Cân nhắc: Không giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng

01/11/2024

Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Qua thảo luận phiên toàn thể, nhiều nội dung tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật lần này đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao từ các đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề nghị, cần rà soát, cân nhắc không giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên.

Sửa đổi Luật Công chứng: Không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Cân nhắc không giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 có 79 điều (sửa đổi, bổ sung 73 điều; giữ nguyên 05 điều; bổ sung 01 điều 36a). Tại dự thảo luật lần này đã giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên, theo đó tại  khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật quy định một trong những tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên là công dân Việt Nam không quá 70 tuổi.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, đây là quy định mới, quy định này đã được đánh giá tác động nhiều chiều, cả chiều tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tiễn về thực trạng công chứng viên ở nước ta cho thấy, số lượng công chứng viên trên 60 tuổi ở mỗi địa phương trung bình trong cả nước rất thấp, tỷ lệ chiếm khoảng 10,4%. Qua thực tiễn hành nghề công chứng cũng cho thấy những sai sót, vi phạm của lực lượng này  rất ít. Mặt khác, việc quy định hạn chế độ tuổi hành nghề của công chứng viên trong dự thảo luật là chưa tương đồng với độ tuổi hành nghề của các chức danh tư pháp khác như luật sư, thừa phát lại, quản tài viên, đấu giá viên.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Theo đại biểu, công chứng là một nghề, không phải là tổ chức hội. Do vậy, người công chứng viên đòi hỏi phải có một chuyên môn cao, cạnh tranh gắt gao qua thi tuyển, sàng lọc, qua bổ nhiệm, hành nghề chuyên trách. Việc giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên sẽ gây lãng phí nguồn lực xã hội và hạn chế đi quyền tự do hành nghề của công chứng viên, làm mất đi sự thỏa thuận tự nguyện của công chứng viên khi tham gia liên quan đến tài sản khi họ là thành viên hợp danh góp vốn của phòng công chứng.

Từ những lập luận nêu trên, đại biểu tỉnh Đắk Lắk đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu thấu đáo vấn đề này. Theo đó, không giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên nhưng giới hạn độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên lần đầu và kèm theo các điều kiện về giấy chứng nhận sức khỏe hoặc có sự giám sát của tổ chức xã hội hành nghề công chứng.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, so với dự thảo trước dự thảo lần này vẫn giữ nguyên quy định về độ tuổi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên và tuổi được hành nghề công chứng viên là gần ngang nhau. “Bổ nhiệm không quá 70 tuổi và miễn nhiệm quá 70 tuổi”, đại biểu dẫn chứng.

Do đó, để đảm bảo thống nhất, phù hợp và khả thi trên thực tiễn áp dụng, đại biểu tỉnh Quảng Bình đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định tuổi bổ nhiệm công chứng viên và tuổi hành nghề công chứng viên nên chênh lệch nhau ít nhất là 5 tuổi để khi công chứng viên được bổ nhiệm thì có ít nhất thời gian hành nghề là từ 3 đến 5 năm.

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Nêu quan điểm, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, nếu giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên như quy định tại dự thảo sẽ vênh với hệ thống pháp luật về độ tuổi hành nghề của các chức danh tư pháp khác như luật sư, thừa phát lại, quản tài viên, đấu giá viên, là những người hành nghề tư pháp nhưng không có giới hạn về độ tuổi hành nghề. Bên cạnh đó, công chứng viên đều phải khám sức khỏe hằng năm, nếu không đảm bảo điều kiện sức khỏe sẽ bị tiến hành miễn nhiệm theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 14 của dự thảo Luật.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét không giới hạn độ tuổi nghề nghiệp của công chứng viên để không gây lãng phí về nguồn lực xã hội và ảnh hưởng đến quyền lợi của công chứng viên là thành viên hợp danh góp vốn thành lập văn phòng công chứng.

 Quy định mở về địa điểm công chứng

Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu cũng đề nghị, Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định về địa điểm công chứng, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên;...

Liên quan tới quy định về địa điểm công chứng, khoản 1 Điều 43 dự thảo Luật quy định việc công chứng phải thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và có loại trừ một số trường hợp. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị, cân nhắc bỏ quy định cấm công chứng ngoài trụ sở.

Theo đại biểu, việc cho phép công chứng ngoài trụ sở cũng là biện pháp, giải pháp cung cấp dịch vụ công đến với người dân một cách thuận lợi nhất. Với việc cho phép công chứng ngoài trụ sở cùng với bỏ quy định công chứng giao dịch bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh cũng là giải pháp để cung cấp dịch vụ công chứng đến người dân tại địa bàn chưa có tổ chức hành nghề công chứng, giúp những người dân ở những địa bàn này khi có nhu cầu có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ công chứng. "Quy định như vậy cũng hoàn toàn khả thi khi tổ chức hành nghề công chứng có nhiều công chứng viên và mỗi tổ chức hành nghề công chứng được sử dụng nhiều con dấu.", đại biểu nhấn mạnh.

 Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Ngoài ra, đại biểu còn đề nghị, không quy định công chứng giao dịch về bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh và cho dù có quy định công chứng hợp đồng, giao dịch bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh hay không thì công chứng viên vẫn hoàn toàn có quyền từ chối công chứng khi không đủ thông tin; còn khi đã công chứng thì vẫn phải chịu trách nhiệm. 

Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc khuyến khích các bên đến thực hiện giao dịch tại văn phòng công chứng là cần thiết. Tuy nhiên, công chứng là một quy trình cần rất nhiều bước, hầu hết được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng và được thực hiện qua các kênh giao dịch như qua email, điện thoại,... Nội dung được thực hiện ngoài trụ sở thực tế chỉ chứng kiến các bên ký kết với nhau. Để tránh việc công chứng viên không chứng kiến dự thảo luật đã quy định tại Điều 47 và Điều 64 "phải chụp ảnh để lưu hồ sơ việc công chứng viên chứng kiến người yêu cầu công chứng ký vào bản công chứng".

Với lý do nêu trên, đại biểu tỉnh Đắk Lắk đề nghị việc giao Chính phủ quy định thực hiện công chứng ngoài trụ sở cần cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi vì, việc quy định liệt kê như dự thảo Luật sẽ dẫn đến bỏ sót hoặc khó áp dụng trên thực tế. Ngoài ra, nếu quy định quá cứng nhắc sẽ dẫn đến một số hệ lụy, khó kiểm soát. Do đó, đại biểu kiến nghị trong dự thảo Luật cần có quy định mở theo hướng được phép công chứng ngoài trụ sở với những trường hợp đã được dự liệu rõ ràng. Đồng thời, trong trường hợp có lý do chính đáng khác phải được ghi rõ lý do trong văn bản công chứng để tránh sự lạm dụng khi thực hiện công chứng trên thực tiễn./.

Lê Anh