Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và những câu hỏi “nóng” về ngành giáo dục

01/04/2007

Thẳng thắn và không vòng vo, né tránh là nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng về nội dung trả lời chất vấn chiều nay của Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân. Những vấn đề của ngành giáo dục được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là Chính sách thi cử, chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và tài chính trong giáo dục...

Chiều 30/3, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường. Sau khi nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, các Bộ trưởng của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Tài chính sẽ đăng đàn trả lời chất vấn. Tính đến sáng 30/3, Quốc hội nhận được 41 ý kiến chất vấn của 22 đại biểu Quốc hội liên quan đến trách nhiệm của 6 người đứng đầu nhà nước. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, con số này ít hơn so với các kỳ họp trước và ngoài 4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn nêu trên, Bộ trưởng Giao thông- Vận tải cũng nhận được khá nhiều câu hỏi chất vấn. Tuy nhiên do Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đang đi công tác nước ngoài nên không tham gia trả lời chất vấn được tại kỳ họp này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo là người đăng đàn đầu tiên trong phiên chất vấn chiều nay. Trước khi bước vào phần chất vấn trực tiếp, ông Nguyễn Thiện Nhân đã giải trình những vấn đề đã giải quyết sau phiên chất vấn tại kỳ họp trước và một số việc ngành đã làm được trong thời gian qua.

Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trường Nguyễn Thiện Nhân đã nhận được 16 câu hỏi chất vấn trực tiếp và 4 chất vấn qua văn bản của đại biểu Quốc hội. Những vấn đề chính được nêu ra trong những chất vấn này là: Chính sách thi cử (trắc nghiệm, bỏ thi đại học), chất lượng giáo dục phổ thông, các chính sách với giáo dục đại học (tự chủ, chế độ cho giáo sư) và tài chính trong giáo dục...

Triển khai nhiều công tác chuẩn bị cho kỳ thi trắc nghiệm 2007

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Hoàng Thanh Phú (đoàn Thái Nguyên) về việc áp dụng thi trắc nghiệm trong năm 2007 trong khi học sinh chưa học tốt, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thi trắc nghiệm có những ưu điểm là khách quan, bảo đảm công bằng... sau khi nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước khác, tháng 2/2005 Bộ đã tổ chức hội nghị để công bố thi trắc nghiệm và sẽ áp dụng hình thức này vào kỳ thi năm 2007. Để chuẩn bị cho kỳ thi này được thực hiện tốt, Bộ đã tổ chức thi thử cho 850.000 thí sinh trong năm nay để thí sinh biết cách làm bài thi. Trước đó năm 2006 cuộc thi trắc nghiệm ngoại ngữ đã diễn ra an toàn. Chuẩn bị cho kỳ thi 2007 Bộ cũng đã gửi công văn tới các trường về kỳ thi trắc nghiệm này. Theo lộ trình sau khi tập huấn tại Hà Nội, Nghệ An, TP.HCM, Huế... ngân hàng đề thi của Bộ đã đủ đề cho kỳ thi tiếp theo. Từ tháng 2-2007 Bộ đã đưa đề thi lên website của Bộ. Từ 30/3 Bộ cũng đã đưa tiếp đề để giáo viên và học sinh thực tập, cũng như hướng dẫn thi trắc nghiệm trên Đài truyền hình Việt Nam, cũng như tư vấn trên các báo. Bộ đã ban hành sách Trắc nghiệm Lý, Hóa, Sinh. Ngoại ngữ.

Đại biểu Trần Văn Tấn, (đoàn Tiền Giang) bức xúc về tình trạng “loạn” liên kết đào tạo và đặt vấn đề trách nhiệm này thuộc về ai? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, theo khảo sát tại 54 trường, có 65.500 người đang theo học chương trình đào tạo liên kết. Ngoài các chương trình liên kết đào tạo trong nước, hiện có 200 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Trong đó, đáng chú ý có tới 40 chương trình liên kết chui, đào tạo không cấp phép hoặc sai lệch.

Giải thích về tình trạng loạn liên kết, ông Nhân thừa nhận Bộ Giáo dục- Đào tạo có phân cấp nhưng kiểm tra chưa nghiêm. Bên cạnh đó, Bộ vẫn chưa ban hành các điều kiện về giảng viên, cơ sở vật chất và mới đang xây dựng quy chuẩn. Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận lỗi do Bộ chậm ban hành quy định quản lý nên đã dẫn tới tình trạng này.

Chưa thể thống nhất đào tạo theo tín chỉ

 Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân về 3 vấn đề kinh phí; chất lượng các trường đại học, cao đẳng; thách thức và thời cơ khi gia nhập WTO của ngành giáo dục. Cụ thể, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo nói rõ hơn về việc phân phối lại kinh phí dành cho ngành giáo dục hiện nay và sử dụng làm sao cho hiệu quả nguồn kinh phí này. Về chất lượng đào tạo đại học, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân đặt câu hỏi đến khi nào ngành giáo dục thống nhất lại ngành nào đào tạo theo niên chế, ngành nào đào tạo theo tín chỉ?. “Hiện nước ta có 311 trường đại học cao đẳng trong đó có 277 trường công lập và 34 trường ngoài công lập nhưng điều quan tâm là Bộ chỉ trực tiếp quản lý 92 trường (29,6%). Các thành phố trực thuộc trung ương quản lý 100 trường và các bộ quản lý 119 trường (38,2%). Vậy nếu Bộ chỉ trực tiếp quản lý 29,6% số trường đại học, cao đẳng thì liệu có bảo đảm được chất lượng hay không?”, ông Trân chất vấn.

