Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức ba nước Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc: Ta hiểu đầy đủ hơn về bạn, bạn hiểu sâu sắc hơn về ta

25/03/2008

Chiều qua, 23.3, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng Đoàn ĐB cấp cao QH nước ta đã về đến Hà Nội kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức 3 nước Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trước khi về nước, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã dành cho nhóm phóng viên báo chí đi cùng đoàn cuộc trao đổi về các hoạt động của chuyến thăm.

 

PV: Thưa Chủ tịch, xin Chủ tịch cho biết những nét lớn trong thành công của chuyến đi lần này?

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Chuyến đi đã đạt kết quả tốt. Cảm nhận chung nhất qua chuyến thăm lần này là ta hiểu đầy đủ hơn vêç bạn và bạn cũng hiểu sâu sắc hơn về ta. Qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi, hội kiến, hội đàm..., qua cách đón tiếp, ứng xử... đều thấy rằng, bạn rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, cũng có thể nói là rất quý trọng Việt Nam. Và, muốn hợp tác làm ăn lâu dài, bền vững với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Tình cảm của các bạn dành cho Việt Nam, từ những lời nói, cử chỉ, nội dung phát biểu... đều toát lên tinh thần đánh giá cao vị thế của Việt Nam. Chẳng hạn như đến Australia, bạn đã dành cho Việt Nam những lời nói hết sức xúc động. Khi tôi tặng Bà Thống đốc Bang New South Wales bức tranh thủ đô Hà Nội Bà nói luôn: Hà Nội luôn ở trong trái tim tôi. Lúc chia tay còn nói rằng Việt Nam đã làm phong phú cuộc đời tôi. Hay đến Nhật Bản, các bạn đều nói Nhật Bản và Việt Nam có thể học tập lẫn nhau. Nhật Bản cũng cần học tập và coi trọng kinh nghiệm của Việt Nam. Ngay bây giờ cũng vậy trong xây dựng kinh tế bạn cũng nói là cần học hỏi chúng ta. Bạn rất lo bây giờ tăng trưởng kinh tế thì vấn đề xã hội thế nào, vấn đề lão hoá dân số, vấn đề gia đình không ổn định bền vững... Bạn cũng khuyên ta phải giữ gìn môi trường. Hà Nội không nên xây quá nhiều nhà cao tầng, đừng chặt phá cây xanh để khỏi phải trả giá. Hay ở Hàn Quốc cũng vậy, quan hệ hai nước rất tốt. Tại đây, Việt Nam có Tổng lãnh sự danh dự ở Hàn Quốc là người Hàn Quốc. Ông nói Ông là công dân Việt Nam. Tại các diễn đàn, bạn đều đánh giá không chỉ là quan hệ đối tác kinh tế mà còn là quan hệ anh em...

 

Nếu nói về thành công, tôi thấy có nhiều. Song phải chăng là ta hiểu thêm bạn, bạn hiểu thêm ta. Từ đó tăng cường thúc đẩy quan hệ song phương đi vào chiều sâu, bền vững hơn, thiết thực hiệu quả hơn.

 

PV: Thưa Chủ tịch, ba nước mà Đoàn đến thăm đều có quan hệ làm ăn với Việt Nam. Tại hầu hết các cuộc tiếp xúc đều thấy rằng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đều mong muốn tăng cường hợp tác, thúc đẩy quan hệ đầu tư lâu dài tại Việt Nam?

