Các cơ quan tư pháp cấp huyện ở Vĩnh Long cơ bản đáp ứng các yêu cầu thực hiện việc tăng thẩm quyền

08/03/2008

Thực hiện Chương trình giám sát năm 2008, trong hai ngày 5 và 6/3, Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XII do bà Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm Trưởng đoàn, đã về làm việc tại tỉnh Vĩnh Long.

Sau khi làm việc với các cơ quan tư pháp cấp tỉnh, giám sát việc thực hiện tăng thẩm quyền cho các cơ quan tư pháp tại huyện Long Hồ và thị xã Vĩnh Long, bà Lê Thị Thu Ba khẳng định, các cơ quan tư pháp cấp huyện ở Vĩnh Long đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu thực hiện việc tăng thẩm quyền từ khâu điều tra, tố tụng, xét xử đến thi hành án theo Quyết định tại khoản 1 điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự và điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự đã quy định.

Qua làm việc, Đoàn giám sát của Quốc hội đã kiến nghị với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp ủy đảng, chính quyền về việc tăng thẩm quyền cho cấp huyện vì đây là bước đầu tiên của lộ trình cải cách tư pháp, tiến tới thành lập Tòa án khu vực sau năm 2011 theo dự kiến. Mặt khác, tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến việc tạo đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, quan điểm, lập trường, đạo đức cho các cán bộ có chức danh tư pháp các cấp, đặc biệt là cấp huyện để nâng cao chất lượng giải quyết vụ việc, hạn chế oan sai trong các khâu điều tra, tố tụng, xét xử, thi hành án. Việc nâng cấp, xây dựng mới, trang bị phương tiện, nhất là xây dựng các kho chứa tang vật, nhà tạm giam, tạm giữ cho cấp huyện cần phải được quan tâm, trong đó địa phương lo quỹ đất, các cơ quan tư pháp Trung ương cần xem xét đầu tư kinh phí kịp thời vì hiện nay tại Vĩnh Long đang rất thiếu, nhiều huyện chưa có kho chứa tang vật, nhà tạm giữ chưa đủ các phòng theo quy định.

Hiện Vĩnh Long đã có 5/8 huyện, thị xã thực hiện tăng thẩm quyền cho các cơ quan tư pháp cấp huyện là thị xã Vĩnh Long và các huyện Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn, Mang Thít; và trong năm 2008 sẽ thực hiện tiếp việc tăng thẩm quyền cho các huyện Vũng Liêm, Long Hồ. Các cơ quan tư pháp cấp huyện trong tỉnh đều quá tải, số vụ việc giải quyết tăng, mỗi cán bộ tư pháp cấp huyện trong tháng đều giải quyết, xử lý từ 10 vụ trở lên, vượt cao so với quy định. Việc chuyển giao thi hành án các vụ việc có số tiền từ 500 ngàn đồng trở xuống cho cấp xã, phường trong tỉnh thu hộ nói chung đã thực hiện nhưng chưa có sự theo dõi để đôn đốc thực hiện kịp thời.

Một số kiến nghị của tỉnh Vĩnh Long liên quan đến cơ chế, chính sách cho các cán bộ tư pháp, Đoàn giám sát của Quốc hội ghi nhận và sẽ trình lên Quốc hội, nhất là việc lương của các cán bộ tư pháp cấp huyện còn quá thấp lại cách biệt khá xa so với các cán bộ tư pháp cấp tỉnh, ảnh hưởng tới chất lượng giải quyết vụ, việc và khó khăn trong công tác thu nhận, điều động cán bộ cho các cơ quan tư pháp cấp huyện./.

 

(http://www.cpv.org.vn/index.html)