Trả lời các câu hỏi của ông Trân, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện nay Bộ Giáo dục Đào tạo chỉ quản lý khoảng 30% số trường đại học, cao đẳng, 70% các trường còn lại không do Bộ quản lý. Kinh phí Bộ Giáo dục Đào tạo chi trực tiếp chỉ chiếm 5% kinh phí giáo dục đào tạo cả nước. Kinh phí đào tạo của các bộ ngành năm 2007 là 10.796 tỷ, trong đó Bộ Giáo dục đào tạo quản lý 3.788 tỷ, chiếm 35%, bằng 1/3 số tiền các Bộ quản lý, còn 2/3 kinh phí của ngành đào tạo là các bộ khác quản. Chính vì thế Bộ Giáo dục Đào tạo chưa đủ điều kiện để đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí của các bộ khác trong giáo dục.

Về việc quản lý theo niên chế hay tín chỉ, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trả lời rằng, theo Nghị quyết 14 của Chính phủ về đổi mới giáo dục đại học 2000-2020 thì đến năm 2010, tất cả các trường đại học phải đào tạo tín chỉ. Hiện nay Bộ đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các trường để dạy tín chỉ nhưng điều này đòi hỏi phải tăng giáo viên và phòng học phải đầy đủ nên việc thống nhất dạy theo tín chỉ còn gặp nhiều khó khăn.

Chấm dứt tình trạng học sinh ngồi “nhầm” lớp

Đại biểu Nguyễn Văn Ngàng, (đoàn Hải Phòng) quan tâm đến hiện tượng học sinh ngồi “nhầm” lớp: sáng ngồi lớp 6, chiều lớp 1 và đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết kết quả của việc chuyển các trường phổ thông dân lập sang mô hình tư thục theo Quyết định của Thủ tướng và Luật Giáo dục.

Đại biểu Điểu Điều (đoàn Bình Phước) hỏi: Học sinh yếu kém ở vùng sâu vùng xa lên đến 40%, học sinh khá ở đây chỉ bằng học sinh trung bình ở thành phố, thành thị. Vậy những mục tiêu cụ thể nào để học sinh vùng sâu, vùng xa giảm yếu trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Ngàng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận tỷ lệ yếu kém thực tế cao hơn những năm trước và ngành giáo dục xác định việc khắc tình trạng này trước hết là nhiệm vụ của ngành. Tuy nhiên nếu phân công thầy cô giáo kèm cặp và phân công các em học sinh giỏi kèm các em học sinh yếu hơn không đạt được như yêu cầu thì phải dạy thêm trong dịp hè. Ngoài ra nếu học cả trong dịp hè nhưng khi kiểm tra lại học sinh vẫn không đáp ứng được chương trình của lớp 6 thì phải trả lại lớp dưới, phải để các em ngồi đúng chỗ của mình. Nhưng để làm việc này, Bộ phải sửa quy chế bởi khi trong học bạ các em học sinh đã có đủ các chữ ký thầy cô giáo cho phép lên lớp rồi.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, số lượng các em học sinh yếu kém tập trung nhiều ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Qua khảo sát nhiều em học sinh dân tộc đã học hết lớp 5 nhưng đọc chưa thông thạo vì khi vào lớp 1 các em còn chưa biết tiếng Kinh. Điều này cho thấy sự quan tâm cho giáo dục dân tộc chưa đúng mức và việc Chính phủ cho Bộ Giáo dục- Đào tạo thành lập Vụ Giáo dục Dân tộc là một việc làm đúng đắn và cần thiết.

Về câu hỏi của đại biểu Điểu Điều, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết hiện nay các tỉnh đã nắm được tỷ lệ học sinh yếu kém của mình, vì thế Bộ đã đề nghị ngành giáo dục các tỉnh báo cáo, căn cứ từ đó đưa ra lộ trình, phấn đấu khoảng 3 năm nữa sẽ chấm dứt việc học nhầm lớp, trả các em về đúng lớp của mình. Và vấn đề này chắc chắn phải qua thực tiễn mới giải quyết được.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo được khen

Đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là những câu trả lời thẳng thắn, không vòng vo, né tránh. Đồng thời hoan nghênh Bộ trưởng đã xem xét cụ thể từng trường hợp chất vấn để trả lời trước Quốc hội và đã báo cáo trước Quốc hội về những việc đã làm.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, thời gian vừa qua, Quốc hội có giám sát và nhận thấy Bộ Giáo dục- Đào tạo đã thực hiện rất khẩn trương và nghiêm những vấn đề được chất vấn và đã đề ra ở các kỳ họp trước. “Tôi cũng rất hoan nghênh tinh thần làm việc nghiêm túc, tích cực của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân. Đêm qua bộ trưởng và các cộng sự đã thức đến 2 giờ sáng để chuẩn bị các câu trả lời, sáng mai lại đi công tác sớm...”, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói.

Sáng mai (31/3), Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, chất vấn và nghe trả lời chất vấn của các vị Bộ trưởng còn lại./.

 

Cẩm Thủy

(http://www.vov.org.vn)