Hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của QH

15/03/2009

Trong 2 ngày 13-14.3, tại thành phố Hồ Chí Minh, Đảng đoàn QH đã tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của QH. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba đồng chủ trì Hội thảo, với sự tham gia của Thường trực HĐDT, các UB của QH, ĐBQH các tỉnh khu vực miền Nam, Viện Nghiên cứu lập pháp, Kiểm toán Nhà nước…

Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba đồng chủ trì

Các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng: Hoạt động giám sát của QH, các cơ quan của QH, Đoàn ĐBQH và ĐBQH nhìn chung vẫn còn đơn điệu về hình thức, chủ yếu là đến để nghe báo cáo rồi về cũng… làm báo cáo, kiến nghị không rõ ràng nên hiệu quả giám sát còn hạn chế. Một số ĐBQH còn e dè, ngại va chạm nên ít tham gia hoạt động chất vấn tại Phiên họp toàn thể và chưa ĐBQH nào thực sự chủ động đề ra chương trình giám sát cho riêng mình hoặc tự mình giám sát một lĩnh vực, một cơ quan nào. Giám sát văn bản QPPL dù đã được quy định trong Luật Hoạt động giám sát của QH nhưng các Đoàn ĐBQH hầu như chưa làm được, mới chỉ dừng lại ở việc nhận các văn bản QPPL này chứ ít quan tâm giám sát nội dung văn bản. Việc theo dõi các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện các kết quả giám sát còn hạn chế, thiếu sự đeo bám để giải quyết dứt điểm. Về hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của UBTVQH, HĐDT và các UB của QH tại các địa phương, theo các đại biểu tham dự Hội thảo cũng còn nhiều hạn chế như: Nội dung yêu cầu của Đoàn giám sát quá nhiều, phạm vi rộng nhưng thời gian lại quá gấp gáp nên khó có điều kiện hiểu sâu, hiểu kỹ tình hình của địa phương; Hơn nữa, các điểm đi thực tế hầu như đều do cơ quan chịu sự giám sát lựa chọn nên khó có cái nhìn khách quan và toàn diện về tình hình thực tiễn.

Khẳng định đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát là yêu cầu tất yếu của thiết chế dân chủ đại diện trong điều kiện tổ chức bộ máy Nhà nước là 3 nhánh quyền lực thống nhất và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, các đại biểu kiến nghị: Cần phải thay đổi nhận thức của cả chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát về vai trò hoạt động giám sát của QH; Làm rõ thế nào là giám sát tối cao, phạm vi của giám sát tối cao của QH đến đâu… Bên cạnh đó, cần phải thiết kế và tăng cường các điều kiện bảo đảm cho việc thực thi quyền lực giám sát của các cơ quan của QH và ĐBQH như: Lập trung tâm dữ liệu mạng để đại biểu có thể truy cập, tra cứu thông tin về vấn đề mà đại biểu quan tâm cũng như hình thành hệ thống cố vấn qua mạng để tư vấn cho đại biểu các vấn đề thuộc về chuyên môn sâu phục vụ hoạt động giám sát tại Đoàn cũng như tại Hội trường; Phát huy tính tích cực của QH, các cơ quan của QH, Đoàn ĐBQH và cá nhân ĐBQH để kịp thời phát hiện sớm những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật để đưa ra thảo luận tại diễn đàn của cơ quan dân cử với hình thức phù hợp; Hoàn thiện bộ máy giúp đại biểu và các cơ quan của QH giám sát việc xử lý các vấn đề đã kết luận trong giám sát…

 

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)