Luật Dầu khí cần có cơ chế đảm bảo việc cung cấp dầu thô phục vụ sản xuất nội địa

11/04/2008

(ĐCSVN)- Trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 3, chiều 10/4, Ủy ban kinh tế của QH khóa XII đã cho ý kiến thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí.

Sau 15 năm thực hiện, Luật Dầu khí năm 1993 và sửa đổi bổ sung năm 2000 đã kịp thời đáp ứng hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ta, tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã nảy sinh một số nội dung bất cập, cần thiết phải sửa đổi. Cụ thể: Quy định cơ quan nào chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với ngành dầu khí; thời hạn tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; quy định về đấu thầu dịch vụ dầu khí; các quy định về thuế và lệ phí. Việc xây dựng dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí dựa trên quan điểm thể chế hóa đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp dầu khí, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; khắc phục những hạn chế của Luật Dầu khí nhằm đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện, nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về dầu khí; đảm bảo phù hợp với các luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế của nền kinh tế nước ta.

Kết luận những vấn đề cần thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH, Hà Văn Hiền lưu ý cơ quan soạn thảo cần xem xét mối tương quan giữa những quy định của dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí với các văn bản pháp luật khác, tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhất trí đề nghị QH thông qua dự án Luật này trong kỳ họp thứ 3 tới. Đối với một số vấn đề các đại biểu có ý kiến khác nhau, Ủy ban kinh tế QH tán thành việc đưa khí than vào đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo như đề xuất trong dự thảo Luật. Về ý kiến chuyển giao quyền từ Chính phủ sang Thủ tướng Chính phủ thẩm quyền phê duyệt, chuyển nhượng, gia hạn hợp đồng dầu khí, ông Hiền nêu rõ: Quan điểm của Ủy ban là những vấn đề cần giải quyết linh hoạt, đảm bảo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh thì nên giao cho Thủ tướng quyền quyết định. Đối với quy định chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động dầu khí, Ủy ban tán thành giao Bộ Công Thương quản lý. Về đề xuất của cơ quan soạn thảo đổi tên từ Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam theo quy định trong Luật Dầu khí trước đây thành Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho phù hợp với tình hình hiện nay, ông Hiền cho rằng cần cân nhắc kỹ, xem xét những vấn đề liên quan cho phù hợp với chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương.

Góp ý tại buổi làm việc, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có quy định cụ thể hơn về đối tượng của luật. Dự thảo luật cũng cần có cơ chế đảm bảo việc cung cấp dầu thô phục vụ sản xuất nội địa, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Các đại biểu đề xuất Dự thảo Luật cần có cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn hơn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các đại biểu tán thành việc để tên của dự thảo luật là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí, tạo cơ chế mở nếu nhu cầu thực tế xét thấy cần tiếp tục sửa đổi Luật Dầu khí sau này. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần xem xét lại việc đổi tên Tổng Công ty Dầu khí đổi thành Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vì vấn đề này liên quan trực tiếp đến chức năng quản lý Nhà nước, ký kết các dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí của Bộ Công Thương./.

 

(http://www.cpv.org.vn/index.html)