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Có thể nói quan hệ kinh tế là nòng cốt trong các cuộc trao đổi, tiếp xúc với các bạn. Không phải ngẫu nhiên chuyến đi này của Đoàn có sự tham gia của hơn 70 doanh nghiệp. Việc này cho thấy mong muốn của chúng ta là làm ăn hiệu quả, thực chất chứ không chỉ chung chung. Thực tế, các cuộc tiếp xúc giao lưu với bạn, giữa doanh nghiệp ta và bạn đều đánh giá đạt kết quả tốt. Những kết quả đó không chỉ là việc ký kết được nhiều hay ít hợp đồng, thỏa thuận hợp tác với quy mô ra sao mà đó còn là cơ hội để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, chuẩn bị xúc tiến làm ăn lâu dài. Ba nước mà Đoàn đến thăm đều hoan nghênh quan hệ hợp tác kinh tế với nước ta. Cả 3 nước đều là những đối tác quan trọng. Với Australia là quan hệ nhiều mặt. Với Nhật Bản là hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và ổn định ở châu Á. Với Hàn Quốc đó là quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI. Rất nhiều hiệp định hợp tác đã được ký kết với các nước. Vấn đề là tổ chức triển khai thực hiện. Với Australia, chuyến đi này chúng ta cũng đã ký được thoả thuận hợp tác giữa hai QH hai nước. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để sắp tới QH hai nước tăng cường trao đổi hợp tác. Với Nhật Bản và Hàn Quốc cũng vậy, QH ta và QH bạn đã ký kết thoả thuận hợp tác từ năm 2006. Hai bên đều nhất trí tăng cường sự trao đổi hỗ trợ lẫn nhau, nhất là về lập pháp. Tôi nói rằng, QH Việt Nam phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo cơ sở pháp lý, hành lang pháp lý, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư. Sát cánh cùng Chính phủ, cùng các doanh nghiệp thúc đẩy triển khai các dự án, hiệp định đã ký kết, chứ không phải ký xong là để đấy. Tiếp đến là sự phối hợp trao đổi kinh nghiệm để đào tạo cán bộ làm công tác lập pháp. Mỗi nước có đặc điểm hoàn cảnh chính trị khác nhau nhưng có nhiều điểm có thể học hỏi lẫn nhau. Thực tế chuyến đi này tôi cũng học hỏi được nhiều điều. Chẳng hạn như cách tổ chức giám sát thế nào, cách chất vấn và trả lời chất vấn tại QH thế nào, cũng gợi cho ta nhiều điều suy nghĩ tốt.

 

PV: Thưa Chủ tịch, tại 3 nước trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch và Đoàn ĐB cấp cao QH nước ta đều gặp gỡ, tiếp xúc với cộng đồng người Việt. Xin Chủ tịch cho biết suy nghĩ về công tác bảo hộ người Việt ở các nước này? Trong thời gian tới công tác này nên tiếp tục như thế nào?

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Ở Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có rất đông cộng đồng bà con Việt kiều sống, làm việc và học tập. Có những người sống đã lâu đời như dòng họ Lý (Việt Nam) đã sống ở Hàn Quốc 700- 800 năm. Cũng có người mới sang, có người sang làm cô dâu... Ở Australia có tới 250 nghìn đồng bào ta sinh sống và làm việc. Ở Hàn Quốc là 45 nghìn người. Phải nói là bất cứ cuộc gặp gỡ, tiếp xúc nào với bà con Việt kiều ở các nơi đoàn đến thăm đều rất tình cảm. Tôi rất xúc động. Phải nói rằng bạn đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng bà con ta đối với sự phát triển của bạn. Ở Australia, trong hầu hết các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp, bạn đều nói cộng đồng Việt kiều đóng góp một phần rất quan trọng. Hàn Quốc cũng vậy. Đồng thời bà con cũng luôn hướng về quê hương, hướng về cội nguồn với tình cảm rất sâu sắc.

 

Đương nhiên, gần đây chúng ta có một số lao động đưa ra nước ngoài làm việc, thì cách tổ chức, cách làm của ta cũng phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Nói chung là tốt không có vấn đề gì lớn, nhưng cũng xảy ra một số trường hợp. Lần trước khi sang Malaysia cũng có một số vấn đề. Lần này ở Hàn Quốc cũng có một số trường hợp. Chúng ta cần phải tìm hiểu thêm về luật pháp, cơ chế chính sách, cách tổ chức đưa người đi lao động, rồi cách quan hệ với các chính phủ các nước sở tại để không xảy ra trường hợp nào nữa.

 

Còn, khi đã xảy ra rồi thì phải phối hợp với nhau để giải quyết một cách có lý, có tình, hiệu quả. Không vì một vài chuyện gì đó mà ảnh hưởng đến quan hệ tốt đẹp, quan hệ chung giữa hai nước cũng như trong khu vực.

 

PV: Xin cám ơn Chủ tịch!

T. Tâm

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)