Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2008 và 2009

30/10/2008

ND - Ngày 29-10, tại kỳ họp thứ tư, QH khoá XII, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2008, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009.

Quan tâm đời sống, sản xuất của nông dân và đồng bào miền núi

Trong phát biểu của mình, các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2008 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2009. Ðại biểu Ðỗ Thị Huyền Tâm (Bắc Ninh) cho rằng: Thời gian qua, đất nước ta thu được những kết quả quan trọng trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường an sinh xã hội... Báo cáo của Chính phủ cần đề cập và khẳng định rõ nét hơn vai trò quan trọng của nhân dân nói chung và nông dân nói riêng trong thành quả đó. Quan tâm vấn đề đất đai ở nông thôn, đại biểu Võ Ðình Tuyến (Bình Phước) nêu rõ: Một trong những hiện tượng gây bất ổn cho đời sống nông dân ở nhiều vùng trong cả nước hiện nay là tình trạng khiếu nại, tố cáo về đất đai, đền bù và giải phóng mặt bằng diễn ra phức tạp. Vì vậy, Nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về vấn đề này, xử lý chính xác, thỏa đáng những vấn đề gây khiếu kiện, qua đó góp phần giúp nông dân có đất sản xuất, yên tâm lao động, ổn định cuộc sống. Ðại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cho rằng, chúng ta rất quan tâm sản xuất nông nghiệp, khu vực nông thôn và nông dân, nhưng đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung, một số chính sách, chế độ trợ giúp dân như Chương trình 134, 135 có đến dân nhưng chưa đầy đủ. Ðại biểu này nhấn mạnh, cần quy hoạch lại nông thôn, sản xuất nông nghiệp, Nhà nước đầu tư đúng mức, nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, đổi mới nông thôn và nâng cao mức sống của nông dân, chăm lo tốt hơn cuộc sống và nhu cầu phát triển sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi.

Trong thời gian qua, có nhiều thời điểm, giá đầu vào của nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng đột biến, trong khi đầu ra của sản phẩm không ổn định gây nhiều khó khăn cho nông dân. Về vấn đề này, đại biểu Thào Hồng Sơn (Hà Giang) đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng bên cạnh việc chú trọng không tăng giá đột biến các mặt hàng, cần có những biện pháp không để giá giảm đột biến, gây bất ổn cho sản xuất nông nghiệp. Về công tác xóa đói, giảm nghèo cho nông dân, đại biểu Phạm Minh Toản (Quảng Ngãi) nhấn mạnh: Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn miền núi còn rất lớn, đặc biệt, nguy cơ tái nghèo còn cao. Sự chênh lệch trong hưởng thụ, an sinh xã hội giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn, trong khi đó, bước vào thời kỳ hội nhập, người nông dân ngày càng gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, đề nghị cần triển khai thực hiện ngay Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn để tạo ra những cơ hội thuận lợi cho nền nông nghiệp và nông thôn phát triển. Về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2009, Báo cáo của Chính phủ đề ra tám giải pháp cụ thể. Ðại biểu Lê Ðình Khanh (Hải Dương) đề nghị cần cụ thể hoá giải pháp thứ tư về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Ðây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng bởi hơn 70% dân số nước ta sống ở nông thôn và sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, cần sớm trình QH xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Ðất đai để giúp nông dân ổn định sản xuất; dành ngân sách thỏa đáng và cơ chế hợp lý  hỗ trợ nông dân sản xuất cũng như tăng cường tìm kiếm, mở rộng đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Ðại biểu Nguyễn Tấn Trịnh (Quảng Nam), Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) và một số đại biểu khác đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan chức năng cần tính toán giá thành sản phẩm nông nghiệp hợp lý, đồng thời tổ chức thu mua nông sản cho nông dân, nhất là trong những thời điểm khó khăn. Bên cạnh đó, dành ngân sách để đầu tư phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng... cho nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, đại biểu Lò Thị Phương (Lai Châu) và một số đại biểu khác cho rằng, hiện nay, nhân dân khu vực này đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu đội ngũ cán bộ y tế có trình độ. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên là chính sách, chế độ đối với cán bộ y tế về vùng sâu, vùng xa công tác chưa thỏa đáng, chưa hợp lý. Cụ thể là tiền công tác phí, tiền trực đêm... dành cho đội ngũ cán bộ y tế quá thấp, không còn phù hợp với tình hình hiện nay nên không động viên họ yên tâm công tác.

