Phiên họp thứ Mười bảy của UBTVQH

25/02/2009

* Cần hoàn thiện báo cáo tác động, tính khả thi của các chính sách trong dự án Luật Người cao tuổi * Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Sáng 24.2, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Người cao tuổi.

Tán thành việc ban hành Luật Người cao tuổi, nhưng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội do Chủ nhiệm UB Trương Thị Mai trình bày nêu rõ, Ban Soạn thảo cần tiếp tục làm việc với các cơ quan hữu quan, hoàn thiện báo cáo tác động của dự thảo Luật,  đặc biệt là đánh giá tính khả thi của các chính sách được xây dựng. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đều cho rằng  Hội Người cao tuổi – cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật này- cần xem xét cẩn trọng về những chính sách được nêu ra trong dự thảo Luật để phù hợp với nguồn lực của ngân sách nhà nước. Bởi trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, đã quy định các chính sách với người nghèo, người có công với cách mạng, người cao tuổi... Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, cần quy định những chính sách để áp dụng chung cho mọi người cao tuổi và cũng cần những chính sách riêng sẽ áp dụng cho một số đối tượng đặc thù.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội đồng tình với  phạm vi điều chỉnh của Luật Người cao tuổi. Người nước ngoài từ 60 tuổi đang sinh sống tại Việt Nam không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Người cao tuổi. Do một số quyền và nghĩa vụ được quy định chỉ phù hợp với công dân Việt Nam, đồng thời, khả năng ngân sách Nhà nước hiện còn hạn chế nên cần ưu tiên thực hiện chế độ, chính sách với người cao tuổi là công dân Việt Nam. Tuy nhiên, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị, Ban Soạn thảo cần thống kê, khảo sát số lượng người nước ngoài từ 60 tuổi đang sinh sống tại nước ta để có căn cứ chính xác khi quyết định. Để phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế nước ta đã ký kết, cũng cần xem xét áp dụng một số chính sách với người nước ngoài từ 60 tuổi đang sinh sống tại nước ta. Trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng, Chủ tịch HĐDT K’sor Phước, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng đồng tình với phương án này.

Về hệ thống tổ chức và vị trí của Hội Người cao tuổi Việt Nam, tờ trình của Ban Soạn thảo đề nghị, hệ thống tổ chức của Hội cần được hoàn chỉnh ở 4 cấp: cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đồng thời là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người cao tuổi, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. UB Về các vấn đề xã hội cho rằng cần cân nhắc kỹ quy định này do hiện Hội Người cao tuổi Việt Nam đã được ghi nhận là tổ chức xã hội; đồng thời, Chính phủ đang thực hiện chương trình cải cách hành chính, đổi mới hoạt động và hạn chế việc hành chính hóa các tổ chức hội. Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch HĐDT K’sor Phước cho rằng, chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc về tổ chức của Hội Người cao tuổi, những quy định cụ thể sẽ được quy định trong Điều lệ của Hội. Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuật cho rằng, việc hình thành hệ thống cơ quan về người cao tuổi ở 4 cấp sẽ khiến bộ máy hành chính phình ra, gây gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Trong điều kiện kinh tế suy giảm, nguồn lực tài chính còn hạn chế nên tiếp tục tinh giản bộ máy hành chính, tránh thành lập thêm các cơ quan chưa thực sự cần thiết - Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên đề nghị.

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

UB Pháp luật đề nghị Ban Soạn thảo cần nghiên cứu việc mở rộng phạm vi điều chỉnh để vừa đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, các quy định bổ sung, sửa đổi trong dự thảo Luật này cũng cần cụ thể hóa các quy định có tính nguyên tắc về sở hữu trí tuệ trong Bộ luật dân sự. Đặc biệt, cần nghiên cứu để sửa đổi các quy định còn bất cập với các nội dung liên quan đến việc thực hiện, sửa đổi, chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả. Những vấn đề này, dự án Luật Sở hữu trí tuệ chưa quy định chi tiết hơn so với Bộ luật dân sự.

Báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật cũng không đồng tình với quy định về vai trò của cơ quan nhà nước về sở hữu trí tuệ trong hoạt động giám định sở hữu trí tuệ. Việc giao cho cơ quan nhà nước về sở hữu trí tuệ thực hiện hoạt động giám định sở hữu trí tuệ sẽ dẫn đến tình trạng thiếu khách quan, “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Việc giám định sở hữu trí tuệ được coi là một dịch vụ công nên lập một cơ quan giám định độc lập  theo quy định của pháp luật về giám định (đơn vị sự nghiệp công lập), đồng thời, có cơ chế để giao cho hiệp hội nghề nghiệp thực hiện.

 

Phương Thủy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)