5. Khoản 1, đề nghị cần quy định thêm về phạm vi quản lý trên 5.000 mét để bảo đảm tình hình an ninh trật tự, an ninh quốc phòng tại địa phương.

Thứ hai, về tổ chức lực lượng phòng không nhân dân được quy định tại Điều 13. Điểm d, khoản 1 quy định: Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tổ chức lực lượng tự vệ theo quy định của Luật Dân quân tự vệ thì lực lượng phòng không nhân dân do lực lượng tự vệ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kiêm nhiệm thực hiện. Tuy nhiên, quy định như tại dự thảo chưa thực sự phù hợp ở một số điểm như sau: Nhân sự của doanh nghiệp sẽ vừa phải thực hiện nhiệm vụ dân quân tự vệ vừa thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân. Các nhiệm vụ này có thể chiếm nhiều thời gian của người lao động, từ đó khiến họ không tập trung vào công việc chuyên môn được thuê và doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí để tuyển dụng lao động mới thực hiện các công việc này.

Đồng thời, vì kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ (chuyên môn, dân quân tự vệ, phòng không) nên hiệu quả của từng hoạt động, kể cả phòng không nhân dân, có thể sẽ không cao, không đảm bảo được mục tiêu chính sách. So với các mục tiêu trọng điểm, các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp tư nhân không thực sự là mục tiêu đánh phá chính của địch. Việc tổ chức lực lượng phòng không thời bình (đi kèm với nhiệm vụ tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng phòng không nhân dân) sẽ làm gia tăng chi phí tuân thủ và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, đặc biệt trong các thời điểm cao điểm sản xuất, kinh doanh.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng thu hẹp đối tượng áp dụng (chỉ áp dụng với các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, công trình năng lượng lớn của quốc gia). Hoạt động phòng không nhân dân trong thời bình tại các doanh nghiệp khác chỉ nên được tích hợp trong chương trình đào tạo chung của lực lượng dân quân tự vệ và cần đảm bảo không tăng thời lượng tập huấn, huấn luyện.

Thứ ba, về xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ được quy định tại Điều 28: Việc cấp phép với hoạt động xuất khẩu phương tiện bay không người lái được suy đoán là do có thể tiềm ẩn một số nguy cơ về tiết lộ bí mật công nghệ. Tuy nhiên, giấy phép xuất khẩu cũng có tác động ngược lại đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo ra gánh nặng thủ tục hành chính, và giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với các đối thủ xuất khẩu khác. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc không đưa quy định về cấp phép xuất khẩu tại Dự thảo, tạo ra môi trường chính sách xuất khẩu thông thoáng cho  phương tiện bay không người lái trong thời gian tới. Việc kiểm soát xuất khẩu, nếu cần thiết, hoàn toàn có căn cứ pháp lý để thực hiện ở cấp nghị định (sửa đổi Nghị định 69/2018/NĐ-CP), mà không cần nâng lên cấp độ luật.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho biết, tính đến thời điểm này nhiều nội dung tại dự thảo Luật được đại biểu Quốc hội góp ý tại phiên thảo luận tại Tổ cũng như thảo luận Hội trường đã được  rà soát, tiếp thu đảm bảo tính phù hợp, khả thi./.

Lê Anh