Nâng cao chất lượng công tác giám sát, kiểm tra

Những bất cập, hạn chế trong công tác giám sát, kiểm tra là vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm. Ðại biểu Võ Ðình Tuyến (Bình Phước) và một số đại biểu khác cho rằng, công tác quản lý thị trường còn lỏng lẻo dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực, bất ổn; trong khi đó Chính phủ chưa làm rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan, bộ, ngành nào và phương hướng giải quyết cụ thể. Vì vậy, đề nghị bên cạnh tám giải pháp về kinh tế-xã hội trong năm 2009, cần bổ sung giải pháp tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về kinh tế. Ðại biểu Nguyễn Hữu Ðồng (Nam Ðịnh) nêu rõ: Trong Báo cáo của Chính phủ, phần về hạn chế, yếu kém chưa nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị, bộ, ngành, cơ quan tham mưu cho Chính phủ. Trong năm 2009, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan này trong việc tham mưu cho Chính phủ những chương trình phát triển kinh tế- xã hội. Bên cạnh đó, cần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát. Không tổ chức nhiều đoàn giám sát, kiểm tra nhưng phải giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc. Ðại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hoà) cho rằng, công tác giải quyết các vấn đề sau giám sát, kiểm tra chưa được thực hiện triệt để và hiệu quả chưa cao, cho nên gây mất lòng tin với nhân dân. Ðại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) và một số đại biểu khác đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý nguồn vốn và hiệu quả đầu tư của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, một số đơn vị này đang phát triển đầu tư không đúng ngành nghề mà tập trung vào một số lĩnh vực có độ rủi ro cao, gây thất thoát vốn Nhà nước. Có doanh nghiệp không thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, như ngành điện, trong thời gian qua đã không cung cấp đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân. Hiện tượng cắt điện luân phiên vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Hiện tượng thất thoát vốn trong xây dựng cơ bản cần được tăng cường kiểm tra, giám sát bởi có nhiều công trình vừa hoàn thành nhưng không thể đưa vào sử dụng. Theo đại biểu Bùi Ðắc Luyên (Ninh Bình): Thời gian qua, có nhiều hiện tượng tiêu cực như: nạn phá rừng, làm hàng giả, vi phạm bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm kém... nhưng chưa được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc. Công tác giám sát, kiểm tra của địa phương còn bất cập và bị buông lỏng. Do vậy, đề nghị bổ sung giải pháp tăng cường quản lý nhà nước từ T.Ư đến địa phương về  các vấn đề nói trên, đồng thời sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan để có thể xử lý kịp thời các vụ việc sai phạm. Ðại biểu Trần Mạnh Cường (Ðác Lắc) nhận xét, quyết tâm chống tham nhũng thì cao, nhưng hiệu quả đạt được lại thấp. Nhiều vụ án tham nhũng, tiến độ điều tra, truy tố, xét xử rất chậm, và đề nghị QH phải giám sát mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng. Với thái độ rất kiên quyết, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề nghị Chính phủ phải quan tâm nhiều hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, xử phạt nặng theo pháp luật các đơn vị, cơ sở làm ô nhiễm môi trường, xem xét trách nhiệm quản lý của tổ chức và cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường. Ðại biểu Võ Văn Thưởng (Vĩnh Long) đặc biệt nhấn mạnh cần nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực của quản lý nhà nước trong điều hành kinh tế-xã hội, nhất là trong điều hành giá cả. Hiện nay giá xăng, dầu thế giới giảm mạnh, nhưng ta giảm chậm và nhỏ giọt; đồng thời phải có chế tài đủ mạnh để chống gian lận thương mại, chống nhập các loại thực phẩm thiếu an toàn cho người tiêu dùng. Ðại biểu Võ Văn Thưởng cũng đề nghị QH, Chính phủ, các tổ chức kinh tế-xã hội, mọi gia đình hãy quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục, chăm sóc thanh niên, thiếu niên, học sinh và sinh viên, bảo đảm cho các em có môi trường học tập và rèn luyện tốt, trở thành lớp người có tri thức, văn hóa, phẩm chất đạo đức tốt, gánh vác nhiệm vụ đổi mới và phát triển đất nước.

Một số bộ trưởng trả lời về những vấn đề đại biểu QH quan tâm

Trong thảo luận, QH đã nghe Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Thiện Nhân giải trình các bước làm trong quy trình bổ nhiệm Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo; làm rõ hơn việc phân bổ ngân sách cho các ngành học, bậc học thuộc ngành, nhất là cho giáo dục mầm non được các đại biểu QH tham gia nhiều ý kiến. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Bộ bước đầu quan tâm hơn các cháu ở tuổi lên năm ở bậc học mầm non nhằm chuẩn bị cho các cháu vào lớp 1, sẽ tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non ở khu vực công lập. QH nghe đại biểu Giàng Seo Phử, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, báo cáo kết quả các Chương trình 134 và 135 về hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi về đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sạch sinh hoạt, vốn và vật tư nông nghiệp bảo đảm cho trồng trọt và chăn nuôi; một số yếu kém, tồn tại đang được khắc phục và đề nghị tiếp tục thực hiện các chương trình này trong thời gian tới. QH nghe Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày một số thông tin cập nhật về cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính đang diễn ra ở Mỹ và thế giới, dự báo tác động như thế nào, đến đâu đối với nền kinh tế Việt Nam, đưa ra các giải pháp để nền kinh tế nước ta tiếp tục vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển bền vững. QH nghe Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát trình bày rõ hơn những căn cứ khoa học và thực tiễn trong điều hành của Chính phủ về việc xuất khẩu gạo, bình ổn giá gạo, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Thực tế đã chỉ ra, các quyết định của Chính phủ về vấn đề này là đúng, có hiệu quả. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo việc tiêu thụ lúa gạo, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Cuối phiên họp buổi chiều, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên đã tổng hợp các ý kiến của đại biểu QH trong hai ngày thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2008, nêu bật những cố gắng của QH, Chính phủ, các bộ, ngành, các đơn vị kinh tế-xã hội, và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được hiệu quả bước đầu trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững; tạo tiền đề thuận lợi và thêm kinh nghiệm để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2009.

 

Ðinh Song Linh và Trần Ðình Chính

(http://www.nhandan.com.vn/)