Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên dự Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách

14/03/2008

Ngày 12.3, tại TP Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đã dự Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Tài chính- Ngân sách. Cùng dự có đại diện Hội đồng Dân tộc; Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Bộ Tài chính...

 

      Tại Phiên họp này, Ủy ban Tài chính- Ngân sách lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng. Luật Thuế giá trị gia tăng được thông qua từ Kỳ họp thứ 11, QH Khóa IX, qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung đã góp phần hoàn thiện chính sách và pháp luật về thuế, phù hợp với việc xây dựng thể chế của nền kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế; Tạo điều kiện pháp lý để đổi mới phương thức quản lý thuế, tăng cường tài chính quốc gia và nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, không còn phù hợp với thực tiễn. Từ đó đã có kẽ hở và phát sinh một số tiêu cực, gian lận trong khấu trừ thuế, hoàn thuế...

 

      Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng được sửa đổi theo hướng xây dựng chính sách thuế phù hợp với thông lệ quốc tế; Bảo đảm chính sách thuế đơn giản, rõ ràng, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và tạo sự đồng bộ với Luật Quản lý thuế. Ủy ban Tài chính- Ngân sách đã đề nghị Ban Soạn thảo xây dựng dự thảo Luật tập trung vào các nội dung: Huy động nguồn thu, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng nộp thuế. Một số ý kiến tại Phiên họp cho rằng, đối với lĩnh vực nông nghiệp cần xem xét cụ thể hơn và đưa nhóm hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp phải chịu thuế từ 5% (như dự thảo Luật quy định) về mức 0% thì mới công bằng. Ngoài ra cũng cần áp dụng mức thuế 0% cho một số nhóm sản phẩm hàng hóa đặc thù trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa.

 

      Phát biểu tại Phiên họp, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên lưu ý Ban Soạn thảo cần làm rõ các vấn đề liên quan đến các đối tượng điều chỉnh và mức độ tác động của chính sách thuế tới đời sống nhân dân và tình hình kinh tế- xã hội để bảo đảm tính khả thi của văn bản pháp luật khi áp dụng trong thực tiễn.

Tin và ảnh: N.Tuấn

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)