Hoàn thiện quy định về "di sản tư liệu" trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

04/09/2024

Theo dự kiến, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Trong dự thảo Luật này, “di sản tư liệu” là một trong những nội dung mà các đại biểu Quốc hội đang rất quan tâm.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có bố cục gồm 09 chương, 100 điều. Đáng chú ý, dự thảo Luật đã tách di sản tư liệu thành một loại hình di sản mới, bên cạnh di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Cho đến hiện tại, “di sản tư liệu” vẫn là một trong những nội dung mà các đại biểu Quốc hội đang rất quan tâm.

Khoản 5, Điều 3 của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định: “Di sản tư liệu chứa đựng nội dung thông tin được tạo lập có chủ ý của nhóm người hoặc cá nhân, thể hiện trực tiếp bằng các ký hiệu, mật mã, chữ viết, âm thanh, hình ảnh tĩnh hoặc động, dạng số và các dạng thức khác trên vật mang tin; có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ đối với ít nhất một cộng đồng; có thể tiếp cận và được kế thừa, trao truyền”.

Theo Hướng dẫn Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO về di sản tư liệu, di sản tư liệu chứa đựng nội dung thông tin bằng chữ viết, ký hiệu, âm thanh, hình ảnh động hoặc tĩnh, dạng số trên hiện vật mang thông tin dưới rất nhiều dạng thức khác nhau, như văn bản, bản nhạc, bản vẽ, phim, băng đĩa, dữ liệu điện tử..., được chủ thể tạo lập có chủ ý, có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ. Như vậy, di sản tư liệu mang thuộc tính của giá trị thông tin, thông điệp thể hiện trên hiện vật mang thông tin, được chủ thể tạo ra có chủ ý, có thể tiếp cận, đọc và hiểu được; khác với di sản văn hóa vật thể mang tính đặc trưng của vật chất và di sản văn hóa phi vật thể mang thuộc tính đặc trưng của tinh thần không thể nhìn thấy được. Cơ quan soạn thảo cho rằng, việc tách di sản tư liệu như dự thảo Luật sẽ quy định cụ thể, đồng bộ các cơ chế, biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này.

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật và tham gia, góp ý thêm một số nội dung. Trong đó, một số ý kiến đại biểu vẫn còn băn khoăn về việc tách di sản tư liệu thành một loại hình di sản mới, vì cho rằng di sản tư liệu là một loại hình của di sản văn hóa vật thể hoặc di sản văn hóa phi vật thể.

Theo ý kiến của đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, có thể hiểu di sản tư liệu là hiện vật dưới nhiều dạng thức khác nhau như văn bản, bản nhạc, bản vẽ, phim, băng, đĩa chứa đựng nội dung, thông tin bằng chữ viết, ký hiệu, âm thanh, hình ảnh động hoặc tĩnh thì có thể tiếp cận và đọc hiểu, có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ. “Như vậy, di sản tư liệu chính là một dạng sản phẩm vật chất có giá trị và chúng ta cần xem di sản tư liệu là một loại hình của di sản văn hóa vật thể”, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQh tỉnh Tây Ninh

Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng, di sản tư liệu chứa đựng nội dung thông tin được tạo lập có chủ ý của nhóm người hoặc cá nhân thể hiện trực tiếp bằng các ký hiệu mật mã, chữ viết, âm thanh, hình ảnh tĩnh hoặc động, dạng số và các dạng thức khác trên vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ đối với ít nhất một cộng đồng có thể tiếp cận và được kế thừa, trao truyền. Thực chất di sản tư liệu thường là một dạng của di sản văn hóa vật thể và trong nhiều trường hợp cũng có thể tồn tại dưới dạng di sản văn hóa phi vật thể. Do đó, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc việc tách loại hình di sản này thành một khái niệm độc lập bên cạnh khái niệm di sản văn hóa vật thể và khái niệm di sản văn hóa phi vật thể.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển – ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong mọi trường hợp di sản tư liệu sẽ thuộc di sản vật thể hoặc di sản phi vật thể chứ không có trường hợp đứng một mình, độc lập như vậy. Do đó, Cơ quan soạn thảo cần phải rà soát, điều chỉnh lại các quy định cụ thể đối với di sản tư liệu để bảo đảm tránh trùng với các quy định của các luật liên quan đến di sản vật thể và di sản phi vật thể.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển – Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh

Ngoài ra, liên quan đến việc nội luật hóa quy định của hướng dẫn Chương trình Ký ức thế giới về di sản tư liệu. Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng, văn bản hướng dẫn này hiện nay là một văn bản mang tính chất khuyến nghị và với mục đích tạo điều kiện để thuận lợi cho việc bảo tồn các di sản tư liệu của thế giới, đặc biệt ở những khu vực bị ảnh hưởng, xung đột hoặc thiên tai, qua đó nâng cao nhận thức của công chúng về việc bảo vệ và phát huy di sản tư liệu. Đây cũng là một sáng kiến rất mới của UNESCO. Các hướng dẫn này hiện nay mang tính chất sơ bộ và cơ bản, thường xuyên có bổ sung, cập nhật. Chính vì thế, đại biểu cho rằng, nếu có nội luật hóa các quy định của hướng dẫn này vào trong quy định của dự thảo Luật thì cần phải tính toán một cách rất kỹ lưỡng và đặc biệt nên theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân và cơ quan trong việc phát huy giá trị của các di sản tư liệu, không nên đặt ra các trách nhiệm cũng như nghĩa vụ, đặc biệt là việc hành chính hóa các nội dung liên quan đến các thủ tục để yêu cầu các cơ quan, tổ chức phải thực hiện.

Liên quan đến vấn đề ghi danh và hủy bỏ quyết định ghi danh di sản tư liệu được thể hiện tại Điều 56, dự thảo Luật hiện tại đang quy định theo hướng phải công nhận di sản tư liệu ở trong nước, sau đó mới được công nhận ở thế giới và quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định đề nghị UNESCO ghi danh di sản tư liệu tiêu biểu của Việt Nam vào danh mục di sản tư liệu của UNESCO. Các đại biểu cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp theo hướng dẫn của Chương trình Ký ức thế giới UNESCO về di sản tư liệu. Hiện nay, việc đệ trình hồ sơ đề nghị danh sách di sản tư liệu cấp khu vực và quốc tế được quy định theo hướng dẫn của Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO về di sản tư liệu và được tóm tắt trên trang web của UNESCO về Chương trình Ký ức thế giới như. Cụ thể, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào với sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu hoặc người, cơ quan lưu trữ tài liệu đều có thể trình hồ sơ đề cử thông qua Ủy ban Quốc gia UNESCO hoặc một cơ quan của Chính phủ có liên quan trách nhiệm. Do vậy, không nên quy định theo hướng phải công nhận di sản tư liệu ở trong nước, sau đó mới được công nhận ở khu vực và thế giới./.

Thu Phương