ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội
Đại biểu Quốc hội được nhân dân tín nhiệm bầu ra thông qua tổng tuyển cử tự do, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước, là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.
Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội.
Để thực hiện những nhiệm vụ nói trên, các đại biểu Quốc hội phải bảo đảm các tiêu chuẩn:
1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Số lượng và nhiệm kỳ
Đại biểu Quốc hội được bầu với nhiệm kỳ 5 năm. Trong 5 năm đó, các đại biểu thay mặt Nhân dân quyết định các vấn đề liên quan đến lợi ích của cả đất nước và mỗi cá nhân. Bổn phận cao cả của đại biểu Quốc hội là đại diện và bảo vệ lợi ích của cử tri.
Tổng số đại biểu Quốc hội không quá năm trăm người, bao gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là ba mươi lăm phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu tại cơ quan của Quốc hội hoặc tại Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương. Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách phải dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.
Quyền của đại biểu Quốc hội
Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị về luật, pháp lệnh; quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội; quyền ứng cử, giới thiệu người ứng cử vào các chức danh do Quốc hội bầu; quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; quyền yêu cầu cung cấp thông tin; quyền kiến nghị Quốc hội làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, trưng cầu ý dân, thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tổ chức phiên họp bất thường, phiên họp kín của Quốc hội và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội thấy cần thiết.Đại biểu Quốc hội có quyền tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân nơi đại biểu cư trú hoặc nơi làm việc khi Hội đồng nhân dân bàn những vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Đại biểu Quốc hội không bị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Trường hợp đại biểu Quốc hội bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Nghĩa vụ và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội
Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân.
Mỗi năm, các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ít nhất là bốn lần vào trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội.
Đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, phải có trách nhiệm tham gia hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập.