Vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn diễn biến phức tạp

30/10/2013

Chiều 29/10, làm việc tại Tổ, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến thể hiện tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng.

Ghi nhận kết quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của Chính phủ, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho rằng, tình hình tội phạm cơ bản đã được kiềm chế trong bối cảnh khó khăn về kinh tế-xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của các cơ quan chuyên trách cũng đã được nâng cao; việc chấp hành pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cũng đã được thực hiện tích cực.

Tuy nhiên, vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nơi, với nhiều hành vi nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân.

Giảm thiểu nguy cơ phát sinh tội phạm

Các đại biểu cho rằng, nguyên nhân tình trạng trên, chủ yếu là do sự xuống cấp của đạo đức xã hội ở mức đáng báo động. Tội phạm có xu hướng trẻ hoá, ngày càng có nhiều thanh thiếu niên phạm tội. Công tác phòng ngừa của các lực lượng chức năng còn hạn chế, chưa chủ động nắm chắc tình hình nổi lên trên một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm… Một số ý kiến đề nghị Báo cáo của Chính phủ phân tích rõ hơn nguyên nhân chủ quan của các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật, nhất là đối với các nguyên nhân xã hội.

Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung một số loại tội danh xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội vào Bộ luật Hình sự; tạo điều kiện về việc làm cho các đối tượng có tiền án, tiền sự, để giảm thiểu nguy cơ phát sinh tội phạm.

Khẳng định việc thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhận được sự đồng tình của nhân dân, đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cho rằng, kết quả công tác phòng chống tội phạm thời gian qua đã được cải thiện.

Ông Tuyến đề nghị cần làm tốt hơn nữa việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, bởi đây là những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tội phạm. Đặc biệt cần tiếp tục rà soát, “bịt kín“ các kẽ hở trong pháp luật hình sự, phòng chống tội phạm; tăng cường trách nhiệm thanh tra, quản lý; tăng cường vai trò của cơ quan thanh tra; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các giải pháp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong phòng chống tội phạm. Đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, khắc phục những kẽ hở về cơ chế trong phòng, chống tham nhũng, đang là điều kiện để xuất hiện tội phạm.

Theo đại biểu Đỗ Kim Tuyến, cần đánh giá lại hiệu quả của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, đảm bảo phát huy hết vai trò của các bộ, ngành; nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các cơ quan này trong phòng chống tham nhũng.

Trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước

Ghi nhận việc triển khai Nghị quyết 37 của Quốc hội cơ bản đạt yêu cầu đề ra, song đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn bày tỏ lo ngại trước diễn biến phức tạp của tội phạm, vi phạm pháp luật và tham nhũng.

Thời gian qua, có tình trạng bảo kê doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, hoạt động "xã hội đen"... xảy ra ở nhiều nơi. “Vấn đề này, người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm,” ông Đương kiến nghị.

Đề cập đến thực trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông là một tồn tại chưa thể khắc phục, theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội), các chế tài xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông hiện chưa đủ mạnh; cần được sửa đổi để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa cao hơn.

Ông Chung đề nghị đưa Luật Giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy ngay từ cấp học phổ thông trung học để xây dựng ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông cho người dân từ khi ngồi ghế nhà trường.

Đề nghị bổ sung vào Báo cáo của Chính phủ thống kê về tình trạng vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức để làm căn cứ đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, cần chú ý xử lý trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước. Một trong những nguyên nhân phát sinh tội phạm là do trách nhiệm quản lý Nhà nước bị buông lỏng.

Dẫn chứng về vụ việc tại cơ sở thẩm mỹ Cát Tường, ông Quyền cho rằng, không khó để xác định trách nhiệm quản lý Nhà nước. Theo đại biểu, trong vụ việc này, trách nhiệm quản lý Nhà nước phải thực hiện hàng ngày, hàng giờ chứ không thể chờ đến khi có vụ việc xảy ra mới tiến hành kiểm tra.

“Các bộ phận thanh tra, kiểm tra nếu không phát hiện được là do năng lực yếu kém hoặc bảo kê, ăn tiền và bỏ qua,” đại biểu Quyền thẳng thắn./.

 

Quang Vũ (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)